✴️ Những điều cần biết về tụt nướu

Nội dung

Nướu răng có thể bị tụt hoặc tiêu mất dần làm lộ phần mô hồng bao phủ chân răng. Đây là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại nếu chân răng bị lộ khiến răng có nguy cơ bị sâu, nhiễm trùng và hậu quả cuối cùng là mất răng.

Nếu tình trạng tụt nướu trở nên trầm trọng và biểu hiện triệu chứng, như răng nhạy cảm, đau hay nhiễm trùng thì sẽ có nhiều phương pháp điều trị khác nhau, bao gồm cạo vôi răng, điều trị nội khoa và ghép mô. Nếu được điều trị sớm, bạn vẫn có thể ngăn chặn hoặc hoàn nguyên quá trình tụt nướu.

Nướu răng là gì?

Nướu răng là phần mô màu hồng ở nơi tiếp xúc với chân răng. Mô nướu có cấu trúc dày đặc với mạng lưới mạch máu nằm bên dưới màng nhầy. Mô nướu liên kết với phần còn lại của niêm mạc miệng nhưng có màu hồng thay vì màu đỏ bóng.

Nướu bám chắc vào xương hàm và bao bọc từng chiếc răng đến phần cổ răng. Khi còn nguyên vẹn, nướu sẽ bao bọc chân răng và bảo vệ chúng.

Tình trạng tụt nướu xảy ra sau khi bạn bị mất mô nướu, khiến các chân răng mỏng manh bị lộ, tiếp xúc với vi khuẩn và mảng bám, có thể dẫn đến sâu răng.

Nguyên nhân

Vệ sinh răng miệng kém và bệnh nha chu là nguyên nhân góp phần gây tụt nướu. Tuy nhiên, tụt nướu cũng có thể xảy ra ở những người có thói quen vệ sinh răng miệng tốt.

Sự mài mòn mô nướu và tình trạng viêm nhiễm là những lý do chính gây ra tình trạng tụt nướu.

Một số người cũng có thể dễ bị tụt nướu hơn do yếu tố di truyền, bao gồm vị trí của răng và độ dày của nướu.

Sự mài mòn mô nướu do chải răng mạnh hoặc do sử dụng bàn chải lông cứng cũng là một nguyên nhân phố biến gây tụt nướu.

Đánh răng quá kỹ có thể gây tụt nướu kể cả khi đó là một thói quen tốt. Loại tụt nướu này thường ảnh hưởng đến phần hàm bên trái nhiều hơn. Bởi vì hầu hết chúng ta đánh răng bằng tay phải và tạo lực chải nhiều hơn ở vùng hàm bên trái. Kiểu tụt nướu này cũng có xu hướng ảnh hưởng đến phần nướu 2 bên hơn phần nướu ở giữa.

Các yếu tố thực thể khác khiến nướu bị tụt gồm xỏ khuyên ở môi hoặc lưỡi, răng lệch lạc và tổn thương do điều trị nha khoa.

Một số người dễ gặp các nguyên nhân gây tụt nướu do viêm nhiễm hơn vì có mô nướu mỏng manh hơn. Mô nướu mỏng dễ gây viêm hơn là do mảng bám.

Khi mảng bám tích tụ trên răng có thể gây ra các tình trạng sau:

  • Viêm nướu: có thể dẫn đến viêm nha chu;
  • Viêm nha chu: Bệnh gây ra các khoảng hở giữa răng và nướu, làm mất các sợi liên kết và mô xương quanh chân răng. Điều này dẫn tới tụt nướu và tiêu xương.

Bệnh nha chu là nguyên nhân thường gặp gây tụt nướu. Bệnh gây tiêu xương và mô nâng đỡ răng do phản ứng viêm. Tình trạng tụt nướu có xu hướng ảnh hưởng tương tự đến tất cả các răng.

