✴️ Trám răng

Trám răng là thủ thuật được dùng để chữa trị sâu răng, ngăn ngừa răng bị sâu thêm hoặc mất răng, cũng như ngăn ngừa các vấn đề như đau và nhiễm trùng. Trám răng lấp kín lại lỗ sâu răng.

Thủ thuật trám răng có thể gây khó chịu một chút nhưng hầu như không gây đau. Nếu như có cảm giác đau trong hoặc sau khi thực hiện thủ thuật thì nên thông báo cho nha sĩ ngay.

Bài viết này sẽ cung cấp các thông tin về vật liệu trám răng cũng như các thông tin về thủ thuật này, bao gồm chi phí và các trường hợp cần liên hệ lại với nha sĩ sau khi đã thực hiện thủ thuật.

CÁC DẠNG TRÁM RĂNG

Hiện nay có một vài dạng trám răng được dùng, bao gồm:

  • Trám amalgam: amalgam là một hỗn hợp màu bạc được trộn từ nhiều hợp kim khác nhau, ví dụ như đồng, thiếc, và thủy ngân. Vật liệu này thường phù hợp để trám răng cối sau. Vật liệu này rất bền và có thể tồn tại một thời gian dài. Khuynh hướng hiện nay ít dùng.

  • Trám composite: Vật liệu này có màu giống răng và được hình thành từ nhựa và thủy tinh.

  • Trám kính ionomer: Vật liệu này cũng có màu giống răng và được tạo thành từ bột thủy tinh có tính chất kết dính với răng. Các vật liệu dạng này còn có khả năng tiết ra chất flouride để ngăn ngừa răng bị sâu thêm.

  • Trám vàng: Vật liệu này là hỗn hợp kim loại bao gồm đồng, vàng, và một số chất khác. Vật liệu dạng này là dạng bền nhất và có thể tồn tại trên 20 năm.

Hiệp hội quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) ghi nhận rằng các vật liệu có chứa nhựa thường đắt hơn và có xu hướng co dần theo thời gian, dẫn đến sự hình thành các khoảng hở giữa răng và vật liệu trám.

Vật liệu trám amalgam có ăn toàn không?

Amalgam có thể tiết ra một nồng độ thấp của hơi thủy ngân, đặc biệt là trong lúc thực thiện lắp và tháo miếng trám. Tuy nhiên, theo FDA thì nồng độ này rất thấp so với ngưỡng gây ngộ độc.

FDA cũng kết luận rằng việc tiếp xúc với thủy ngân từ miếng trám không gây ảnh hưởng đến sức khỏe ở hầu hết tất cả mọi người, kể cả những người có bệnh Đa xơ cứng, Parkinson, hay Alzheimer.

Tuy nhiên vẫn có một vài người có thể gặp phải những ảnh hưởng không tốt từ hơi thủy ngân của miếng trám, bao gồm những người có:

  • Mang thai, hoặc dự tính có thai

  • Đang cho con bú

  • Nhỏ hơn 6 tuổi

  • Suy thận

  • Dị ứng đã biết trước với amalgam

  • Có bệnh lý về thần kinh đã biết trước

Nếu như có thắc mắc về sự ảnh hưởng của vật liệu amalgam thì nên thảo luận trước với nha sĩ.

FDA cũng khuyến cáo rằng không nên thay thế hay tháo bỏ miếng trám amalgam nếu như miếng trám còn tốt và không có dấu hiệu của sâu răng bên dưới miếng trám. Vì tháo bỏ miếng trám có thể gây hủy hoại thêm mô răng lành và tạo nên sự tiếp xúc không cần thiết với hơi thủy ngân.

QUÁ TRÌNH TRÁM RĂNG

Quá trình thực hiện thủ thuật thường sẽ diễn ra bên trong một phòng nha. Trẻ em và những người sợ thủ thuật nha khoa có thể cần được gây mê nhẹ hoặc thậm chí là gây mê tổng quát. Nếu như bệnh nhân cần được chuẩn bị trước khi thực hiện thủ thuật thì nha sĩ sẽ thông báo trước.

Quá trình thực hiện

Các bước thực hiện thường khác nhau, phụ thuộc vào vị trí và vật liệu được sử dụng. Nhưng thông thường thì sẽ thực hiện những bước sau:

  1. Gel gây tê sẽ được thoa vào nướu. Sau khi gel phát huy tác dụng thì thuốc tê dạng tiêm sẽ được tiêm thẳng vào dưới nướu.

