Men tiêu hóa thường được bác sĩ chỉ định nếu bệnh nhân đang gặp một vấn đề tiêu hóa nào đó. Trên thực tế có rất nhiều người đánh đồng men tiêu hóa chính là men vi sinh nhưng đây là 2 chế phẩm có công dụng khác nhau. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ có bao nhiêu loại men tiêu hóa, cách sử dụng loại men này sao cho hiệu quả.
1. Men tiêu hóa trong cơ thể bao gồm những loại nào?
Theo như từ điển y khoa, men tiêu hóa (hay các enzyme) được chính cơ thể con người tiết ra để hỗ trợ quá trình tiêu hóa thức ăn. Chúng giống như các chất xúc tác sinh học có tác dụng giúp chia nhỏ thức ăn để niêm mạc ruột có thể dễ dàng hấp thu các chất dinh dưỡng hơn. Một số loại men cần thiết cho cơ thể bao gồm:
Men Amylase: do tuyến nước bọt và tuyến tụy sản xuất giúp phân giải các thức ăn làm từ tinh bột;
Axit clohydric kết hợp với lipase, pepsin trong dạ dày: giúp làm mềm thức ăn và hỗ trợ cho quá trình chia nhỏ các chất đạm, chất béo và sợi collagen xảy ra trơn tru hơn;
Các men chứa trong dịch tụy: bên cạnh men Amylase giúp tiêu hóa tinh bột thì trong dịch tụy còn các men khác như chymotrypsin, carboxypolypeptidase và trypsin đóng vai trò phân giải chất đạm thành các axit amin một cách nhanh chóng và đơn giản hơn;
Muối mật và axit mật do gan tiết ra: hỗ trợ hòa tan mỡ để men lipase hoàn thành sứ mệnh phân giải chất béo cho cơ thể.
Men tiêu hóa có vai trò quan trọng đối với hoạt động tiêu hóa của cơ thể
Khác với men tiêu hóa, men vi sinh là tập hợp các bào tử lợi khuẩn cộng sinh trong đường ruột, sản xuất dưới hình thức đông khô và có tác dụng khiến cho hệ vi sinh ở ruột trở nên phong phú hơn. Những lợi khuẩn bổ sung này sẽ giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn tốt hơn, ngăn chặn sự sinh sôi nảy nở của tập vi khuẩn có hại và hiện tượng loạn khuẩn ruột, củng cố hệ miễn dịch giúp đường ruột trở nên khỏe mạnh hơn. Nhờ đó mà khả năng hấp thu chất dinh dưỡng của cơ thể cũng được cải thiện đáng kể.
2. Nên bổ sung men tiêu hóa vào thời điểm nào?
Đối với những người khi enzyme nội sinh do cơ thể tiết ra không đủ để đáp ứng các nhu cầu hoạt động trong hệ tiêu hóa (hay nói cách khác là bị thiếu hụt enzyme) thì cần bổ sung men tiêu hóa từ bên ngoài. Tuy nhiên điều này cần tuân thủ theo chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa, bệnh nhân không được tự ý sử dụng khi không thực sự cần thiết vì có thể dẫn tới một số nguy hại cho sức khỏe.
2.1. Đối tượng nên bổ sung thêm men tiêu hóa
Trẻ biếng ăn, chậm lớn, đi ngoài phân sống hoặc bị chẩn đoán suy dinh dưỡng nên dùng thêm men tiêu hóa để kích thích ăn uống;
Người lớn tuổi, cơ quan tiêu hóa bị suy giảm chức năng;
Người bị rối loạn tiêu hóa với các triệu chứng như khó tiêu, đau bụng, đầy hơi,...;
Bệnh nhân bị giảm tiết dịch enzyme - một biểu hiện thường thấy ở bệnh thiểu toan hoặc giảm toan dạ dày. Những người bị viêm dạ dày thể teo đét cũng có thể bổ sung men tiêu hóa nhằm kiểm soát các triệu chứng khó chịu do bệnh gây ra;
Bệnh nhân vừa mới ốm dậy, thể trạng còn yếu, chưa lấy lại được cảm giác thèm ăn thì nên sử dụng thêm men tiêu hóa để đẩy nhanh quá trình hồi phục cơ thể.
Tùy từng trường hợp bác sĩ sẽ kê men tiêu hóa bổ sung cho bệnh nhân
2.2. Men tiêu hóa chống chỉ định cho những trường hợp nào?
Trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi có hệ tiêu hóa chưa ổn định;
Những trẻ biếng ăn nhưng cơ thể vẫn đang phát triển bình thường, không quấy khóc thì chưa cần thiết phải bổ sung men tiêu hóa. Tốt nhất nếu các bậc phụ huynh muốn dùng men tiêu hóa cho trẻ em thì nên tham vấn các bác sĩ chuyên khoa;
Không dùng liên tục và quá liều men tiêu hóa trong thời gian dài vì dễ gây tác dụng phụ cho trẻ;
Nên dùng chế phẩm này ngay trong bữa ăn hoặc sau khi ăn xong, không uống trước bữa ăn hoặc để quá 2 tiếng sau ăn mới dùng;
Đối với các trường hợp bệnh nhân nôn hoặc đi ngoài ra máu, tiêu chảy thì không nên dùng men tiêu hóa vì nguyên nhân gây nên các triệu chứng này có thể là do bệnh lý hoặc nhiễm độc chất.
3. Những tác dụng phụ có thể gặp phải nếu dùng men tiêu hóa sai cách
Men tiêu hóa mặc dù là một chế phẩm hỗ trợ tiêu hóa nhưng nếu dùng không theo chỉ định, sai cách thì không những không giúp đẩy lùi triệu chứng của bệnh mà hoàn toàn có khả năng gây ra các tác dụng phụ không mong muốn.
Dưới đây là những biểu hiện ở người lạm dụng men tiêu hóa hoặc bổ sung những loại men không phù hợp với thể trạng:
Đau dạ dày, viêm loét dạ dày: đây là tác dụng phụ khá phổ biến do dạ dày vốn dĩ đã tiết ra một lượng axit đáng kể nhưng người bệnh lại bổ sung thêm enzyme tiêu hóa khiến cho axit trong dạ dày lại được tiết ra nhiều hơn gây viêm loét và đau dạ dày;
Dị ứng, nổi mề đay trên da: trên da người bệnh khi dùng quá liều men tiêu hóa có thể xuất hiện nhiều nốt mẩn đỏ li ti như bị dị ứng, phát ban hoặc nổi mề đay, nhất là ở những bệnh nhân có cơ địa nhạy cảm;
Quá lạm dụng men tiêu hóa sẽ làm mất đi khả năng tự tổng hợp enzyme tự nhiên trong cơ thể những trẻ bị suy dinh dưỡng. Đến khi dừng không bổ sung men thì trẻ sẽ lại biếng ăn, nguy cơ bị suy dinh dưỡng trở lại là rất cao;
Phản ứng phụ tương tự với rối loạn tiêu hóa: người bệnh có các biểu hiện như buồn nôn, tiêu chảy, nếu để lâu ngày sẽ dẫn tới mất nước và cơ thể suy kiệt.
Mong rằng với những chia sẻ trên đây, quý bạn đọc đã thu thập được cho mình những thông tin hữu ích về men tiêu hóa và men vi sinh, phương pháp sử dụng sao cho đúng cách để không lạm dụng những chế phẩm này.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh