✴️ Rubella là bệnh gì?

1. Rubella là bệnh gì?

Rubella (hay còn gọi là bệnh Sởi Đức) là một bệnh truyền nhiễm gây dịch do virus rubella gây ra, với các triệu chứng như sốt, nổi hạch, phát ban, thường diễn biến lành tính, nhưng có thể gây ra các biến chứng viêm não – màng não, hay gây ra các biến chứng, hậu quả nặng nề đối với thai nhi khi người mẹ mắc bệnh.

Bệnh Rubella, còn gọi với cái tên khác là bệnh Sởi Đức

Bệnh Rubella có ở nhiều nơi trên thế giới, có thể mắc bệnh vào bất kỳ mùa nào trong năm, tuy nhiên thường hay gặp vào mùa đông xuân.

2. Nguyên nhân gây bệnh và đường lây truyền

Rubella do virus rubella gây ra, được truyền từ người này qua người khác qua đường hô hấp hoặc từ mẹ sang con. Virus rubella thường gặp trong đường hô hấp trên của người mang bệnh, đặc biệt là mũi và cổ họng. Khi tiếp xúc trực tiếp với các dịch nhầy từ mũi, cổ họng hay các cơn ho, hắt hơi của người bệnh có thể khiến virus lây lan từ người này sang người khác.

Bệnh lây truyền từ người sang người, từ người mang bệnh, người có mang virus sang người lành trong khoảng thời gian từ 7 ngày trước khi phát ban đến 7 ngày sau khi phát ban.

Trong những tháng đầu của thai kỳ, nếu người mẹ mắc rubella, có thể truyền sang con và gây nên các biến chứng nặng nề cho thai nhi như các dị tật bẩm sinh, sảy thai… Do đó, việc tiêm phòng rubella cho các bà mẹ có ý định mang thai là rất cần thiết.

3. Triệu chứng của bệnh Rubella

Rubella so với một số bệnh truyền nhiễm khác như sởi, biểu hiện không quá rõ ràng khi khởi phát, mà chủ yếu đến khi toàn phát mới xuất hiện đầy đủ các triệu chứng bệnh.

Người mắc rubella thường gặp các triệu chứng như:

  • Sốt nhẹ: 37,2 đến 37,7 độ C, khoảng từ 1 đến 3 ngày, khi phát ban sốt giảm bớt.
  • Ho, chảy nước mũi.
  • Phát ban: là dấu hiệu bên ngoài dễ nhận thấy và thường được chú ý nhất. Ban dạng dát sẩn, lúc đầu mọc vùng đầu và mặt, sau đó lan ra khắp cơ thể, mọc không theo trình tự nhất định và cũng không để lại vết thâm sau khi bay.

Triệu chứng của Rubella với các nốt ban trên da

  • Đau, nhức mỏi người, đau xương khớp
  • Nổi hạch ở nhiều nơi trên cơ thể, thường gặp ở sau cổ, vùng xương chẩm, khuỷu tay, bẹn, sờ có thể hơi đau. Hạch thường xuất hiện trước khi phát ban và tồn tại khoảng vài ngày sau khi ban hết.

4. Phân biệt rubella và sởi

Rubella và sởi đều là các bệnh truyền nhiễm do virus gây nên, đều có các biểu hiện phát ban trên da tương đối giống nhau, tuy nhiên, vẫn có thể phân biệt qua một số đặc điểm sau:

  • Sởi thời kỳ khởi phát đã gặp các biểu hiện ho, chảy nước mũi, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, và sốt trên 38 độ C. Trong khi rubella thường sốt nhẹ và diễn biến bệnh lành tính. Đến thời kỳ toàn phát rubella mới xuất hiện các biểu hiện trên.
  • Ban da: ở sởi, ban da  mọc và bay theo trình tự: từ đầu, ngực tay bụng, chân, ban hồng mịn và xen kẽ với các khoảng da lành; khi bệnh lui, ban da cũng bay theo thứ tự và để lại vết thâm. Trong khi rubella ban mọc rải rác không theo quy luật và khi bệnh lui cũng không để lại các vết trên da.

5. Biến chứng của rubella

Với phụ nữ có thai

Trong giai đoạn Rubella thai kỳ, khả năng lây nhiễm cho thai nhi cao nhất trong 3 tháng đầu của thai kỳ: tháng đầu từ 81% đến 90%, tháng thứ hai từ 60% đến 70%, tháng thứ ba từ 35% đến 50%. Bệnh có thể gây nên các biến chứng nghiêm trọng như sảy thai, đẻ non, dị tật thai nhi, thai chết lưu.

Viêm não – màng não

Có thể xuất hiện trong thời kỳ toàn phát hoặc khi bệnh lui, ban đã bay, với các biểu hiện như : chậm chạp, vô cảm, ngủ gà hoặc kích thích, rung giật nhãn cầu, liệt thần kinh sọ, co giật, hôn mê, rối loạn tuần hoàn và hô hấp, có thể gây tử vong hay để lại các di chứng về tinh thần hay vận động.

Tiểu cầu giảm nặng và kéo dài

Thường hiếm gặp, tiểu cầu giảm làm ảnh hưởng tới khả năng đông máu, gây xuất huyết dưới da, niêm mạc hay nội tạng.

Một số biến chứng khác

Rubella có thể dẫn đến một số biến chứng khác như viêm phổi, viêm khớp, viêm tinh hoàn.

6. Cách phòng tránh

  • Vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sau khi tiếp xúc với bệnh nhân, người nhà, người chăm sóc, điều trị bệnh nhân, cần vệ sinh bằng các dung dịch sát khuẩn.
  • Cách ly, hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hay nghi mắc bệnh. Trường hợp có tiếp xúc với người bệnh, cần đeo khẩu trang và các thiết bị bảo hộ cần thiết, đặc biệt phụ nữ có thai không tiếp xúc với người mắc bệnh rubella, hạn chế tụ tập đông người, nhất là tại những nơi có ổ dịch.
  • Không dùng chung đồ dùng cá nhân như bàn chải đánh răng, khăn mặt, các dụng cụ khác có khả năng dính các dịch tiết mũi họng…
  • Tiêm vaccin phòng bệnh: có thể tiêm vaccin dạng đơn (chỉ rubella) hay dạng phối hợp (rubella – sởi hay rubella – sởi – quai bị), phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên tiêm phòng vaccin, tránh tiêm vaccin cho phụ nữ đang mang thai.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top