✴️ Đau bàn chân: Tổng quan và cách điều trị một số bệnh thường gặp

Nội dung

Nguyên nhân đau bàn chân 

Có nhiều nguyên nhân làm bàn chân đau: thế đứng không đúng làm sức nặng thân người đè lên một điểm lệch với trọng tâm ở chân hoặc do bị viêm, nhiễm trùng, bị bệnh thấp khớp, đau dây thần kinh hoặc nghẽn mạch máu. Đau bàn chân có thể còn do bị chấn thương, trật khớp…

Ngoài những trường hợp có thể chẩn đoán được, còn có một số khác chưa biết rõ nguyên nhân.

Biến chứng của đau bàn chân

Đau bàn chân mãn tính có thể là triệu chứng của các bệnh sau đây:

  • Bệnh của mạch máu: viêm tắc động mạch, hội chứng Renaul (co mạch), u cuộn mạch… có thể phát hiện bằng siêu âm mạch máu hoặc chụp hình động mạch.
  • Bệnh của dây thần kinh: viêm thần kinh ngoại biên, chèn ép các thần kinh (hội chứng đường hầm: Jogger’s foot, Tarsal tunnel syndrome), đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm… thường kèm với tê, di cảm, teo cơ… có thể phát hiện được trên đo điện cơ (EMG).
  • Bệnh thuộc xương – khớp: viêm khớp (viêm khớp dạng thấp, viêm khớp gout, viêm khớp do quá tải…), thoái hóa khớp (mòn khớp: khớp bàn- ngón chân, khớp bàn – cổ chân), nứt xương do mỏi… cần xét nghiệm máu, chụp CT scan hoặc MRI để phát hiện.
  • Bệnh gân cơ, dây chằng: đau do quá tải trên gân cơ, viêm cân gan chân…

Các trường hợp đau bàn chân kéo dài mà không điều trị khỏi thường do bỏ sót hoặc nhầm lẫn các bệnh sau:

  • Bệnh u thần kinh gian ngón chân (có tên riêng là bệnh Morton): Thường đau ở kẽ xương bàn 3-4, u thần kinh này nằm giữa hai đầu xương bàn chân, dễ bị chèn ép, do đó rất đau khi đi lại hoặc mang dép giày chật hay cao gót.
  • Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, mọi giới nhưng hay gặp ở người chạy nhảy nhiều hoặc vận động viên điền kinh. Khám phát hiện khi ấn vào giữa hai xương bàn chân đau chói hoặc đau khi ép các ngón chân với nhau.
  • Bệnh hoại tử chỏm xương bàn chân (bệnh Freiberg’s infraction): Thường gặp ở nữ, đau ở vùng bàn chân trước, đau khi đi nhiều, chạy nhảy, giảm khi nghỉ ngơi. Bệnh do chỏm xương bàn chân bị thiếu máu nuôi và hoại tử dần.
  • Mặc dù X quang giai đoạn đầu thường không phát hiện gì, nhưng bệnh sẽ diễn tiến làm biến dạng hoặc đơ cứng khớp làm hạn chế đi lại. Để chẩn đoán sớm cần chụp CT scan hoặc MRI.
  • Chồi xương ở khớp cổ chân: Thường gặp ở người lớn tuổi do khớp thoái hóa hoặc ở người trẻ đi lại nhiều làm khớp quá tải.
  • Chụp X quang có thể thấy khe khớp hẹp lại, mọc chồi xương ở bờ trước khớp cổ chân (xương chày). Khi đi lại, chồi xương này cấn vào xương cổ chân phía dưới (xương sên) gây đau.

Điều trị đau bàn chân 

Điều trị các bệnh trên không chỉ dùng thuốc mà cần phối hợp giảm vận động chạy nhảy, điều chỉnh – độn lót giày dép, tập vật lý trị liệu. Một số trường hợp dùng corticoid chích tại chỗ cho kết quả rất tốt…

Các trường hợp tổn thương rõ ràng hoặc điều trị như trên thất bại thì cần phẫu thuật để điều trị triệt để.

Tóm lại, đau bàn chân là biểu hiện của rất nhiều bệnh khác nhau và việc điều trị cũng có thể rất đơn giản như uống thuốc đến phức tạp như phải phẫu thuật.

Người đau cần biết nhận xét về hiện tượng đau của mình để nói lại với bác sĩ như: đau ở điểm nào, đau thế nào (đau nhói, đau ê ẩm…) đau khi nào (khi đi hay khi nghỉ…) để giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác thì điều trị đúng mới mau khỏi.

Xem thêm: Giải quyết cục chai ở lòng bàn chân

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top