Tắc đường lệ có thể gặp ở mọi lứa tuổi, trẻ đang bú (nhũ nhi) và người cao tuổi là đối tượng dễ mắc nhất. Các cháu có những bất lợi về giải phẫu khiến bệnh dễ phát triển. Đó là tình trạng còn màng ở điểm lệ, ống dẫn lệ không được rỗng hoá sau khi trẻ ra đời, đường lệ và các van trên đường lệ bị dị tật, mũi bị viêm hay có dị tật.
Bệnh cũng gặp ở người cao tuổi, nhưng với đối tượng này, nguyên nhân phần lớn là do teo niêm mạc ống dẫn lệ, gây xơ hoá và chít hẹp đường lệ dần dần. Ngoài ra, bệnh mắt hột và sỏi đường lệ cũng là nguyên nhân gây tắc đường lệ. Bệnh lý toàn thân như: sarcoidose, lupus… cũng gây ra tắc lệ đạo tuy hiếm gặp. Chấn thương, biến chứng của xạ trị hay một số phẫu thuật hàm mặt cũng đóng góp vào nguyên nhân tắc đường lệ.
Biểu hiện tắc đường lệ trên lứa tuổi nhũ nhi và người lớn có khác nhau. Nguyên nhân gây ra tắc đường lệ: viêm nhiễm, khối u, sỏi đường lệ, bệnh toàn thân… cũng gây ra những khác biệt đáng kể về mặt triệu chứng học. Tuy nhiên, tắc lệ đạo có những biểu hiện chung sau đây:
Chảy nước mắt, nước mắt chảy nhiều, thường xuyên, liên tục, không tương xứng với kích thích. Bệnh nhân có tuổi thường phải lau chùi thường xuyên dễ gây ra viêm bờ mi và tình trạng lật mi.
Xuất tiết: nước mắt không trong trẻo như bình thường mà thường đục bẩn, có khi có xuất tiết mủ.
Viêm kết mạc: viêm lệ quản, viêm điểm lệ: là những biểu hiện hay gặp do tình trạng ứ trệ của đường dẫn lệ hay kèm theo nhiễm khuẩn, đôi khi là nhiễm nấm tại hệ thống dẫn lệ, sau đó sẽ lan sang các tổ chức kế cận như kết mạc, điểm lệ, cục lệ…
Đối với tắc lệ đạo bẩm sinh ở trẻ nhỏ (dưới 6 tháng tuổi), biện pháp điều trị đơn giản nhất là day, nắn vùng góc trong mắt, nơi có túi lệ, kết hợp với dùng kháng sinh nhỏ mắt.
Đối với bệnh tắc lệ đạo ở các đối tượng khác và do các nguyên nhân khác, điều trị nội khoa thường không đem lại thành công. Đa số các trường hợp phải can thiệp ngoại khoa. Đơn giản nhất là thông lệ đạo bằng que thông với gây tê hoặc gây mê. Phức tạp hơn là phẫu thuật mở thông túi lệ mũi với tỷ lệ thành công>80 %.
Gần đây nhất có phương pháp phẫu thuật mở thông túi lệ mũi có đặt ống silicone. Phẫu thuật cho tỷ lệ thành công >90%, tiến hành trong môi trường nhãn khoa hoặc kết hợp với phẫu thuật nội soi mũi. Ống silicone sẽ được rút ra qua đường mũi sau 2-4 tháng.
Với phương pháp phẫu thuật, bệnh nhân thường được yêu cầu nằm viện khoảng 3 ngày và phải tái khám sau 7 ngày. Nếu có đặt ống silicone, bệnh nhân sẽ được hẹn rút ống sau 2 đến 4 tháng. Chi phí phẫu thuật khoảng 3 triệu đồng cho một mắt.
– Đối với trẻ nhỏ, khi phát hiện trẻ bị chảy nước mắt, cần đưa đi khám ngay tại các cơ sở chuyên khoa mắt để xác định chính xác nguyên nhân chảy nước mắt, loại trừ các bệnh nguy hiểm khác ở mắt như glôcôm bẩm sinh, viêm trong mắt.
– Đối với người lớn, khi thấm chùi nước mắt, cần dùng khăn sạch để tránh các biến chứng như viêm bờ mi hoặc tình trạng lật mi.
Tốt nhất là đi khám sớm tại các cơ sở chuyên khoa mắt khi thấy có các biểu hiện chảy nước mắt liên tục và thường xuyên để tránh các biến chứng như viêm túi lệ, viêm kết mạc mãn tính… Nếu gặp phải những kích thích nhỏ như ánh sáng, gió, bụi…nước mắt cũng chảy giàn giụa, đó có thể là biểu hiện của tắc lệ đạo.
– Đối với bệnh tắc lệ đạo, can thiệp ngoại khoa có gây biến chứng gì không?
Biến chứng của phẫu thuật ngoài những biến chứng chung do gây mê thường là: chảy máu vết mổ hay chảy máu xuống mũi, tụt hay mất ống silicone. Thất bại của phẫu thuật tuy chỉ vài phần trăm nhưng vẫn là chuyện có thể gặp. Trong trường hợp phẫu thuật thất bại, nước mắt vẫn chảy và khi chỉ có cách cuối cùng là đặt một ống cứng xuyên suốt từ hố lệ xuống mũi (ống John).
Tắc lệ đạo nếu không có biến chứng không đi kèm toàn thân thì không có ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ. Biến chứng của bệnh nếu có cũng không gây giảm thị lực hay mù loà hay ảnh hưởng đến sinh mệnh. Có chăng là cha mẹ trẻ sẽ lo lắng.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh