✴️ Hen trẻ em (P1)

ĐỊNH NGHĨA

Theo định nghĩa của tài liệu hướng dẫn hen GINA 2014 (Global Initiative for Asthma), hen được định nghĩa là một bệnh lý không đồng nhất, thường đặc trưng bởi tình trạng viêm mạn tính của đường hô hấp. Hen được xác định bởi tiền sử xuất hiện các triệu chứng hô hấp như ho, khò khè, khó thở và đau ngực thay đổi theo thời gian và cường độ, đi cùng với sự tắc nghẽn không hằng định của luồng khí thì thở ra.

 

DỊCH TỂ

Ước tính trên toàn thế giới, theo WHO có khoảng 300 triệu bệnh nhân hen (cả người lớn và trẻ em). Tuy nhiên tần suất hiện mắc dao động đáng kể giữa các quốc gia từ 1% - 18% dân số5.

Tử vong ở trẻ em từ 5 -14 tuổi tại Mỹ năm 2000 là 0,3/1000 trẻ, chiếm < 2% tử vong chung ở tuổi này 2.

Tần suất hen ở thành thị cao hơn ở nông thôn.

Hen là gánh nặng kinh tế và xã hội. Hen không chỉ gây hao tổn tiền bạc cho chữa trị mà còn gây hao tổn do những nguyên nhân ngoài điều trị bao gồmnghỉ học, nghỉ làm, tàn tật sớm và tử vong 5.

Khò khè tái đi tái lại ở tuổi nhũ nhi có nguy cơ diễn tiến thành hen cao hơn ở tuổi thanh thiếu niên 3.

Những yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành và khởi phát hen 2,3,5

Gồm 2 nhóm: nhóm ảnh hưởng hình thành hen và nhóm khởi phát triệu chứng hen. Một số yếu tố thuộc cả 2 nhóm.

Nhóm gây ra bệnh hen 

Là những yếu tố bệnh chủ gồm:

Di truyền (chủ yếu)

Gen qui định dị ứng

Gen qui định tăng kích ứng đường thở

Tiền căn dị ứng của gia đình là một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của hen kéo dài ở trẻ em và trẻ cũng dễ bị hen nặng hơn2,9. Mối quan hệ giữa mẹ bị hen hoặc viêm mũi dị ứng với hen ở con là mạnh nhất9. Trẻ có mẹ bị hen có nguy cơ bị hen cao hơn trẻ có cha bị hen. Giữa các trẻ song sinh, một trẻ bị hen thì nguy cơ 36 – 75% trẻ còn lại cũng bị hen2. 

Miễn dịch bẩm sinh 

Bao gồm cả miễn dịch bẩm sinh và miễn dịch mắc phải. Một số nghiên cứu đã ghi nhận các bệnh dị ứng, kể cả hen, thường đặc trưng bởi sự thiếu cân bằng giữa các cytokines Th1 và Th2. Nếu trẻ có biểu hiện của cơ địa dị ứng (như test lẫy da (+), tăng esinophil máu…) thì có liên quan đến hen nặng và kéo dài ở tuổi nhỏ nhưng mối tương quan này không rõ ràng khi trẻ qua tuổi trưởng thành2.

Béo phì

Giới tính: trước 14 tuổi nam bị hen gần gấp đôi nữ. Tỉ lệ này giảm dần và khi đến tuổi trưởng thành, nữ bị nhiều hơn nam.

Nhóm khởi phát các triệu chứng hen (cơn hen)

Yếu tố môi trường: thường gặp nhất

Dị ứng nguyên

Trong nhà: con mạt, thú có lông (chó, mèo, chuột), gián, nấm, mốc meo.

Ngoài nhà: phấn hoa, nấm, mốc meo.

Ở trẻ nhũ nhi, dị ứng thức ăn với những biểu hiện ngoài da, ở đường tiêu hóa hay đường hô hấp thường gặp hơn dị ứng nguyên đường hít3.

Nhiễm trùng

Nhiễm siêu vi đường hô hấp là yếu tố khởi phát cơn thường gặp nhất ở trẻ em, trong đó RSV là tác nhân hàng đầu ở trẻ dưới 3 tuổi và Rhinovirus ở nhóm tuổi lớn. Tuy nhiên, những siêu vi này chỉ khởi phát hen trên những trẻ có cơ địa dị ứng 2. Khoảng 40% trẻ nhỏ nhiễm siêu vi hợp bào hô hấp (RSV) bị khò khè kéo dài hoặc diễn tiến thành hen sau này5,6.

