✴️ Xét nghiệm tế bào học

ĐẠI CƯƠNG

Kỹ thuật tế bào học là một phương pháp lấy dịch u, hạch, dịch tế bào, dịch các màng để chẩn đoán tế bào học.

 

CHỈ ĐỊNH

Theo chỉ định của Bác sĩ lâm sàng

Sờ thấy u trên lâm sàng 

Các tổn thương như dịch tiết của màng phổi, màng bụng, màng tim, nước tiểu, dịch não tu  đều có thể chỉ định ly tâm lấy cặn để chẩn đoán tế bào.

Các tổn thương ở sâu như khối bất thường trong ổ bụng, u gan, u tụy, hạch to, u trung thất, u phổi…đều có thể chọc hút tế bào dưới hướng dẫn của siêu âm hay CT.

Cụ thể trước một tổn thương u hay hạch… sờ thấy hoặc không sờ thấy, các chỉ định có thể:

Phân biệt một quá trình nhiễm trùng hay tổn thương u

Phân biệt một tổn thương (hoặc u) lành tính hay ác tính

Điều trị các bệnh u nang: như u nang tuyến vú, u nang tuyến giáp, u nang khe mang….

Xác định các tổn thương không điển hình cần thiết làm sinh thiết mở.

Xác định có di căn hađiều dưỡngi phát không.

Xác định những tổn thương u không sờ thấy trên lâm sàng.

Xác định sự có mặt của tế bào ung thư trong những trường hợp u quá lớn, cần phải điều trị hóa chất tiền phẫu.

Để nhuộm các nghiên cứu đặc biệt như làm cell block cho nhuộm hoá mô miễn dịch  tế bào ER, PR….

Để lấy được mẫu mô cho các nghiên cứu đặc biệt như nhuộm hóa mô miễn dịch, tìm Gen trong ung thư….

 

CHỐNG CHỈ ĐỊNH 

Chống chỉ định coi như không có nhưng cũng cần nhớ rằng không nên chọc hút tế bào ở những người bệnh có thể trạng chảy máu trầm trọng đã có chống chỉ định ngoại khoa hoặc không nên tiến hành trên những cơ sở mà trình độ chuyên môn còn kém hoặc không được đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật này. Một vài trường hợp rất hiếm như thoát vị bẹn cũng không nên chọc hút. Những trường hợp này có thể chẩn đoán khá chắc chắn bằng lâm sàng và các xét nghiệm khác…

 

CÁC HÌNH THỨC LẤY MẪU

Chọc hút kim nhỏ

Chọc hút kim nhỏ dưới hướng dẫn của siêu âm hoặc CT

Lấy tế bào bong bằng cách dùng que quệt.

Áp lam lấy tế bào

Ly tâm dịch lấy cặn làm tế bào

Lấy tế bào qua màng lọc.

Đúc cặn dịch tế bào trong khối nến

 

CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

Chọc hút kim nhỏ

Người thực hiện: Bác sĩ Giải phẫu bệnh, kỹ thuật viên;

Phương tiện: Kim nhỏ kích cỡ 21-23, bơm tiêm 10ml hay 20 ml, tay cầm bơm tiêm và các dụng cụ khác (bông, gạc , cồn, băng dính…)

Nguyên tắc: 

Lấy đủ theo 3 hướng để đảm bảo lấy đúng và lấy đủ mẫu bệnh phẩm

Kim không được rút ra trong quá trình hút để bệnh phẩm luôn nằm trong lòng kim mà không bị hút vào syrine.

Tiến hành:

Chuẩn bị dụng cụ

Giải thích cho người bệnh an tâm, giúp thủ thuật được tiến hành dễ dàng.

Thăm khám lâm sàng, xác định vị trí tổn thương.

Căng da, nhẹ nhàng và dứt khoát đưa kim qua da và tổ chức dưới da vào tổn thương.

Dùng pít tông và lực ở tay tạo áp lực âm để lấy bệnh phẩm vào lòng kim.

Xoay kim theo 3 hướng khác nhau trong lòng tổn thương

Giải phóng áp lực âm một cách từ từ trước khi rút kim.

Tháo kim khỏi bơm tiêm

Làm đầy không khí trong bơm tiêm

Lắp bơm tiêm đã có không khí vào kim

Đặt nhẹ nhàng một giọt bệnh phẩm lên một đầu lam kính đã được làm ẩm bằng cồn 95 

Dàn bệnh phẩm tạo thành phiến đồ bằng cách lấy một lam kính khác đặt đè lên trên và nhẹ nhàng kéo hai lam kính theo hai hướng ngược chiều nhau.

