✴️ Tổng quan về ung thư vùng họng

Nội dung

Ung thư vùng họng là một nhóm các ung thư tại thanh quản, dây thanh âm và các bộ phận khác của cổ họng như amidan và hầu họng. Ung thư vùng họng thường được phân thành hai loại: ung thư hầu họng và ung thư thanh quản.

Ung thư vùng họng thường ít gặp hơn so với các bệnh ung thư khác. Theo thống kê ở Hoa Kỳ tỉ lệ mắc phải ung thư vùng họng:

  • Khoảng 1,2% được chẩn đoán mắc bệnh ung thư khoang miệng và ung thư vùng họng.
  • Khoảng 0,3% được chẩn đoán mắc bệnh ung thư thanh quản trong suốt cuộc đời.

Các loại ung thư vùng họng

Mặc dù tất cả các bệnh ung thư vùng họng liên quan đến sự phát triển và tăng trưởng của các tế bào bất thường, bác sĩ cần phải xác định loại ung thư cụ thể để lên kế hoạch điều trị hiệu quả nhất.

Hai dạng tế bào ung thư vùng họng chính

  • Ung thư biểu mô tế bào vảy: Dạng ung thư này ảnh hưởng đến các tế bào phẳng lót cổ họng. Phổ biến và thường gặp hơn.
  • Ung thư biểu mô tuyến: Dạng này ảnh hưởng đến các tế bào tuyến và rất hiếm.

Hai loại ung thư vùng họng

Ung thư vòm họng: Ung thư này phát triển ở hầu họng - là ống rỗng chạy từ sau mũi đến đỉnh khí quản. Ung thư vùng họng phát triển ở cổ và cổ họng bao gồm phần trên, giữa và dưới của cổ họng.

Ung thư thanh quản: Ung thư này hình thành trong thanh quản – nơi chưa dây thanh âm giúp phát ra giọng nói.

     ung thư vòm họng

Nhận biết các dấu hiệu tiềm ẩn của ung thư vùng họng

Rất khó phát hiện ung thư vùng họng ở giai đoạn đầu. Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến của ung thư vùng họng bao gồm:

  • Thay đổi giọng nói
  • Khó nuốt
  • Tụt cân
  • Đau họng
  • Cảm giác khạc nhổ thường xuyên
  • Ho dai dẳng (có thể ho ra máu)
  • Sưng hạch bạch huyết ở cổ
  • Khò khè
  • Đau tai
  • Khàn tiếng

Nên đi khám bác sĩ nếu có bất kỳ triệu chứng nào trong số này mà không cải thiện sau từ 2 đến 3 tuần.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ ung thư vùng họng

Nam giới có nhiều nguy cơ mắc ung thư vùng họng hơn phụ nữ. Một số thói quen sinh hoạt làm tăng nguy cơ phát triển ung thư vùng họng, bao gồm:

  • Hút thuốc
  • Uống rượu quá mức
  • Dinh dưỡng kém
  • Tiếp xúc với amiăng thường xuyên
  • Vệ sinh răng miệng kém
  • Di truyền

Ung thư vùng họng cũng liên quan đến virus papillomavirus ở người (HPV). HPV là một loại virus lây truyền qua đường tình dục là một yếu tố nguy cơ đối với một số bệnh ung thư vùng họng.

Ung thư vùng họng cũng có liên quan đến các loại ung thư khác. Trên thực tế, một số người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vùng họng được chẩn đoán đồng thời mắc ung thư thực quản, phổi hoặc bàng quang. Điều này có thể là do những bệnh ung thư này có một số yếu tố nguy cơ giống nhau.

Chẩn đoán ung thư vùng họng

Bác sĩ cần biết các triệu chứng và tiền sử bệnh lý. Nếu có các triệu chứng như đau họng, khàn giọng và ho dai dẳng mà không cải thiện mà không rõ nguyên nhân thì có thể nghi ngờ mắc ung thư vùng họng.

Nội soi vùng hầu họng giúp bác sĩ nhìn rõ hơn bên trong cổ họng. Nếu kỹ thuật này cho thấy sự bất thường, bác sĩ có thể lấy một mẫu mô (sinh thiết) từ cổ họng và kiểm tra phân tích tế bào.

Ung thư vùng họng

Nếu phát hiện các tế bào ung thư trong cổ họng, một số các xét nghiệm bổ sung có thể cần thực hiện để xác định giai đoạn hoặc mức độ ung thư. Các giai đoạn này được chia thành các giai đoạn từ 0 đến 4.

  • Giai đoạn 0: Thuờng được hiểu là khối u chỉ rất giới hạn, chủ yếu phát hiện bằng mức tế bào học

  • Giai đoạn 1: Khối u nhỏ hơn 2 cm và giới hạn ở phần cổ họng nơi bắt đầu hình thành.

  • Giai đoạn 2: Khối u nằm trong khoảng từ 2 đến 4 cm hoặc có thể đã lan đến một khu vực gần đó.

  • Giai đoạn 3: Khối u lớn hơn 4 cm hoặc đã phát triển thành các cấu trúc khác trong cổ họng hoặc đã lan đến một hạch bạch huyết gần đó.

  • Giai đoạn 4: Khối u đã lan đến các hạch bạch huyết hoặc di căn các cơ quan khác.