Một số nhiễm trùng sớm như mắc sởi, viêm gan A hoặc thậm chí một số chủng RSV có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh hen.

Các chủng vi khuẩn ruột cũng là nguồn tiếp xúc thường xuyên nhất của trẻ em. Sử dụng các probiotic để làm thay đổi thành phần vi khuẩn đường ruột cũng được đề xuất là một phương pháp ngăn ngừa hen. Tuy nhiên, dù một số probiotic có hiệu quả ngăn ngừa viêm da dị ứng, tác động trên hen chưa được ghi nhận6. 

Sử dụng kháng sinh cũng làm thay đổi chủng vi khuẩn ruột nhưng dường như việc sử dụng kháng sinh khi trẻ còn nhỏ làm tăng tần suất hen khi trẻ lớn lên6.  

Chất kích thích

Ở trẻ em thường gặp nước hoa, thuốc xịt phòng, bụi, chlorine…

Khói thuốc lá

Hút thuốc lá chủ động hay thụ động đều là một trong những yếu tố nguy cơ môi trường mạnh mẽ nhất gây ho, khò khè tái phát hoặc hen triệu chứng và làm suy giảm chức năng hô hấp ở bất kỳ lứa tuổi nào ngay cả từ trước sanh2,3,5.

Khói thuốc lá làm tăng tính oxy hóa và kích thích viêm cả đường thở trên và dưới. Trẻ càng nhỏ càng chịu ảnh hưởng nặng hơn do đường thở của trẻ còn nhỏ 3. Trẻ nhũ nhi có mẹ hút thuốc lá có nguy cơ bị bệnh lý khò khè tăng gấp 4 lần trong năm đầu đời5.

Hút thuốc lá làm hen khó kiểm soát hơn, làm tăng tần suất lên cơn hen, tăng số lần nhập viện. Hút thuốc lá còn làm giảm chức năng phổi nhanh hơn và gây tăng nguy cơ tử vong5.

Ô nhiễm môi trường

Ô nhiễm môi trường gây suy giảm chức năng hô hấp, tuy nhiên mối liên hệ với hen chưa được tìm thấy rõ ràng5.

Thời tiết

Thời tiết có thể có ảnh hưởng đến hen ở trẻ em2. Người ta nhận thấy khi nhiệt độ khắc nghiệt hay độ ẩm cao hoặc khi trời mưa bão có sấm sét, trẻ gia tăng nguy cơ lên cơn hen3.

Chế độ ăn

Trẻ bú sữa công thức hay sữa đậu nành có tần suất bị khò khè cao hơn trẻ bú mẹ5.

Chế độ ăn phương Tây với nhiều thức ăn chế biến sẵn, nhiều acid béo không bão hòa chuỗi dài n-6 (có trong bơ và dầu thực vật); ít thức ăn có chất chống oxi hóa (có trong rau và trái cây), ít acid béo không bão hòa chuỗi n-3 (trong dầu cá) làm tăng tần suất bệnh hen và dị ứng 2,5.

Gắng sức

Gắng sức có thể gây khởi phát cơn hen ở phần lớn trẻ bị hen3. Cơ chế có thể do tính thẩm thấu của đường thở bị thay đổi do mất nước, thay đổi nhiệt độ dẫn đến co thắt phế quản. Tuy nhiên, tập thể dục đều đặn hoặc tập những bài tập thể lực nhẹ nhàng rất tốt cho sức khỏe và có thể cải thiện tình trạng hen3.

Sang chấn tâm lý

Những rối loạn tâm lý kéo dài có thể ảnh hưởng đến bệnh hen. Người ta nhận thấy chức năng phổi và hoạt tính hen ở trẻ em có thể bị ảnh hưởng bởi sang chấn tâm lý của cha mẹ3. Mối liên quan giữa sang chấn tâm lý trong gia đình và biểu hiện khò khè hay dị ứng ở trẻ nhũ nhi và hen khi trẻ lên 6-8 tuổi cũng được ghi nhận6.

