✴️ Sưng bìu, sưng tinh hoàn: tổng quan và điều trị

Nội dung

1. Những nguyên nhân dẫn đến sưng bìu tinh hoàn

Tình trạng sưng bìu tinh hoàn khá nhạy cảm, nguyên nhân có thể xác định được như:

1.1. Viêm mào tinh hoàn

Viêm mào tinh hoàn có thể xảy ra do nhiễm khuẩn từ bàng quang, niệu đạo hoặc lây truyền qua đường tình dục, gây viêm nhiễm ở ống cuộn tinh hoàn. Bệnh nhân viêm mào tinh hoàn có triệu chứng đau liên tục, đi kèm với triệu chứng: đỏ vùng da bìu, sờ thấy mào tinh hoàn sưng to, đi tiểu ra máu, sốt, đau khi xuất tinh hoặc quan hệ tình dục,…

Cần sớm điều trị viêm mào tinh hoàn, nếu không có thể gây nhiễm khuẩn nặng, tinh hoàn xơ cứng làm giảm khả năng sinh sản. Do nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn nên điều trị viêm mào tinh hoàn chủ yếu vẫn sử dụng kháng sinh, song dùng kháng sinh nào với liều lượng bao nhiêu cần có chỉ định của bác sĩ.

1.2. Xoắn tinh hoàn

Khi tinh hoàn tự xoay quanh trục khiến các tĩnh mạch thừng tinh tắc nghẽn đột ngột, máu sẽ khó khăn hoặc không thể lưu thông đến tinh hoàn. Biểu hiện bệnh là sưng to vùng bìu tinh hoàn, ngoài ra còn gây những cơn đau đột ngột và dữ dội, đau bụng, buồn nôn và nôn,… 

Xoắn tinh hoàn cần được xử lý cấp cứu sớm, nếu không các mô và tinh hoàn có thể bị hoại tử, ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của nam giới.

1.3. Giãn tĩnh mạch thừng tinh

Hiện tượng giãn tĩnh mạch thừng tinh bất thường có thể gây hình thành đám rối tĩnh mạch tinh. Người bệnh có thể sờ thấy các búi lùng nhùng như búi giun ở bìu, thường không đau nhiều, chủ yếu chỉ có cảm giác đau tức khi vận động. 

Bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh không thể điều trị bằng nội khoa, bệnh nhân cần phải mổ xử lý.

1.4. Thoát vị bẹn

Đây là bệnh lý xảy ra khi một bộ phận của bẹn bị lệch khỏi vị trí đúng, thường đẩy ra gây tức nặng vùng bẹn bìu. Ngoài ra, khối sà xuống bìu khiến một bên sưng to, kéo theo cảm giác đau tức khó chịu.

Bệnh nhân bị thoát vị bẹn cũng cần phải phẫu thuật để đóng lỗ thoát vị.

Một số nguyên nhân ít gặp khác gây sưng bìu tinh hoàn gồm: chấn thương, tổn thương dây thần kinh sinh dục, ung thư tinh hoàn, nang mào tinh hoàn, viêm tuyến tiền liệt,…

2. Triệu chứng nhận biết sưng bìu tinh hoàn

Bìu là lớp da bao bọc bảo vệ tinh hoàn - nơi sản xuất, lưu trữ, vận chuyển tinh trùng và các hormone sinh dục nam. Sưng bìu tinh hoàn có thể gây đau đớn hoặc không còn phụ thuộc vào nguyên nhân. Thông thường nếu nguyên nhân gây sưng bìu là hiện tượng tích tụ dịch lỏng, viêm do nhiễm trùng thì cơn đau khá nghiêm trọng.

