Một số phản ứng dị ứng và miễn dịch do Vaccine

Nội dung

Bên cạnh chỉ định cổ điển trong dự phòng các bệnh nhiễm khuẩn đã được áp dụng từ nhiều năm trước, hiện nay khá nhiều chỉ định mới của vaccin cũng đã được áp dụng thành công trong thực tế như để điều trị ung thư, cai nghiện… 

Các phản ứng phụ có cơ chế dị ứng và miễn dịch là một trong những phản ứng phụ thường gặp và nguy hiểm nhất của việc tiêm phòng vaccin ở người. Thành phần của vaccin hết sức đa dạng, có thể chứa các mầm bệnh đã chết và bị bất hoạt hoặc còn sống nhưng đã được giảm độc lực, hoặc các kháng nguyên của những mầm bệnh này hoặc các phân tử do chúng sản xuất ra.

Bên cạnh đó, sự xuất hiện gần đây của nhiều kỹ thuật mới, công thức mới, chất phụ gia và hệ thống phân phối mới cũng góp phần tạo ra tính đa dạng của vaccin. Tính đa dạng này là một trong những nguyên nhân khiến cho những phản ứng dị ứng và miễn dịch do vaccin xảy ra rất khó lường.

Các phản ứng dị ứng: Ban đỏ là một trong những phản ứng dị ứng xảy ra phổ biến nhất sau tiêm phòng vaccin và có thể gặp với hầu hết các loại vaccin. Trong hầu hết các trường hợp, ban đỏ này không đặc hiệu và cơ chế miễn dịch – dị ứng thường không rõ rệt. Các phản ứng dị ứng tức thì như phù Quincke, mày đay hoặc sốc phản vệ đã được ghi nhận sau tiêm hầu hết các loại vaccin, trong một số ít trường hợp, các phản ứng này có thể đe doạ tính mạng người bệnh.

Các phản ứng này thường xảy ra sau tiêm từ vài phút đến nửa giờ, có thể sau vài giờ. Biểu hiện có thể ở nhiều hệ cơ quan như da (màu đay, phù Quincke, nóng bừng), hệ hô hấp (khó thở, co thắt phế quản, khản giọng, co thắt phế quản, ngạt mũi, xổ mũi), mắt (ngứa mắt, đỏ mắt, chảy nước mắt), hệ tiêu hoá (buồn nôn, nôn, ỉa lỏng) và hệ tim mạch (tụt huyết áp, trống ngực đập, nhịp tim nhanh), tâm thần kinh (đau đầu, lo lắng, hoảng hốt). 

Nguyên nhân của các phản ứng dị ứng tức thì thường do các thành phần không có tác dụng kích thích miễn dịch, bao gồm các loại hoá chất trong vaccin (như formaldehyde, thuỷ ngân, betapropriolactone, gelatin hoặc một số loại kháng sinh) hoặc các tạp chất trong quá trình sản xuất vaccin (như các sản phẩm chuyển hoá của các protein trứng). Các thành phần có tác dụng kích thích miễn dịch (như độc tố uốn ván trong vaccin uốn ván…) cũng có thể là nguyên nhân gây dị ứng trong một số ít trường hợp.

Để hạn chế nguy cơ dị ứng với các loại vaccin, một số điều cần được hết sức lưu ý trước khi tiêm phòng, nhất là ở trẻ em.

  1. Các loại vaccin bại liệt đều có chứa các kháng sinh streptomycin, neomycin và polymyxin B, vaccin varicella cũng có chứa vết kháng sinh neomycin. Do đó, những trẻ em có tiền sử dị ứng với các kháng sinh kể trên nên tránh hoặc thận trọng khi dùng những loại vaccin này.
  2. Các loại vaccin cúm, sởi – bại liệt - rubella và sốt vàng đều có chứa các protein trứng gà là những phân tử có khả năng gây dị ứng khá mạnh. Mặc dù hầu hết các trường hợp dị ứng với protein trứng gà trong vaccin đều biểu hiện ở mức độ nhẹ, nhưng những người có tiền sử dị ứng nặng với thịt gà và trứng gà cũng nên tránh dùng các vaccin này.
  3. Một số loại vaccin như sởi – bại liệt – rubella, varicella và sốt vàng có chứa gelatin có nguồn gốc từ lợn như một tác nhân ổn định. Do đó, những người được biết có tiền sử dị ứng với gelatin cần được thử tét da trước khi sử dụng các loại vaccin này để tránh nguy cơ dị ứng.
  4. Trong một số loại vaccin đóng lọ đa liều như bạch hầu – uốn ván, não mô cầu hoặc cúm có chứa thuỷ ngân (thimerosal) với tác dụng tiêu diệt nốt các tạp khuẩn còn sống trong vaccin, đây cũng có thể là nguyên nhân gây dị ứng trong một số trường hợp. Những người có tiền sử dị ứng với thuỷ ngân cần thận trọng khi dùng các loại vaccin này. Các phản ứng viêm mạch do cơ chế dị ứng bán chậm như bệnh huyết thanh, ban xuất huyết xảy ra hiếm hơn và thường được ghi nhận với các vaccin cúm và viêm gan B, đôi khi với vaccin viêm gan A và rubella. 

Các phản ứng miễn dịch: các biến chứng tự miễn dịch xảy ra sau tiêm phòng vaccin đã được ghi nhận trong một số trường hợp. Lupus ban đỏ hệ thống và các biểu hiện giống lupus xảy ra với một số loại vaccin, gặp nhiều nhất là sau tiêm phòng BCG. Viêm khớp phản ứng sau tiêm vaccin cũng đã được mô tả, điều này đã đặt ra những nghi ngờ về mối liên quan giữa bệnh viêm khớp dạng thấp và tiêm phòng vaccin.

Ngoài ra, có một số bằng chứng cho thấy, tiêm phòng một số loại vaccin có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tự miễn type 1, tuy nhiên, điều này cần được khẳng định qua các nghiên cứu có qui mô lớn hơn. Mối liên quan giữa tiêm phòng vaccin với một số bệnh tự miễn dịch của hệ thần kinh cũng là vấn đề được quan tâm trong thời gian gần đây, được nói đến nhiều nhất là mối liên quan giữa bệnh xơ cứng rải rác với vaccin viêm gan B và vaccin sởi hoặc sự tăng nguy cơ mắc hội chứng Guillain-Barre (một bệnh tự miễn dịch gây rối loạn hoạt động chức năng của các rễ thần kinh ngoại biên) sau tiêm các vaccin uốn ván, BCG, dại, thuỷ đậu, quai bị, rubella, viêm gan, bạch hầu hoặc bại liệt.

Những mối liên quan này đã được ghi nhận trong một số ca riêng lẻ nhưng cần có các nghiên cứu dịch tễ học qui mô lớn chứng minh.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top