✴️ Phẫu thuật tháo máu - mủ hốc mắt

Nội dung

ĐẠI CƯƠNG

Phẫu thuật tháo máu, mủ hốc mắt nhằm loại bỏ máu mủ ra khỏi hốc mắt đặc biệt trong những trường hợp khối máu mủ này ở vị trí trong chóp cơ, chèn ép hệ mạch và thị thần kinh gây giảm thị lực, liệt đồng tử, tăng nhãn áp…

 

CHỈ ĐỊNH

Khối máu mủ có biểu hiện chèn ép thị thần kinh, hệ mạch trung tâm võng mạc, chèn ép nhãn cầu, gây tăng nhãn áp.

 

CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Tình trạng toàn thân người bệnh quá nặng: hôn mê, rối loạn đông máu...

 

CHUẨN BỊ

Người thực hiện

Bác sĩ chuyên khoa Mắt.

Người bệnh

Người bệnh được giải thích trước phẫu thuật.

Phương tiện

Bộ phẫu thuật: hốc mắt.

Ống thông dẫn lưu: dây truyền, lame cao su.

Hồ sơ bệnh án

Theo quy định của Bộ Y tế.

 

CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

Kiểm tra hồ sơ

Kiểm tra người bệnh

Thực hiện kỹ thuật

Vô cảm

Gây mê hoặc gây tê phối hợp với tiền mê, tốt nhất là gây mê.

Kỹ thuật thực hiện

Các đường tiếp cận hốc mắt đều có thể áp dụng tùy theo vị trí của khối máu dịch, ưu tiên chọn vùng thấp nhất và tránh tổn thương cho các cấu trúc giải phẫu.

Khối máu, mủ trước vách hốc mắt.

Chích rạch phần thấp, phá rộng các thành của khối máu, mủ, rửa bằng huyết thanh mặn đẳng trương, đặt lame dẫn lưu, khâu cố định lame.

Khối máu mủ sau vách hốc mắt (septum).

Dùng các đường tiếp cận hốc mắt thông thường, đi trực tiếp vào khối máu mủ (đã xác định trên phim CT hoặc MRI), rò đường bằng kẹp phẫu tích đầu tù, nếu vào được khối máu mủ sẽ thấy máu đen hoặc mủ chảy ra, tách rộng kẹp phẫu tích để phá thành khối máu tụ hoặc khối áp xe, rửa bằng huyết thanh mặn đẳng trương, đặt dẫn lưu, khâu chân ống dẫn lưu.

Khối máu tụ đỉnh hốc mắt, trong chóp cơ.

Cắt góc mắt phía ngoài và một phần dây chằng mi ngoài nhằm giảm áp lực cho nhãn cầu, mở kết mạc góc ngoài với hy vọng máu mủ thoát chảy tự nhiên.

 

ĐIỀU TRỊ VÀ THEO DÕI SAU PHẪU THUẬT

Theo dõi toàn thân: sốt, cảm giác đau nhức.

Theo dõi các triệu chứng cơ năng: thị lực, nhãn áp.

Theo dõi lượng máu, mủ thoát qua dẫn lưu. Rút dẫn lưu sau 3-5 ngày

Theo dõi máu, mủ tái phát hoặc tạo lỗ rò: bằng siêu âm, chụp phim kết hợp với lâm sàng, đặc biệt là với khối máu mủ dưới màng xương.

Dùng kháng sinh theo kháng sinh đồ, chống viêm và giảm phù, hạ nhãn áp nếu cần.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top