✴️ Viêm tuyến mồ hôi mủ (P1)

Viêm tuyến mồ hôi mủ là một bệnh da tái phát mãn tính gây ra tụ áp-xe và sẹo, thường do cọ xát hoặc ngứa. Tình trạng này gây ảnh hưởng đến khoảng 1-4 % dân số thế giới và thường gặp ở nữ giới nhiều hơn nam giới.

Bài viết này sẽ cung cấp các thông tin về viêm tuyến mồ hôi mủ, bao gồm các giai đoạn, nguyên nhân, triệu chứng và các biện pháp điều trị.

Viêm tuyến mồ hôi mủ là gì?

Viêm tuyến mồ hôi mủ là một bệnh da mãn tính, còn được gọi là mụn mọc ngược.

Tình trạng này gây ra những nốt viêm nhỏ có khả năng diễn tiến thành sưng to và lớn hơn. Các mụn này có thể bị rách và chảy mủ. Viêm tuyến mồ hôi mủ có thể có hình dạng giống như một số bệnh ngoài da khác, ví dụ như:

  • Các nang nhỏ do các nguyên nhân khác như u nang bã nhờn;
  • Mụn trứng cá;
  • Viêm nang lông;
  • Mụn nhọt.

Tuy nhiên, không giống như các bệnh da khác, viêm tuyến mồ hôi mủ có xu hướng ảnh hưởng đến các vùng cơ thể khác nhau và tạo ra sẹo lớn. Các sẹo này có thể sẽ gây ảnh hưởng đến cử động của người bệnh và làm giảm chất lượng cuộc sống.

Triệu chứng

Bệnh có thể bắt đầu với các nốt mụn nhỏ, sần, hay bóng nước ở trên da. Không giống như mụn thường, các nốt này thường hay nổi đi nổi lại, và có thể xuất hiện ở cả 2 bên cơ thể, và có xu hướng xuất hiện ở những vùng nếp gấp da hoặc cọ xát nhiều như:

  • Bẹn
  • Dưới cánh tay
  • Đùi trên
  • Ngực
  • Mông
  • Các nếp gấp da dưới bụng.

Mụn ở các vùng khác cũng có thể xuất hiện nhưng ít gặp hơn. Bệnh thường tự biến mất sau vài ngày, tuần hoặc tháng nhưng sau đó lại tái diễn.

Đối với một số bệnh nhân thì các tổn thương này sẽ xuất hiện lại ở vị trí cũ nhưng cũng có thể xuất hiện ở vị trí khác. Viêm tuyến mồ hôi mủ là một bệnh mãn tính tồn tại suốt đời.

Nguyên nhân

Các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết chính xác tại sao viêm tuyến mồ hôi mủ xuất hiện, nhưng các nốt thường là do các lỗ chân lông bị tắc nghẽn gây ra.

Các hormone sinh dục cũng đóng vai trò trong sự phát triển của viêm tuyến mồ hôi mủ. Hầu hết các bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sau tuổi dậy thì.

Hệ miễn dịch cũng có thể là một nhân tố trong sự phát triển của bệnh. Có giả thuyết cho rằng hệ miễn dịch phản ứng thái quá đối với các nhiễm trùng nhỏ ở các lỗ chân lông bị tắc nghẽn.

Nhiều bệnh nhân cũng có người thân mắc cùng bệnh, do đó có thể di truyền cũng có vai trò trong bệnh. Các nghiên cứu đã xác nhận có mối liên hệ giữa bệnh với sự thay đổi ở các gen như: NCSTN, PSEN1 và PSENEN.

