✴️ Nhiễm trùng răng và kháng sinh điều trị

Nội dung

Khi nhiễm trùng xảy ra, một ổ mủ sẽ được hình thành trong miệng do sự tăng sinh của vi khuẩn. Tình trạng nhiễm trùng này thường dẫn đến sưng, đau và nhạy cảm tại vùng tổn thương. Nếu không được điều trị, nhiễm trùng có thể lan đến các vùng khác của bộ hàm, và thậm chí là đến não.

Sâu răng là một bệnh lý rất thường gặp. Theo một báo cáo ở Hoa Kỳ, có đến 91% người trưởng thành từ độ tuổi 20-64 tuổi bị sâu răng. Ngoài ra, khoảng 27% trong số đó không được điều trị. Điều trị sớm sâu răng rất quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng như nhiễm trùng răng.

Bất cứ ai bị nhiễm trùng răng, nên đến gặp bác sĩ ngay để phòng trường hợp nhiễm trùng có thể lan rộng hơn.

Một số loại kháng sinh thường có tác dụng tốt hơn những loại khác trong việc điều trị nhiễm trùng răng, ngoài ra một vài thuốc giảm đau không cần kê đơn (OTC) cũng có thể được sử dụng để giảm triệu chứng.

Khi nào cần sử dụng kháng sinh để điều trị nhiễm trùng răng?

Trong nha khoa, nha sĩ thường chỉ đề nghị sử dụng kháng sinh để điều trị nhiễm trùng răng. Tuy nhiên không phải tất cả các trường hợp nhiễm trùng răng đều cần phải dùng kháng sinh.

Một số trường hợp, nha sĩ có thể chỉ dẫn lưu vùng nhiễm trùng, và nhổ bỏ răng bệnh, hoặc thực hiện hút tủy răng để điều trị.

Họ cố gắng hạn chế chỉ định kháng sinh ngoại trừ trong trường hợp thật sự cần thiết, ví dụ khi nhiễm trùng quá nặng hoặc lan rộng, hoặc bệnh nhân có sẵn tình trạng suy giảm miễn dịch.

nhiễm trùng chân răng

Danh sách các loại thuốc và liều lượng

Mặc dù kháng sinh có thể giúp trị hoàn toàn tình trạng nhiễm trùng, cần sử dụng đúng loại kháng sinh cho từng trường hợp nhất định.

Các loại kháng sinh mà nha sĩ có thể chỉ định rất đa dạng, tùy thuộc vào loại vi khuẩn gây ra nhiễm trùng. Điều này là do mỗi loại kháng sinh sẽ có tác dụng khác nhau đối với từng chủng vi khuẩn khác nhau.

Theo nghiên cứu của Tạp chí nha khoa, có hơn 150 loại vi khuẩn khác nhau tồn tại trong khoang miệng. Rất nhiều trong số đó có khả năng phát triển và gây ra nhiễm trùng.

Điều trị có thể thay đổi tùy thuộc vào loại vi khuẩn gây ra nhiễm trùng, mặc dù vậy trong phần lớn trường hợp, nha sĩ sẽ kê các loại kháng sinh phổ rộng – có tác dụng với  nhiều chủng vi khuẩn khác nhau.

Nhóm Penicillin

Thuốc thuộc nhóm Penicillin là một loại kháng sinh rất phổ biến trong điều trị nhiễm trùng răng. Nhóm này bao gồm penicillin và amoxicillin. Một số nha sĩ có thể kê amoxicillin kèm với acid clavulanic, sự kết hợp giữa hai hoạt chất này giúp tăng cường khả năng tiêu diệt các vi khuẩn khó trị.

Liều thông thường của amoxicillin trong điều trị nhiễm trùng răng là 500mg mỗi 8 giờ hoặc 1000mg mỗi 12 giờ.

Liều thông thường của amoxicillin + acid clavilanic khoảng 500-2000mg mỗi 8 giờ hoặc 2000mg mỗi 12 giờ, tùy vào liều hiệu quả tối thiểu.

Tuy nhiên một số loại vi khuẩn có thể đề kháng với những loại thuốc này, khiến thuốc giảm hiệu quả điều trị. Thực tế, rất nhiều bác sĩ hiện nay thường chọn một loại kháng sinh khác để điều trị ban đầu.

Ngoài ra, có một số bệnh nhân có phản ứng dị ứng với nhóm thuôc này. Bất kỳ ai có phản ứng dị ứng với những thuốc tương tự nên khai báo với nha sĩ trước khi tiếp nhận điều trị.

Clindamycin

Clindamycin là một nhóm thuốc kháng khuẩn phổ rộng rất hiệu quả. Theo nghiên cứu của Tạp chí nha khoa thế giới, một số báo cáo khuyến cáo sử dụng clindamycin là thuốc đầu tay trong điều trị nhiễm trùng răng, bởi vì vi khuẩn thường ít đề kháng với nhóm này hơn so với nhóm penicillin.

Liều thông thường của clindamycin là 300mg hoặc 600mg mỗi 8 giờ, tùy thuộc vào liều hiệu dụng.