Nguy cơ nhập viện của hen2

Tuổi và giới

Tuổi khởi phát càng sớm càng tăng nguy cơ nhập viện

Từ 5 – 14 tuổi trẻ trai nhập viện nhiều hơn trẻ gái, nhưng từ 15 – 24 tuổi trẻ gái nhập viện gấp đôi trẻ trai

Chủng tộc

Mức độ nặng của bệnh

Bệnh hen càng nặng nguy cơ nhập viện càng tăng. Mức độ nặng của bệnh bao gồm tần suất có triệu chứng hô hấp, sử dụng thuốc, chức năng phổi và tăng kích ứng đường thở. 

Trẻ bị hen có cơ địa dị ứng có thể dễ bị khò khè kéo dài hơn và tăng nguy cơ nhập viện3.

Nguy cơ nhập Hồi sức tăng cường

Nhiều lần nhập cấp cứu trong vòng 12 tháng qua

Các triệu chứng kéo dài trước khi nhập viện

Thiếu oxy

Tăng IgE trong huyết thanh

Nguy cơ tử vong của trẻ bị hen nặng2

Tuổi

Trẻ dưới 10 tuổi tử vong thấp hơn trẻ 15 – 24 tuổi

Giới

Nam/Nữ: 1,5 lần

Độ nặng của bệnh

Hen càng nặng càng tăng nguy cơ tử vong. 

Yếu tố tâm lý dường như là nguy cơ quan trọng dẫn đến tử vong.

Nghèo đói và chủng tộc

Nguy cơ tử vong cao nhất ở nhóm trẻ sống trong những gia đình có kinh tế xã hội thấp nhất.

 

CƠ CHẾ BỆNH SINH 

Cơ chế gây bệnh của hen rất phức tạp và còn nhiều điều khó hiểu cần được nghiên cứu thêm.Tuy nhiên tình trạng viêm mạn tính của đường thở được xem là cơ chế gây bệnh quan trọng nhất. Tình trạng viêm diễn ra ngay cả khi không có biểu hiện lâm sàng. Toàn bộ đường thở, kể cả đường thở trên và mũi cũng bị ảnh hưởng nhưng các phế quản đường kính trung bình bị mạnh mẽ nhất. Phản ứng viêm này được gây ra bởi các tế bào viêm và các hóa chất trung gian3,5.

Gần đây, những ghi nhận về tình trạng suy giảm chức năng phổi mạn tính ở bệnh nhân hen làm người ta nghĩ đến những thay đổi sớm và kéo dài cấu trúc đường thở được gọi là tái cấu trúc đường thở 4. Lớp biểu mô phế quản là bề mặt phân cách giữa môi trường bên ngoài và bên trong và đóng vai trò chủ đạo trong nhiều biểu hiện sinh lý bệnh của hen. Lớp dưới niêm bao gồm phức hợp ngoại bào, mạch máu, tuyến nhày, cơ trơn cũng bị thay đổi. Cơ chế thần kinh cũng góp phần quan trọng gây co thắt phế quản4.

Ở trẻ em, hen càng phức tạp hơn vì nhiều yếu tố miễn dịch như hiện diện kháng nguyên, chức năng tế bào T, sản xuất kháng thể còn chưa hoàn chỉnh do đó dễ dàng gây ra đáp ứng dị ứng. Mối tương quan giữa sự trưởng thành của hệ thống miễn dịch, chức năng của phổi và sự phát triển trong năm đầu đời có lẽ quyết định sự phát triển của hen trẻ em. Ngoài ra, đường thở của trẻ em cũng dễ bị tắc nghẽn hơn vì đường kính đường thở nhỏ hơn, xương sườn mềm hơn nên nâng đỡ phổi yếu hơn do đó phổi dễ bị co rút lại gây tắc đường thở3.

Các tế bào tham gia vào bệnh sinh hen

Tế bào cấu trúc đường thở trong bệnh sinh hen4,5

Tế bào biểu mô đường thở

Tế bào biểu mô đường thở đóng vai trò là một hàng rào sinh lý và sinh hóa học ngăn cách giữa không khí bên ngoài và môi trường bên trong.Tế bào này có thể bị hoạt hóa bởi nhiều kích thích tố như những chất độc, nhiễm trùng, dị ứng nguyên, chất ô nhiễm không khí và khói thuốc lá. Một khi bị hoạt hóa, tế bào biểu mô sản xuất ra nhiều hóa chất trung gian như cytokines, chemokines, lipid mediators và hoạt hóa các bạch cầu khác.

