Nguyên nhân gây bệnh viêm phế quản phổi

Viêm phế quản phổi là một dạng của bệnh viêm phổi. Viêm phổi là tình trạng viêm nhiễm của phổi gây ra do virus, vi khuẩn hay nấm. Nhiễm trùng gây viêm trong các phế nang (túi khí nhỏ trong phổi) và hình thành ổ mủ.

Có hai dạng viêm phổi: Viêm phổi thùy ảnh hưởng một phân thùy, một thùy hay nhiều thùy, hoặc có khi cả hai bên phổi, thường gặp nhất là thùy dưới phổi phải. Viêm phế quản phổi có ảnh hưởng đến cả hai bên phổi và phế quản.

Bệnh có thể diễn biến từ nhẹ đến nghiêm trọng. Thường thì viêm phế quản phổi do virus sẽ diễn biến nhẹ hơn là do những nguyên nhân khác.

Nguyên nhân gây viêm phế quản phổi

Cả hai dạng viêm phổi đều có thể là do việc tiếp xúc với vi khuẩn hoặc virus trong sinh hoạt thường ngày. Hầu hết các ca viêm phổi do vi khuẩn đều gây ra bởi chủng phế cầu khuẩn Streptococcus pneumonia. Tuy nhiên cũng khá phổ biến trường hợp viêm phổi là do kết hợp của nhiều loài vi khuẩn gây ra như:

  • Staphylococcus aureus
  • Haemophilus influenza
  • Klebsiella pneumonia

Những loại virus gây bệnh cúm và cảm lạnh cũng là nguyên nhân chủ yếu gây nên các ca viêm phổi do virus.

Theo Mayo Clinic, bệnh nhân thường bị mắc một căn bệnh viêm phổi rất nặng trong môi trường bệnh viện. Viêm phổi mắc phải tại bệnh viện có thể là do sự tấn công của nhiều chủng vi khuẩn đề kháng với kháng sinh.

 

Đối tượng có nguy cơ cao mắc viêm phế quản phổi

  • Trẻ em dưới 2 tuổi
  • Người trên 65 tuổi
  • Người đang mắc các bệnh về phổi như bệnh xơ nang, hen phế quản, hay bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)
  • Người nhiễm HIV/AIDS
  • Người có hệ miễn dịch yếu do hóa trị hay sử dụng thuốc ức chế miễn dịch
  • Người đang mắc các bệnh mạn tính như bệnh tim mạch hay tiểu đường
  • Người đang thở máy
  • Người nghiện thuốc lá
  • Người có tiền sử nghiện rượu
  • Người gặp khó khăn khi nuốt, ho
  • Trẻ em suy dinh dưỡng

 

Các triệu chứng của viêm phế quản phổi

Các triệu chứng có thể diễn biến từ từ hoặc đột ngột. Viêm phế quản phổi do virus có thể khởi phát với những triệu chứng giống cúm nhưng thường nặng hơn sau một vài ngày. Các triệu chứng của viêm phế quản phổi bao gồm:

  • Sốt
  • Ho có đờm
  • Khó thở
  • Đau ngực
  • Thở gấp
  • Vã mồ hôi
  • Ớn lạnh
  • Đau đầu
  • Đau cơ
  • Mệt mỏi
  • Lú lẫn hoặc mê sảng, đặc biệt ở người cao tuổi

 

Xét nghiệm và chẩn đoán

Việc chẩn đoán trước tiên dựa vào các triệu chứng lâm sàng. Bác sỹ sẽ đo thân nhiệt để xem người bệnh có sốt hay không. Khám phổi bằng ống nghe sẽ có tiếng ran nổ, ran ẩm rải rác cả hai phổi, khám phổi cũng sẽ giúp phát hiện được tình trạng khó thở càng lúc càng tăng… là các triệu chứng điển hình của viêm phế quản phổi.

Sự gia tăng số lượng bạch cầu trong máu là dấu hiệu của nhiễm trùng do vi khuẩn. Các xét nghiệm máu cũng giúp phát hiện được nguyên nhân gây viêm phế quản phổi là do virus, vi khuẩn hay nấm…

Chụp X quang vùng ngực là cách tốt nhất giúp chẩn đoán bệnh này. Vị trí tổn thương ở phổi sẽ được chỉ rõ trên phim X quang.