Chẩn đoán hình ảnh

Chẩn đoán hình ảnh của ngực, cổ và đầu có thể cung cấp thêm các thông tin về tiến triển bệnh bệnh. Những kỹ thuật này này có thể bao gồm:

  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Giúp phát hiện các khối u và có thể xác định liệu ung thư đã lan sang các bộ phận khác của cơ thể hay chưa.
  • Chụp cắt lớp phát xạ positron (chụp PET): Quét PET bao gồm tiêm một loại thuốc nhuộm phóng xạ vào máu. Quá trình quét tạo ra hình ảnh của các khu vực phóng xạ trong cơ thể bạn. Loại kỹ thuật hình ảnh này có thể được sử dụng trong trường hợp ung thư tiến triển.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan): Kỹ thuật hình ảnh này sử dụng tia X để tạo ra một hình ảnh cắt ngang của cơ thể. Chụp CT cũng cho thấy hình ảnh của mô mềm và các cơ quan giúp bác sĩ xác định kích thước của khối u đồng thời xác định liệu khối u đã lan đến các khu vực khác chẳng hạn như các hạch bạch huyết và phổi.
  • Chụp X-quang có sử dụng thuốc cản quang (Barium): Bệnh nhân có thể được đề nghị uống Barium (một chất lỏng đặc cản quang) pha với nước để phủ lên cổ họng và thực quản. Kỹ thuật này cho thấy hình ảnh tổn thuơng tắc nghẽn trong lòng
  • X-quang ngực: Nếu bác sĩ nghi ngờ rằng ung thư đã lan đến phổi, bệnh nhân có thể sẽ cần chụp X-quang ngực để kiểm tra các bất thường.

Lựa chọn điều trị ung thư vùng họng

Các lựa chọn điều trị cho bệnh ung thư vùng họng bao gồm phẫu thuật, xạ trị và hóa trị. Phương pháp điều trị được bác sĩ lựa chọn sẽ phụ thuộc vào  mức độ bệnh và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân và các yếu tố khác.

Phẫu thuật

Nếu khối u trong cổ họng có kích thước nhỏ, bác sĩ có thể phẫu thuật để cắt bỏ khối u. Phẫu thuật này có thể áp dụng một trong các phương pháp sau đây:

  • Phẫu thuật nội soi: Sử dụng ống nội soi giúp đưa các dụng cụ phẫu thuật hoặc laser vào bên trong để cắt bỏ khối u trong ung thư giai đoạn đầu.

  • Phẫu thuật cắt bỏ. Thủ thuật này loại bỏ toàn bộ hoặc một phần của dây thanh âm.

  • Cắt thanh quản. Loại bỏ toàn bộ hoặc một phần thanh quản tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Một số người vẫn có thể nói chuyện bình thường sau khi phẫu thuật. Trường hợp cắt bỏ toàn bộ, người bệnh cần phải sử dụng một thiết bị điện tử trợ giúp phát âm.

  • Phẫu thuật hầu họng. Thủ thuật này loại bỏ một phần của cổ họng bị ung thư.

  • Nạo hạch cổ. Nếu ung thư vùng họng lan rộng có thể loại bỏ một số hạch bạch huyết ở vùng cổ.

Xạ trị

Sau khi loại bỏ khối u có thể cần tiến hành xạ trị. Xạ trị sử dụng các tia năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư ác tính còn sót lại sau phẫu thuật. Các loại xạ trị bao gồm:

  • Liệu pháp xạ trị 3D: Chùm tia phóng xạ được điều chỉnh theo hình dạng của khối u. Đây là cách phổ biến nhất được áp dụng cho ung thư thanh quản và vùng họng.

  • Brachytherou:  Hạt phóng xạ được đặt trực tiếp bên trong khối u hoặc gần với khối u. Phương pháp này ít được áp dụng hơn.

Hóa trị

Trong trường hợp khối u lớn và đã di căn đến các hạch bạch huyết và các cơ quan hoặc mô khác, bác sĩ có thể đề nghị hóa trị kết hợp xạ trị. Hóa trị là một loại thuốc tiêu diệt và làm chậm sự phát triển của các tế bào ác tính.

Liệu pháp nhắm mục tiêu đích

Các liệu pháp nhắm mục tiêu là các loại thuốc ngăn chặn sự lây lan và phát triển của các tế bào ung thư bằng cách can thiệp vào các phân tử cụ thể chịu trách nhiệm cho sự phát triển của khối u. Một loại trị liệu nhắm mục tiêu được sử dụng để điều trị ung thư vùng họng là cetuximab (Erbitux).

Phục hồi sau điều trị

Một số người bị ung thư vùng họng gặp biến chứng có thể bao gồm:

  • Khó nuốt
  • Biến dạng của cổ hoặc mặt
  • Mất khả năng nói
  • Khó thở
  • Xơ cứng vùng da quanh cổ

Triển vọng lâu dài cho bệnh ung thư vùng họng

Nếu được chẩn đoán sớm, ung thư vùng họng có tỷ lệ sống sót cao. Ung thư vùng họng có thể không thể chữa khỏi một khi các tế bào ác tính lan sang các bộ phận của cơ thể ngoài cổ và đầu. Tuy nhiên, những người được chẩn đoán có thể tiếp tục điều trị để kéo dài cuộc sống của họ và làm chậm sự tiến triển của bệnh.

Ngăn ngừa ung thư vùng họng

Không có cách nào để ngăn ngừa ung thư vùng họng một cách hoàn toàn, nhưng có thể áp dụng các biện pháp để giảm yếu tố nguy cơ:

  • Bỏ thuốc lá.
  • Hạn chế uống rượu.
  • Duy trì lối sống lành mạnh: Ăn nhiều trái cây, rau và thịt, giảm lượng chất béo và natri, duy trì cân nặng hợp lý. Hoạt động thể chất ít nhất 2,5 giờ/tuần.
  • Giảm nguy cơ nhiễm vi-rút: Tiêm ngừa vắc-xin virus HPV và quan hệ tình dục một cách an toàn.

Xem thêm: Phòng ngừa ung thư vòm mũi họng

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top