Một số các yếu tố và thuốc khác cũng có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh viêm tuyến mồ hôi mủ, bao gồm:

  • Nữ giới
  • Thừa cân hoặc béo phì
  • Hút thuốc lá
  • Dùng thuốc chứa lithium

Các bệnh nhân viêm tuyến mồ hôi mủ có xu hướng mắc thêm một số bệnh khác như:

  • Mụn trứng cá
  • Chứng rậm lông
  • Hội chứng chuyển hóa
  • Đái tháo đường
  • Buồng trứng đa nang
  • Bệnh viêm ruột
  • Bệnh tim
  • Trầm cảm

Bệnh viêm tuyến mồ hồ mủ không liên quan đến việc vệ sinh cá nhân kém và đây là bệnh không lây nhiễm.

Các giai đoạn của bệnh

Ở trong các giai đoạn sớm của bệnh, các triệu chứng thường rất mơ hồ và bệnh nhân thường có thể nhầm lẫn chúng với triệu chứng của bệnh da khác.

Các dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh bao gồm:

  • Một hay nhiều đợt nổi các mụn có kích thước cỡ hạt đậu hoặc các bóng nước mà sau đó có thể biến mất hoặc to ra hay rách và chảy mủ sau một vài giờ hoặc ngày.
  • Các đợt bùng phát kéo dài.
  • Các đợt bùng phát sau đó biến mất nhưng lại quay trở lại.

Đối với một số bệnh nhân thì các tổn thương có thể rất nặng. Các triệu chứng của viêm tuyến mồ hôi mủ nặng bao gồm:

  • Các tổn thương mạn tính đau và sâu và có thể bị rách gây chảy các dịch như máu hoặc mủ.
  • Các sẹo dạng dây thừng sau khi các tổn thương đã lành
  • Các sẹo dầy lên theo thời gian
  • Các rãnh trống nằm sâu trong da (đường xoang) làm da trong giống như một bông rửa chén.

Tất cả các tổn thương của viêm tuyến mồ hôi mủ đều gây đau và tạo sẹo. Trong các trường hợp nặng, các sẹo dài và rộng hoặc có chảy mủ nhiễm trùng có thể làm cho bệnh nhân cảm thấy xấu hổ và làm giảm sự tự tin cũng như chất lượng cuộc sống.

Các bác sĩ sẽ dựa theo phân độ Hurley để xác định độ nặng:

  • Độ Hurley I: Một hoặc nhiều sang thương không có đường hầm/đường xoang
  • Độ Hurley II: Nhiều hơn 1 sang thương hoặc vùng tổn thương nhưng có triệu chứng đường hầm giới hạn
  • Độ Hurley III:  Nhiều sang thương với sẹo lớn và đường hầm có liên quan đến một vùng lớn trên cơ thể.

Yếu tố nguy cơ

Có nhiều yếu tố nguy cơ dễ gây nên viêm tuyến mồ hôi mủ. Một trong số đó bao gồm:

  • Hút thuốc lá
  • Béo phì
  • Tiền căn gia đình
  • Giới tính

Viêm tuyến mồ hôi mủ thường đi kèm với các tình trạng khác như:

  • Bệnh viêm ruột
  • Hội chứng chuyển hóa
  • Bệnh Crohn
  • Bệnh thoái hóa đốt sống
  • Các khối u biểu mô

Biến chứng

Viêm tuyến mồ hôi mủ có thể gây ra các biến chứng về thể chất và tinh thần, bao gồm:

  • Đau
  • Tiết dịch
  • Giới hạn vận động
  • Trầm cảm
  • Giảm chất lượng cuộc sống
  • Các đường xoang
  • Lỗ dò
  • Ung biểu mô thư tế bào vảy
  • Phù hạch bạch huyết
  • Bệnh amyloidosis
  • Thiếu máu

Sẹo

Các bệnh nhân viêm tuyến mồ hôi mủ thường sẽ có sẹo và thay đổi màu da. Các sẹo rõ có thể sẽ gây ảnh hưởng tâm lý cho bệnh nhân. Vết sẹo có thể gây ra đau và làm giới hạn vận động.

Xem tiếp: Viêm tuyến mồ hôi mủ (P2)

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top