Tế bào cơ trơn đường thở

Tế bào cơ trơn đường thở gây viêm cũng tương tự như tế bào biểu mô.

Phì đại cơ trơn và tăng sinh cơ trơn phế quản cũng là đặc điểm nổi bật của tái tạo đường thở.

Tế bào nội mạc

Tế bào nội mạc mạch máu phế quản lôi kéo các tế bào viêm từ mạch máu vào đường thở.

Nguyên bào sợi và nguyên bào sợi cơ

Các tế bào này tăng sinh số lượng và sản xuất ra các thành phần của mô liên kết như collagen, proteoglycans, có liên quan đến quá trình tái tạo đường thở.

Tế bào thần kinh đường thở

Bình thường các chất ức chế giao cảm và đồng vận đối giao cảm gây ra co thắt phế quản và biểu hiện triệu chứng hen. Tuy nhiên, khi cả hai con đường này bị cắt đứt, người ta nhận thấy phế quản vẫn có thể bị co thắt. Từ đó, người ta phát hiện ra con đường thần kinh không giao cảm không phó giao cảm (NANC) liên quan đến những chất trung gian thần kinh mới như bradykinin, neurokinin, vasoactive intestinal peptid (VIP) và chất P. Những chất này gây ra co thắt phế quản, dãn mạch và viêm4.

Tế bào viêm ở đường thở bị hen

Tế bào mast

Tế bào mast bị hoạt hóa bởi những dị ứng nguyên gắn vào các thụ thể IgE ái lực cao hoặc những kích thích thẩm thấu (osmotic stimuli) (giải thích cho tình trạng co thắt phế quản do gắng sức). Khi bị hoạt hóa, chúng phóng thích các hóa chất trung gian gây co thắt phế quản (histamine, cysteinyl leukotrienes, prostaglandin D2). Tăng số lượng tế bào mast trong cơ trơn đường thở có liên quan đến tăng kích ứng đường thở.

Bạch cầu ái toan

Bạch cầu ái toan đi vào biểu mô đường thở theo tín hiệu hóa học của cytokines, chemokines và phân tử kết dính bề mặt tế bào. Các tế bào ái toan bị hoạt hóa phóng thích ra những chất trung gian tiền viêm và những protein cơ bản chính (MBP) gây phá hủy tế bào biểu mô, co thắt cơ trơn, tăng tính kích ứng phế quản và tăng tính thấm thành mạch làm phù niêm mạc.

Lympho T

Số lượng lympho thâm nhập niêm mạc đường thở tăng lên và phóng thích ra các cytokines đặc hiệu gồm IL-4, -5, -9, -13 lôi kéo tế bào ái toan vào đường thở gây viêm và kích thích tế bào lympho B sản xuất IgE. Tế bào Th2 tăng hoạt tính một phần có thể do giảm tế bào T điều hòa (bình thường có tác dụng ức chế Th2) và có thể do tăng tế bào T giết làm phóng thích một lượng lớn cytokines của Th1 và Th2.

Tế bào nhiều chân

Trình diện kháng nguyên và di chuyển đến hạch bạch huyết vùng, ở đó chúng tương tác với tế bào T điều hòa và kích thích sản xuất Th2.

Đại thực bào

Hiện diện nhiều trong đường thở, có thể bị hoạt hóa khidị nguyên gắn vào thụ thể IgE, lảm phóng thích các hóa chất trung gian và các cytokin gây viêm dẫn đến khuếch đại đáp ứng viêm.

Tế bào đa nhân trung tính

Ghi nhận có gia tăng trong đường thở của bệnh nhân hen nhưng cơ chế sinh bệnh chưa rõ ràng. Tuy nhiên, các trường hợp viêm đường thở trong hen có tăng bạch cầu đa nhân trung tính thường khó đạt kiểm soát hen tốt bằng ICS.

Hóa chất trung gian

Hóa chất trung gian đóng vai trò quan trọng trong sinh bệnh hen.