Ngoài triệu chứng đau, bệnh nhân có thể gặp những triệu chứng khác tùy theo nguyên nhân gây bệnh như: cảm giác căng tức, hiếm muộn, giãn tĩnh mạch thừng tinh, suy giảm sinh lý,…

Cần phân biệt sưng bìu tinh hoàn thông thường với tình trạng sưng do dấu hiệu của bệnh lý khác như:

  • Tràn dịch tinh hoàn

Đây là hiện tượng xuất hiện chất thanh dịch giữa hai lá của màng tinh hoàn, làm tăng kích thước chung cho bìu. Bệnh nhân sẽ thấy bìu tinh hoàn sẽ dần sưng lên nhưng không gây đau đớn, đặc biệt lớp da bìu không đổi màu, vẫn có độ đàn hồi bình thường, không viêm nhiễm,…

Tùy theo lượng dịch tinh hoàn tích tụ nhiều hay ít mà bìu có thể sưng to hoặc nhỏ. Ngoài ra bệnh nhân thường không có triệu chứng khác.

  • Phù tinh hoàn

Đây là hiện tượng liên quan đến sự tích nước bất thường trong toàn bộ mô của bìu. Nguyên nhân có thể do rối loạn tích trữ muối và nước trong bệnh lý tim thận, gan mạn tính hoặc tắc nghẽn dòng chảy của dòng bạch huyết. 

Phù tinh hoàn thường không gây đau, do tích tụ nước nên có thể phân biệt khá rõ khi thử độ đàn hồi của da bìu.

Phù tinh hoàn thường là biến chứng của bệnh lý mạn tính

  • Viêm tinh hoàn

Viêm tinh hoàn phổ biến nhất là do virus gây bệnh quai bị, thường gặp ở trẻ nhỏ. Viêm tinh hoàn là bệnh lý nguy hiểm, không chỉ gây sưng đau tinh hoàn mà có thể dẫn đến hoại tử nếu không điều trị sớm.

  • Ung thư tinh hoàn

Sự xuất hiện bất thường của khối u ung thư sẽ khiến bìu to ra ở một bên, gây cảm giác nặng và vướng. Cần cảnh giác với ung thư tinh hoàn do bệnh lý này tiến triển âm thầm, khi gây sưng bìu tinh hoàn thì khối u đã khá lớn có thể di căn đến nhiều cơ quan. Ung thư di căn rất khó điều trị và kiểm soát, tỷ lệ sống sót còn phụ thuộc vào giai đoạn bệnh và đáp ứng điều trị.

Khi kích thước bìu tinh hoàn to bất thường, bạn nên sớm đến cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám. Khi xác định được nguyên nhân, việc điều trị sẽ hiệu quả hơn.

3. Điều trị giảm sưng bìu tinh hoàn như thế nào?

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây sưng bìu tinh hoàn mà phương pháp điều trị sẽ khác nhau. Nếu do nhiễm trùng gây sưng viêm, sử dụng thuốc kháng sinh là cần thiết. NẾu tình trạng sưng viêm nghiêm trọng, cần kết hợp kháng sinh với một số thuốc chống viêm.

Nếu nguyên nhân gây sưng bìu tinh hoàn là do tràn dịch màng tinh hoàn, thoát vị hoặc giãn tĩnh mạch thừng tinh thì phương pháp phẫu thuật sẽ là cần thiết. Nguy hiểm nhất là do ung thư tinh hoàn, cần chẩn đoán kích thước khối u và mức độ di căn để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp như: phẫu thuật cắt bỏ khối u, xạ trị, hóa trị,…

Ngoài điều trị y tế, một số phương pháp sau có thể giúp bạn giảm sưng bìu tinh hoàn như: chườm đá lạnh, dùng thuốc giảm đau, hạn chế hoạt động gắng sức, sử dụng bồn tắm ngồi,…

Nếu các biện pháp trên không giúp cải thiện sưng bìu tinh hoàn mà dấu hiệu bệnh còn nặng hơn, hãy sớm tới cơ sở y tế để thăm khám. Một số bệnh nếu điều trị chậm trễ có thể gây hoại tử tinh hoàn, vô sinh,…

Có thể bạn quan tâm: Những điều cần biết về ung thư tinh hoàn

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top