  2. Khoan chuyên dụng hoặc một dụng cụ chuyên dụng khác sẽ được nha sĩ dùng để loại bỏ phần răng bị sâu.

  3. Sau đó phần lỗ trên răng sẽ được trám.

  4. Cuối cùng thì miếng trám sẽ được làm bóng và điều chỉnh để bệnh nhân có thể cắn bình thường.

Nếu như vật liệu composite được sử dụng thì nha sĩ sẽ làm cứng chúng bằng ánh sáng chuyên dụng.

QUÁ TRÌNH TRÁM RĂNG

HỒI PHỤC VÀ CHĂM SÓC SAU TRÁM RĂNG

Bệnh nhân không nên ăn hoặc uống cho đến khi thuốc tê hết tác dụng nhằm ngăn chặn việc cắn trúng lưỡi hay má trong.

Đau răng sau trám

Vẫn có thể đau hay khó chịu nhẹ sau trám, có thể sử dụng thuốc không kê đơn như ibuprofen (Advil, Motrin) hay acetaminophen (Tylenol) để giảm đau.

Trong một số trường hợp khác thì đau có thể xảy ra do hàm không khớp với nhau do miếng trám. Đây được gọi là lệch khớp cắn, và nha sĩ sẽ điều chỉnh lại để làm giảm cũng như ngăn sự khó chịu trở nên tệ hơn.

Răng nhạy cảm sau trám

Bệnh nhân có thể gặp phải sự tăng nhạy cảm với các vật nóng hay lạnh sau khi trám. Vấn đề này có thể xảy ra vì sự kích hoạt thần kinh, nướu hoặc viêm do khoan vào răng.

Các cảm giác thường sẽ mất đi theo thời gian. Nếu như chúng trở nên tệ hơn thì nên đi khám nha sĩ ngay. Trong một số trường hợp, sự nhạy cảm này có thể là do miếng trám bị co rút lại.

KHI NÀO NÊN ĐI KHÁM SAU KHI TRÁM RĂNG

Nếu gặp bất kỳ các vấn đề nào sau đây thì nên đi khám ngay:

  • Cơn đau nặng và càng lúc càng trở nên tệ hơn

  • Sốt

  • Nướu đỏ và ấm

  • Răng quá nhạy cảm

  • Sưng

CHI PHÍ TRÁM RĂNG

Chi phí phụ thuộc vào vị trí trám, vật liệu sử dụng, và kích thước của chỗ sâu.

MIẾNG TRÁM CÓ CẦN ĐƯỢC THAY THẾ KHÔNG?

Tất cả các miếng trám cuối cùng cũng sẽ cần được thay thế. Lý do là vì các miếng trám sẽ mòn dần do ăn, uống, nhai và nghiến răng.

Các miếng trám bị mòn và hư hỏng có thể trở thành lối vào của vi trùng, tạo thành chỗ sâu răng mới, do đó cần đi khám nha khoa thường xuyên.

MANG THAI THÌ CÓ TRÁM RĂNG ĐƯỢC KHÔNG?

Việc trám răng lúc mang thai là an toàn, những người mang thai thường có nguy cơ viêm nước và sâu răng cao hơn bình thường.

Nhìn chung, việc đi khám nha khoa thường xuyên trong lúc mang thai rất quan trọng.

TÓM TẮT

Trám răng được thực hiện để điều trị sâu răng. Miếng trám có thể ngăn ngừa tổn thương diễn ra thêm, làm giảm nguy cơ gây đau và nhiễm trùng, và giúp duy trì tổng trạng sức khỏe răng miệng.

Có nhiều dạng trám răng, bao gồm amalgam (hiện nay ít dùng), vàng, composite và thủy tinh ionomer. Bệnh nhân nên thảo luận các lựa chọn với nha sĩ trước khi thực hiện.

Sau khi trám răng, bệnh nhân có thể gặp chút nhạy cảm hay khó chịu. Nếu như gặp phải các triệu chứng như đau nhiều, tăng nhạy cảm quá mức hay các dấu hiệu của nhiễm trùng như sốt hay sưng thì nên đi khám nha sĩ ngay.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top