Các hóa chất trung gian chính gồm: chemokines, cystelnyl leukotrienes, cytokines, histamine, nitric oxide, prostaglandin D2.

Những thay đổi cấu đường thở bị hen5

Dưới tác động của phản ứng viêm mạn tính kéo dài, đường thở của bệnh nhân hen bị thay đổi cấu trúc, còn gọi là tái cấu trúc đường thở. Một vài thay đổi liên quan đến mức độ nặng của bệnh và làm đường thở hẹp tương đối, kéo dài và không thể hồi phục.

Những thay đổi cấu trúc được ghi nhận như sau:

Lắng đọng sợi collag n và prot og can dưới màng đá  được thấy nhận thấy ở tất cả bệnh nhân hen kể cả trẻ em. Hiện tượng này thậm chí có trước khi triệu chứng hen được khởi phát.

Cơ trơn đường thở tăng sinh về số lượng và khối lượng, góp phần làm dày thành đường thở. Tiến trình này do các hóa chất trung gian gây viêm gây ra (chẳng hạn như yếu tố tăng trưởng) và ảnh hưởng đến độ nặng của bệnh.

Mạch máu của đường thở cũng bị tăng sinh dưới tác động của các yếu tố tăng trưởng và góp phần làm dày thành đường thở.

Tăng tiết nhày hậu quả của tăng sinh tế bào tuyến nhày dưới niêm

 

SINH LÝ BỆNH HỌC

Sinh lý bệnh học chủ yếu của hen là do hẹp lòng đường thở. Ba thành tố quan trọng gây tắc nghẽn đường thở là phản ứng viêm đường thở cấp và mạn tính, co thắt cơ trơn phế quản có hồi phục và tăng kích ứng đường thở. Hậu quả cuối cùng là đường thở bị hẹp lại gây ra các triệu chứng của hen. (Hình 1)

Đường thở bị hẹp lại do:

Co thắt cơ trơn đường thở do đáp ứng với các hóa chất trung gian và các chất dẫn truyền thần kinh. Đây là cơ chế chính gây hẹp đường thở và hồi phục rất tốt với thuốc dãn phế quản.

Phù đường thở do thoát mạch trong phản ứng viêm, thường gặp trong cơn kịch phát

Dày đường thở do thay đổi cấu trúc đường thở nói trên, ảnh hưởng đến độ nặng của bệnh và không hồi phục hoàn toàn với điều trị cấp

Tăng tiết nhày tạo ra các nút nhày làm tắt nghẽn lòng phế quản

https://suckhoe.us/photos/174/nhi%20khoa/PhamNgocThach/image054.png

Hình 1: Sinh lý bệnh học của hen

Tăng kích ứng đường thở là đặc tính quan trọng trong sinh lý bệnh của hen. Đây là hậu quả của nhiều yếu tố tác động như phản ứng viêm kéo dài, rối loạn điều hòa chức năng thần kinh và tái cấu trúc đường thở, trong đó, viêm là yếu tố chính quyết định mức độ phản ứng. Tăng kích ứng đường thở được định nghĩa là mức độ đường thở hẹp lại khi tiếp xúc với các chất kích thích không đặc hiệu như methacholine, histamine…Chính tính tăng kích ứng đường thở làm đường thở bệnh nhân hen bị hẹp lại khi tiếp xúc với một nồng độ thấp chất kích thích trong khi người bình thường không bị tác động bởi cùng nồng độ này (Hình 2). Tăng kích ứng đường thở không những đóng vai trò quan trọng trong cơn hen cấp mà còn làm suy chức năng hô hấp khi trẻ hen lớn lên5.

Cơ chế cơn hen cấp (cơn kịch phát)

Tình trạng bệnh hen nặng lên thoáng qua khi bệnh nhân tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ hoặc yếu tố khởi phát hen ví dụ như gắng sức, thay đổi thời tiết …Triệu chứng thường kéo dài hơn, có thể vài ngày đến vài tuần khi hen bị khởi phát bởi nhiễm siêu vi hô hấp trên hoặc tiếp xúc dị nguyên.

