✴️ Phòng ngừa ung thư vòm mũi họng

Những ai có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư vòm mũi họng?

Những yếu tố nguy cơ cao mắc bệnh ung thư vòm mũi họng bao gồm:

- Tiền sử gia đình có người mắc bệnh ung thư vòm mũi họng

- Hút thuốc lá, thuốc lào

- Ăn nhiều thực phẩm bảo quản lâu ngày như cá muối…

- Nhiễm trùng virut Epstein-Barr (EBV)

- Phơi nhiễm nghề nghiệp với bụi gỗ, formaldehyde và khí hơi hóa học

- Tiếp xúc thường xuyên với khói nhang

- Suy giảm miễn dịch

Các triệu chứng phổ biến nào của bệnh ung thư vòm mũi họng?

Giai đoạn sớm của bệnh thường không có triệu chứng và khó nhận biết. Các triệu chứng phổ biến của bệnh bao gồm:

- Sưng vùng cổ (hạch cổ)

- Giảm thính lực

- Ù tai

- Viêm tai giữa tái phát

- Đau đầu không rõ nguyên nhân

- Nhìn đôi

- Ngạt mũi

- Chảy máu mũi hoặc xì mũi lẫn máu

- Tê bì vùng mặt

- Nói khàn

- Khó nuốt

Hãy đến khám bác sỹ chuyên khoa ung thư ngay khi có thể nếu bạn xuất hiện bất kỳ một triệu chứng nào ở trên.

Hình ảnh tổn thương ung thư vòm dưới nội soi tai mũi họng

 

Làm thế nào để giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vòm mũi họng?

- Không hút thuốc lá và tránh hút thuốc lá thụ động

- Không ăn các thực phẩm bảo quản lâu ngày như cá muối…

- Sử dụng bảo hộ lao động cho các nghề nghiệp phơi nhiễm với các chất gây ung thư

- Tránh hít khói nhang

Sàng lọc ung thư vòm mũi họng như thế nào?

Mục đích của sàng lọc ung thư vòm mũi họng là để chẩn đoán sớm bệnh khi chưa có bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, chưa có phương pháp sàng lọc ung thư vòm mũi họng nào thực sự hiệu quả cho cộng đồng. Với những người có tiền sử gia đình mắc bệnh, hãy gặp bác sỹ chuyên khoa ung thư để được tư vấn trước khi thực hiện sàng lọc.

Xem thêm: Ung thư vòm mũi họng là gì?

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top