Phiến đồ để khô hay cố định bằng cồn tuyệt đối.

Ly tâm dịch làm tế bào

Dịch thường ly tâm với tốc độ 2000 vòng trong 1 phút và phải đảm bảo đủ 15-20 phút.

Dịch phải được ly tâm càng sớm càng tốt, có thể bảo quản trong môi trường tủ lạnh, muộm nhất phải trước 6 giờ.

Nếu dịch đặc quánh coi như mẫu không đạt yêu cầu

Cặn dịch được dàn lên lam kính như trong chọc hút tế bào kim nhỏ và phải đảm bảo càng mỏng càng tốt.

Quệt phiến đồ (phiến đồ âm đạo, phiến đồ lấy tế bào trong quá trình nội soi…):

Phiến đồ phải càng mỏng càng tốt, nếu bệnh phẩm quá nhiều chất nhày, quá nhiều máu, đóng cục hay gợn là không đạt yêu cầu.

Phiến đồ phải được dàn khắp ít nhất 2/3 bề mặt của lam kính.

Nên cố định ngay bằng cồn 95  và bảo quản trong hộp hoặc túi đựng tiêu bản để tránh vỡ hoặc bụi có thể rơi lên trên bề mặt tiêu bản.

Tiêu bản nên được xử trí nhuộm hoặc gửi tới nơi có thể nhuộm được càng sớm càng tốt.

Kỹ thuật nhuộm:

Có thể sử dụng các loại thuốc nhuộm sau:

Nhuộm Diff-quick

Đây là loại thuốc cho kết quả chỉ sau 1 đến 2 phút nên rất hữu ích đối với trường hợp cần kết quả nhanh đặc biệt đối với các thủ thuật khó, đòi hỏi kỹ năng thao tác, cần kiểm tra ngay mẫu bệnh phẩm có đạt yêu cầu để nhuộm pap hoặc tiến hành các kỹ thuật nhuộm mô học thường qui hay đặc biệt khác.

Nhận định tốt về hình dáng tế bào nhưng khó đánh giá chi tiết nhân.

Qui trình:

  • Cố định tiêu bản bằng cồn 95  (20giây)
  • Nhuộm trong dung dịch I (20 giây)
  • Nhuộm trong dung dịch II (20 giây)
  • Rửa dưới vòi nước (10 giây)          
  • Tẩy bằng cồn 95  (10 giây)

Nhuộm Giêm sa

Tiêu bản sau khi để khô bằng nhiệt độ phòng hoặc ngoài không khí ngâm trong dung dịch Giem sa từ 5 đến 10 phút tuỳ theo nồng độ thuốc nhuộm, độ ẩm và nhiệt độ phòng xét nghiệm.

Tiêu bản được rửa sạch dưới vòi nước

Tẩy bằng cồn

Để khô, nhỏ Xylen và gắn label

Cũng như Diff- quick, nhuộm Giêm sa khó đánh giá được chi tiết nhân.

Nhuộm Giêm sa có ưu điểm: thời gian nhuộm nhanh, kỹ thuật đơn giản, thấy rõ  hình thái tế bào, bào tương, nền tiêu bản, chất nhày, hạt chế nhày và các tác nhân vi sinh…

Nhuộm Papanicolaou (Nhuộm Pap)

Thời gian nhuộm lâu hơn phải mất từ 2 đến 3 giờ, kỹ thuật nhuộm cũng phức tạp và khó hơn nhiều so với nhuộm hai phương pháp trên nhưng nhuộm Pap có ưu điểm là thấy rõ chi tiết nhân, chất nhiễm sắc, màng nhân.

Nền phiến đồ trong và sáng nên giúp cho việc nhận định dễ hơn với các phiến đồ có bệnh phẩm dày. Thấy được rõ tế bào trong đám tập hợp không gian 3 chiều. Thấy được tế bào biểu mô tế bào vảy (tế bào biểu mô vảy sừng hoá, bắt màu da cam sáng).

Chất nhiễm sắc thô và chất hoại tử được nhận định chính xác và dễ bằng thuốc nhuộm này.

 

BIẾN CHỨNG

Nhìn chung chọc hút kim nhỏ ít hoặc không có biến chứng và các biến chứng thường nhẹ như và có thể kiểm soát được:

  • Gây đau cho người bệnh, gây cơn choáng nhẹ;
  • Chảy máu, tụ máu;
  • Chọc nhầm vào mạch máu;
  • Chọc vào đỉnh phổi gây tràn khí màng phổi;
  • Gây nhiễm trùng thứ phát tại chỗ chọc;
  • Chọc quá sâu vào khí quản gây cơn phản xạ ho dữ dội.

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top