✴️ Đau hốc mắt là do bệnh gì?

Nội dung

Đau hốc mắt có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh về mắt nguy hiểm, ảnh hưởng đáng kể đến thị lực của người bị bệnh. Bên cạnh đó, còn nhiều nguyên nhân đau nhức hốc mắt xuất phát từ các bộ phận khác.

Viêm mô tế bào hốc mắt

Đầu tiên, đau hốc mắt có thể là dấu hiệu của bệnh viêm mô tế bào hốc mắt. Đây là tình trạng nhiễm trùng các mô mềm trong hốc mắt và cơ xung quanh mắt do vi khuẩn, virus hoặc nấm; ảnh hưởng đến lông mày, mí mắt và má.

Viêm hốc mắt là một bệnh nghiêm trọng, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn, thậm chí là nhiễm trùng huyết gây nguy hiểm đến tính mạng.

Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến hơn ở trẻ nhỏ dưới 7 tuổi. Đặc biệt, nhiễm trùng viêm mô tế bào hốc mắt ở trẻ em có thể trở nặng rất nhanh, tăng nguy cơ dẫn đến mù lòa. Do đó, hãy đưa trẻ đi khám nếu phát hiện các triệu chứng sau đây:

  • Thị lực giảm sút
  • Sưng, đau mí mắt trên và dưới, có thể kèm cả lông mày và má
  • Sốt cao từ 38,8 độ trở lên
  • Chuyển động mắt khó khăn
  • Đau khi di chuyển mắt
  • Mắt lồi
  • Mí mắt đỏ hoặc tím
  • Có cảm giác mệt mỏi như bị ốm

 

Triệu chứng của khối u hốc mắt

Khối u chèn ép dây thần kinh tại hốc mắt cũng là nguyên nhân gây đau nhức hốc mắt. Đây là tình trạng thường gặp ở cả trẻ em lẫn người lớn. Khối u có thể là:

  • U lành tính: u máu thể hang, u nang dạng bì, loạn sản xơ ở trẻ em và u màng não, u dây thần kinh thị giác ở người lớn
  • U ác tính: sarcoma cơ vân, u xương ác tính ở trẻ em và ung thư di căn, u bạch huyết ở người lớn

Trong các khối u kể trên thì u nang bì thường không gây đau nên ít cần phải cắt bỏ, trừ khi nó ảnh hưởng thị lực hoặc gây lóa mắt.

 

Chấn thương mắt

Một số tình trạng như xuất huyết nhãn cầu, rách hay bầm dập tổ chức trong mắt, có dị vật trong hốc mắt xảy ra lúc bị chấn thương, tổn thương xương hốc mắt… cũng là tác nhân trực tiếp gây nên các cơn đau nhức hốc mắt.

Hầu hết triệu chứng chấn thương mắt xảy ra đột ngột và liên tục. Sau khi mắt bị va đập mạnh hoặc tổn thương gây ra đau vùng hốc mắt, người bệnh cần thăm khám ngay.

 

Tăng nhãn áp

Tăng nhãn áp là một bệnh về mắt phổ biến, có nhiều tên gọi khác như như cườm nước, thiên đầu thống, glocom. Bệnh xảy ra khi áp suất trong mắt tăng cao bất thường, gây tổn thương thần kinh thị giác, dẫn đến việc suy giảm thị lực, thậm chí là mù loà nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm.

Bệnh tăng nhãn áp có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến hơn ở người cao tuổi, chủ yếu chia thành 2 trường hợp gồm:

Tăng nhãn áp góc mở

Tăng nhãn áp góc mở thường tiến triển từ từ, ban đầu chưa gây ra triệu chứng mà phải tới giai đoạn cuối mới biểu hiện rõ. Dấu hiệu bệnh xuất hiện lần lượt từng mắt một, sau đó sẽ ảnh hưởng tới cả hai mắt.

  • Nhìn mờ
  • Tầm nhìn đường hầm, tức mọi tầm nhìn xung quanh bị mất và người bệnh chỉ nhìn được phía trước
  • Đỏ mắt, khó chịu ở mắt
  • Có thể nhức đầu.

Tăng nhãn áp góc đóng

Tăng nhãn áp góc đóng mãn tính thường xảy ra từ từ, triệu chứng tương tự như tăng nhãn áp góc mở. Còn trường hợp cấp tính sẽ khởi phát đột ngột với các dấu hiệu như sau:

  • Thị lực giảm rõ, nhìn thấy quầng màu như khi nhìn vào bóng đèn
  • Nhức đầu dữ dội
  • Đau mắt, đỏ mắt
  • Đau hốc mắt
  • Buồn nôn, ói mửa

Tình trạng mất thị lực do tăng nhãn áp là không thể hồi phục. Do đo, bạn nên kiểm tra mắt thường xuyên để tầm soát bệnh. Nếu tăng nhãn áp được phát hiện sớm thì có thể ngăn chặn hoặc làm chậm việc mất thị lực.

Ngoài ra, người bị tăng nhãn áp cần phải điều trị suốt đời.

Đau hốc mắt là biến chứng của viêm xoang trán

Nguyên nhân gây đau nhức hốc mắt cũng có thể là do các vị trí viêm xoang gần mắt như vùng xoang trán. Cơn đau thường tăng khi hít hoặc khịt mũi, chảy dịch mũi họng và sốt. Người bị viêm xoang sẽ cảm thấy đau hai bên hốc mắt mỗi khi cúi người xuống.

Viêm mạch máu

Viêm mạch máu hốc mắt gây đau hốc mắt. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn xuất hiện triệu chứng toàn thân, rõ ràng nhất là ở trên các xoang, ngoài da… kèm theo sốt.

Giãn tĩnh mạch

Tĩnh mạch trong hốc mắt bị giãn, ứ đọng máu sẽ làm mắt lồi ra, đau đớn. Người bệnh cần nghỉ ngơi, tránh để mắt làm việc nhiều.

Bệnh basedow (Bệnh tuyến giáp gây lồi mắt)

Đây là một bệnh ở tuyến giáp, gây lồi mắt, đau hai bên hốc mắt (đặc biệt khi nhìn lên, xuống hoặc sang hai bên), khó di chuyển mắt. Một số triệu chứng khác có thể kể đến như: chói mắt, cộm mắt, chảy nước mắt hoặc khô mắt, bọng mắt, đỏ mí mắt và mắt, nhìn mờ hoặc nhìn đôi.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top