Cơn đêm

Cơ chế chính xác chưa được biết rõ nhưng có thể bị ảnh hưởng bởi nhịp sinh học của các hormone như epinephrine, cortisone…Phản ứng viêm đường thở tăng lên về đêm được nhận thấy và thể hiện cơ chế kháng viêm nội sinh bị yếu đi.

https://suckhoe.us/photos/174/nhi%20khoa/PhamNgocThach/image056.png 

Hẹp đường thở không hồi phục

Một vài bệnh nhân bị bệnh hen nặng bị hẹp đường thở nặng dần và không thể hồi phục hoàn toàn với điều trị hiện hành. Điều này thể hiện tình trạng thay đổi cấu trúc đường thở của bệnh hen mạn tính.

Hen khó điều trị

Một vài bệnh nhân tiếp tục bị hen nặng lên hoặc rất khó kiểm soát dù đã được điều trị bằng corticoids. Có thể yếu tố di truyển hoặc những rối loạn tâm lý, tâm thần có liên quan đến tình trạng này. Những bệnh nhân này thường bị hen khó điều trị ngay từ ban đầu hơn là tăng dần từ nhẹ đến nặng.

 

PHÂN LOẠI HEN

Phân loại kiểu hình khò khè

Nghiên cứu ở Tucson, Arizona (Mỹ) phân khò khè/hen ờ trẻ thành các nhóm sau:

Khò khè khởi phát sớm, thoáng qua: bắt đầu và kết thúc khò khè trước 3 tuồi (20%)  

Khò khè khởi phát sớm, dai dẳng: bắt đầu trước 3 tuổi, kéo dài đến sau 6 tuổi (14%)

Khò khè khởi phát muộn/hen: bắt đầu sau 3 tuổi, kéo dài đến tuổi trưởng thành (15%)

Không khò khè (51%)

Phân loại theo kiểu hình 

Kiểu hình là kết quả tương tác giữa yếu tố di truyền và yếu tố môi trường. Phân loại theo kiểu hình dựa trên các đặc tính lâm sàng và bệnh sinh. Phân biệt kiểu hình giúp hiểu biết sâu hơn về bệnh nguyên của hen và có thể giúp chọn lựa điều trị thích hợp. Tuy nhiên, đến nay, chưa có nghiên cứu nào đủ mạnh để khẳng định mối tương quan giữa bệnh sinh với đặc điểm lâm sàng và cách thức điều trị. Dưới đây là một số kiểu hình thường được dùng:

Hen liên quan dị ứng: thường trẻ khởi phát từ lúc còn nhỏ, tiền căn bản thân hoặc gia đình có bệnh dị ứng như chàm, viêm mũi dị ứng, dị ứng thức ăn hay dị ứng thuốc. Xét nghiệm đàm trước điều trị thường thấy tăng bạch cầu ái toan. Những bệnh nhân này thường đáp ứng tốt với corticoids đường hít (ICS). - Hen không liên quan dị ứng: xét nghiệm tế bào trong đàm thường có tăng bạch cầu đa nhân hoặc ái toan hoặc có ít bạch cầu. Nhóm này thường ít đáp ứng với ICS.

Hen khởi phát muộn: một số bệnh nhân khởi phát hen khi đã trưởng thành, đặc biệt là phụ nữ, thường khởi phát những năm đầu khi trưởng thành. Nhóm này có khuynh hướng không liên quan dị ứng và kém đáp ứng ICS hoặc phải cần ICS liều cao.

Hen kèm tắc nghẽn đường thở cố định: gặp ở người lớn, được cho là do thành đường thở bị tái tạo lại.

Hen liên quan béo phì: một số trẻ béo phì bị hen có triệu chứng hô hấp rầm rộ hơn và ít viêm đường thở do bạch cầu ái toan. 

Phân loại theo yếu tố khởi phát

Đồng thuận PRACTALL phân loại hen thành 4 kiểu hình: hen do virus, hen vận động, hen dị ứng với dị nguyên đặc hiệu và hen không liên quan dị ứng.

Hội hô hấp châu Âu phân loại hen trẻ em thành 2 nhóm chính là hen do virus và hen do nhiều yếu tố khởi phát.