Phương pháp chụp CT cũng cho hình ảnh tương tự như chụp X quang nhưng chi tiết hơn. Nó giúp bác sỹ phát hiện vị trí nhiễm trùng trong phổi.

Nuôi cấy mẫu đờm từ dịch phổi sẽ giúp phát hiện nguyên nhân gây bệnh.

Phương pháp nội soi phế quản sử dụng một camera thu nhỏ đưa xuống cổ họng để quan sát các ống phế quản sẽ giúp xác định các yếu tố gây bệnh khác.

Máy đo oxy dựa vào mạch đập sẽ giúp xác định lượng oxy trong máu của bệnh nhân. Kết quả của xét nghiệm này có thể cung cấp cho bác sỹ thông tin về mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng và khả năng hấp thụ oxy của bệnh nhân.

 

Lựa chọn điều trị

Viêm phế quản phổi do virus thông thường không cần phải điều trị và nó sẽ tự hết trong vòng 1 – 2 tuần. Có thể sử dụng các thuốc kháng virus để giảm thời gian mắc và mức độ nặng của các triệu chứng.

Viêm phế quản phổi do vi khuẩn được điều trị bằng các kháng sinh. Hầu hết bệnh nhân sẽ cảm thấy các triệu chứng bệnh được cải thiện trong vòng từ 1 – 3 ngày sau khi dùng thuốc. Lưu ý là phải sử dụng hết một liệu trình điều trị bằng kháng sinh để phòng bệnh tái phát.

Ngoài ra, bác sỹ có thể chỉ định sử dụng các thuốc hạ sốt hoặc thuốc trị ho cho cả trường hợp bệnh do vi khuẩn hay virus. Các thuốc này chỉ có thể giúp giảm nhẹ các triệu chứng bệnh chứ không tác dụng lên nguyên nhân gây bệnh.

Các biện pháp chăm sóc tại nhà bao gồm:

  • Nghỉ ngơi đầy đủ
  • Uống nhiều nước ấm
  • Sử dụng một thiết bị phun sương làm ẩm không khí trong phòng

Trường hợp nặng cần phải nhập viện điều trị nếu:

  • Bệnh nhân trên 65 tuổi
  • Nhịp thở nhanh
  • Tụt huyết áp
  • Người bệnh có dấu hiệu lú lẫn
  • Người bệnh cần thiết bị hỗ trợ thở

Việc điều trị trong bệnh viện có thể gồm truyền kháng sinh tĩnh mạch. Trường hợp nồng độ oxy máu thấp, người bệnh sẽ được cho thở oxy để giúp nồng độ oxy máu trở về mức bình thường.

 

Phòng bệnh

Tiêm vaccin là biện pháp rất hiệu quả trong việc phòng bệnh viêm phế quản phổi. Một mũi tiêm vaccin phòng cúm hàng năm có thể giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh do cúm cũng là nguyên nhân gián tiếp gây viêm phổi.

Vaccin phòng bệnh do phế cầu có hiệu quả tương đối tốt đối với trẻ dưới 5 tuổi. Loại vaccin này cũng được khuyến cáo cho những người trên 65 tuổi, những người đang được chăm sóc tại các cơ sở y tế hay những đối tượng có nguy cơ cao mắc viêm phế quản phổi. Trẻ em dưới 2 tuổi có thể tiêm một mũi vaccin liên hợp phế cầu khuẩn. Mayo Clinic thông báo rằng các bác sỹ nên khuyến cáo sử dụng loại vaccin này cho trẻ em từ 2 – 5 tuổi và những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh hoặc những người đang điều trị tại các cơ sở y tế.

Những biện pháp đơn giản có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh bao gồm:

  • Rửa tay thường xuyên
  • Không hút thuốc lá
  • Hạn chế sử dụng rượu
  • Hạn tiếp xúc với người ốm

Duy trì một lối sống lành mạnh bao gồm việc luyện tập thể dục, thể thao, nghỉ ngơi đầy đủ và ăn uống đủ dinh dưỡng cũng rất hiệu quản trong việc phòng bệnh viêm phế quản phổi. 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top