Yếu tố nguy cơ

  • Tuổi là yếu tố nguy cơ chính gây tụt nướu. Khoảng 88% những người trên 65 tuổi bị tụt nướu ở ít nhất một răng.
  • Những người hút thuốc lá và sử dụng những sản phẩm từ thuốc lá cũng có nguy cơ cao bị tụt nướu.
  • Di truyền cũng là một yếu tố nguy cơ vì những người có mô nướu mỏng hoặc yếu có thể di truyền những đặc điểm này qua gen của họ.
  • Bệnh đái tháo đường cũng có thể làm tăng nguy cơ tụt nướu.

Triệu chứng

Nhiều người thường xem nhẹ hoặc không để ý tình trạng tụt nướu răng. Tuy nhiên, khi bị tụt nướu, bạn có thể nhận thấy một số triệu chứng như:

  • Thay đổi về hình dáng răng bên ngoài như răng trông có vẻ dài hơn hay khe hở giữa các răng ngày càng lớn;
  • Răng bị lung lay,
  • Nhạy cảm với lạnh và nóng do chân răng bị lộ.

Ngoài ra, tụt nướu có thể là một triệu chứng của một số vấn đề răng miệng khác như bệnh nha chu làm tăng nguy cơ bị sâu răng hoặc mất răng. Tụt nướu cũng có thể gây hôi miệng và chảy máu nướu.

Điều trị

Hầu hết các trường hợp tụt nướu nhẹ không cần điều trị. Nha sĩ có thể tư vấn về cách phòng ngừa và đề nghị theo dõi nướu định kỳ. Đánh răng đúng cách là một biện pháp can thiệp sớm có hiệu quả. Đối với những trường hợp cần điều trị, có nhiều phương pháp như:

  • Chất khử nhạy cảm, véc-ni và chất gắn nha khoa: Những sản phẩm này nhằm giảm sự nhạy cảm ở những chân răng bị lộ. Chất khử nhạy cảm điều trị các triệu chứng về thần kinh và giúp giữ gìn vệ sinh răng miệng bằng cách giảm bớt việc chải răng ở những răng nhạy cảm;
  • Phục hồi với composite: Nha sĩ sử dụng một loại nhựa composite giống màu răng để phủ lên bề mặt chân răng. Chúng cũng có thể đóng các khe hở giữa răng;
  • Sứ hoặc composite màu hồng: Vật liệu này có màu hồng giống với nướu răng và có thể được dùng để lấp đầy những khoảng trống nơi nướu bị tụt;
  • Mặt dán nướu tháo lắp: Loại vật liệu này thường là acrylic hoặc silicon, chúng thay thế một vùng lớn mô nướu bị tiêu mất do tụt nướu;
  • Chỉnh nha: là phương pháp điều trị di chuyển từ từ vị trí răng trong một thời gian dài. Việc chỉnh lại vị trí này có thể điều chỉnh lại đường viền nướu và giúp cho việc giữ vệ răng miệng dễ dàng hơn;
  • Phẫu thuật: Bác sĩ nha khoa sẽ ghép mô nướu từ một vị trí khác trong miệng và mô sẽ lành thương ở vùng tụt nướu trước đó. Bạn thường chỉ cần điều trị này khi tình trạng tụt nướu trở nên trầm trọng.

Phòng ngừa

Một số nguyên nhân gây tụt nướu có thể phòng ngừa được.

Biện pháp đơn giản nhất là ngưng chải răng quá mạnh hoặc dùng bàn chải lông cứng. Thay vào đó, bạn nên sử dụng bàn chải lông mềm chỉ sử dụng lực chải nhẹ nhàng.

Sự tích tụ mảng bám và vôi răng có thể dẫn đến bệnh nha chu, vì vậy việc duy trì vệ sinh răng miệng tốt cũng có thể giúp ngăn ngừa tụt nướu.

Nếu bạn có lo lắng các vấn đề về răng hoặc tình trạng tụt nướu thì nên đến khám nha sĩ để được tư vấn nhiều hơn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top