 

LÂM SÀNG

Triệu chứng hen ở trẻ em chủ yếu là ho, khò khè, khó thở, đau ngực do tắc nghẽn đường thở gây ra trong đó ho, khò khè tái đi tái lại là triệu chứng thường gặp nhất. Các triệu chứng này thường không đặc hiệu cho bệnh hen nên việc hỏi bệnh sử, tiền sử tỉ mỉ là điều rất quan trọng để thực hiện chẩn đoán hen ở trẻ em.

Hỏi bệnh sử.

Triệu chứng: ho, khò khè, khó thở, đau ngực, khạc đàm?

Đặc tính của triệu chứng:

Tái diễn, theo mùa hay cả hai?

Liên tục hay từng đợt?

Cách khởi phát, thời gian kéo dài, tần suất (theo ngày/đêm hoặc theo tuần/tháng)?

Thay đổi trong ngày, nhất là vào ban đêm hay gần sáng?

Yếu tố khởi phát?

Tiến triển của bệnh và điều trị

Tuổi bắt đầu có triệu chứng và tuổi được chẩn đoán?

Tiền sử có tổn thương phổi trước đây (vd: loạn sản phổi, viêm phổi…)?

Diễn tiến tốt hơn hay tệ đi?

Thuốc đang sử dụng và đáp ứng với điều trị, đặc biệt là corticoids uống?

Tiền sử nằm hồi sức vì hen cơn nặng hoặc dọa ngưng thở?

Bệnh phối hợp? Lưu ý các bệnh lý dị ứng: chàm thể tạng, viêm mũi dị ứng, dị ứng thức ăn.

Tiền căn gia đình: hen (đặc biệt là mẹ), bệnh lý dị ứng, viêm mũi, viêm xoang…gợi ý hen nhiều hơn, đặc biệt ở đời thứ nhất (cha mẹ, anh chị em ruột).

Khò khè

Đặc tính khò khè trong hen thường là tái phát nhiều lần, thường xảy ra trong lúc ngủ và bị khởi phát bởi các yếu tố gắng sức, cười, khóc…Tuy nhiên, ở trẻ nhỏ khi bị nhiễm siêu vi đường hô hấp cũng rất dễ khò khè. Nên lưu ý không phải khò khè nào cũng là hen và không phải bệnh hen nào cũng có khò khè.

Trong bệnh hen khò khè thường nghe được ở thì thở ra. Nếu hen nặng, khò khè có thể nghe được trong cả hai thì. Phổi ‘im lặng’ là một dấu hiệu cấp cứu của hen vì lúc này đường thở đã bị hẹp quá mức khộng thể gây khò khè.

Ho       

Ho do bệnh hen thường tái phát hoặc kéo dài và thường đi kèm với những đợt khò khè, khó thở. Ho về đêm (khi trẻ ngủ) hoặc ho theo mùa, ho khi gắng sức, khi cười, khi khóc mà không do bệnh nhiễm trùng hô hấp nào hoặc khi tiếp xúc với chất kích thích đặc hiệu gợi ý hen mạnh mẽ.

Cơn ho điển hình thường là ho khan và ho kích ứng. Nếu ho có đàm, đàm thường trắng trong.

Khám lâm sàng

Khi ngoài cơn hen, khám lâm sàng trẻ hen thường bình thường. Nếu khám thấy bất thường khi trẻ không lên cơn hen thường gợi ý bệnh hen nặng, không kiểm soát kéo dài hoặc có liên quan đến tạng dị ứng. Những triệu chứng có thể gặp là:

Tăng đường kính trước sau của lồng ngực do ứ khí

Nghe phổi có khò khè hoặc giảm khí vào

Thời gian thở ra kéo dài

Các dấu hiệu của viêm mũi dị ứng, viêm xoang, hơi thở hôi

Chàm da 

Các dấu hiệu khi trẻ lên cơn hen cấp: 

Dấu hiệu snh tồn: nhịp thở, mạch, huyết áp, nhiệt độ. - Mức độ khó thở: khò khè, thở nhanh, co lõm ngực, ngồi thở, tím tái. SaO2 là phương pháp tốt nhất để theo dõi mức độ suy hô hấp.

Khám phổi: phế âm, ran phổi

Đo lưu lượng đỉnh nếu trẻ trên 7 tuổi

Béo phì cũng là yếu tố liên quan đến độ nặng của bệnh hen

 

Xem tiếp

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top