Azithromycin

Azithromycin cũng là nhóm thuốc kháng khuẩn phổ rộng, có tác dụng ức chế sự tăng trưởng của vi khuẩn. Nó có thể hiệu quả trong điều trị một số trường hợp nhiễm trùng răng, mặc dù vậy nha sĩ thường chỉ đề nghị thuốc này đối với những bệnh nhân dị ứng với nhóm penicillin hoặc không đáp ứng với các thuốc khác như clindamycin.

Metronidazole

Metronidazole là một loại thuốc kháng sinh mà nha sĩ thường sử dụng để điều trị một số bệnh lý nhiễm trùng. Tuy nhiên nó không phù hợp với tất cả mọi người và cũng không được chọn là thuốc điều trị đầu tay.

Liều thông thường của metronidazole khoảng 500-750mg mỗi 8 giờ.

Bao lâu thì thuốc sẽ có tác dụng?

Thời gian để mỗi loại kháng sinh tác dụng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như độ nặng của nhiễm trùng, hiệu quả tiêu diệt vi khuẩn của thuốc.

Điều quan trọng là bệnh nhân phải dùng thuốc kháng sinh đủ liều, uống các loại thuốc được kê toa theo đúng cách nha sĩ dặn dò. Mặc dù bệnh nhân có thể cảm thấy triệu chứng của họ đã suy giảm sau một vài liều thuốc, tuy nhiên sử dụng đủ liều kháng sinh sẽ giúp ngăn ngừa việc tái nhiễm trở lại hoặc nhiễm trùng nặng hơn.

Theo Tạp chí nha khoa quốc tế, phần lớn các nhiễm trùng cấp sẽ khỏi trong vòng 3-7 ngày.

Tác dụng phụ

Mặc dù kháng sinh giúp loại bỏ tình trạng nhiễm trùng và là bước chuẩn bị để thực hiện các thủ thuật ở răng, chúng vẫn có thể gây ra một số tác dụng phụ.

Tác dụng phụ của thuốc rất thay đổi, tùy vào loại thuốc mà bạn sử dụng. Điều quan trọng cần làm là thảo luận những tác dụng phụ có thể có khi sử dụng thuốc với bác sĩ trước khi bắt đầu một biện pháp điều trị cụ thể.

Các phương pháp điều trị nhiễm trùng răng khác.

Kháng sinh có thể giúp điều trị các trường hợp nhiễm trùng cấp tính, nhưng các thủ thuật vẫn phải được thực hiện nhằm kiểm soát nhiễm trùng.

Thông thường bệnh nhân sẽ được thực hiện một hoặc hơn hai thủ thuật sau đây tại vùng nhiễm trùng, ví dụ:

  • Dẫn lưu ổ áp xe
  • Trám các lỗ sâu
  • Hút tủy răng
  • Nhổ răng

Điều trị kháng sinh trong nhiễm trùng răng chỉ là một phần trong phác đồ điều trị. Thực tế, phần lớn các răng nhiễm trùng cần được thực hiện một số thủ thuật hoặc nhổ bỏ hoàn toàn.

Một số biện pháp tự nhiên giúp giảm triệu chứng

Một số thuốc không cần kê đơn có thể giúp người bệnh kiểm soát triệu chứng của nhiễm trùng. Chúng bao gồm các thuốc giảm đau như ibuprofen (Advil) và acetaminophen (Tylenol).

Ngoài ra bệnh nhân có thể thử thực hiện một số biện pháp sau đây để kiểm soát triệu chứng, ví dụ:

  • Súc miệng nhẹ nhàng với nước muối ấm, có thể tham khảo thêm một số loại thuốc súc miệng có chứa thành phần sát khuẩn, ví dụ như Chlorhexidine. 
  • Súc miệng nhẹ nhàng với dung dịch baking soda
  • Không sử dụng các loại thực phẩm quá nóng hoặc quá lạnh để tránh kích ứng
  • Nhai bằng phần hàm đối diện để giảm các tổn thương lên vùng bệnh
  • Đánh răng bằng bàn chải mềm xung quanh vùng tổn thương
  • Tránh các thức ăn cứng, nhọn có thể đâm vào vùng tổn thương hoặc bị mắc trong răng
  • Vệ sinh răng miệng tốt, như đánh răng và xỉa răng hằng ngày, hoặc đến gặp nha sĩ kiểm tra định kỳ để có thể giúp phòng ngừa nhiễm trùng răng và các biến chứng của nó.

súc miệng ngừa bệnh răng miệng

Tóm lại

Mặc dù kháng sinh có thể giúp loại bỏ tình trạng nhiễm trùng răng, chúng chỉ là một phần trong chiến lược điều trị. Phần lớn các răng bị nhiễm trùng sau đó cần được thực hiện thêm một số thủ thuật khác như hút tủy hoặc nhổ răng, để đảm bảo điều trị triệt để.

Điều trị sớm rất quan trọng, nhằm kiểm soát nhiễm trùng và không để chúng lan rộng hơn. Một số biện pháp tại nhà có thể hữu ích trong việc giảm sưng và giảm đau trong khi sử dụng kháng sinh và chuẩn bị cho việc thực hiện các thủ thuật trên răng sau đó.

Có thể bạn quan tâm: Khắc phục tình trạng nghiến răng

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top