✴️ Bị viêm loét dạ dày có nên ăn sữa chua hay không?

Nội dung

Rất nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh việc liệu người bệnh bị viêm loét dạ dày có nên ăn sữa chua hay không. Một phần ý kiến cho rằng điều này là không nên vì ai cũng biết đồ ăn có vị chua đều không tốt với người bệnh dạ dày. Một phần khác lại cho rằng, sữa chua đặc biệt tốt cho tiêu hóa và người bệnh viêm loét nên ăn.

 

1. Giải đáp: Bị viêm loét dạ dày có nên ăn sữa chua hay không?

Theo các bác sĩ tư vấn, bị loét dạ dày không chỉ có thể ăn được sữa chua mà sữa chua còn là thực phẩm rất tốt với người bệnh. Trong sữa chua có tính acid nhẹ, nồng độ acid này thấp hơn nhiều so với nồng độ axit sống có trong dịch vị tiêu hóa. Đây cũng là nguyên nhân lý giải vì sao việc ăn sữa chua sẽ không gây hại với người bệnh viêm loét dạ dày.

Không chỉ vậy, sữa chua có chứa men vi sinh giúp làm tăng khả năng chống lại vi khuẩn gây hại của cơ thể. Đồng thời, ăn sữa chua giúp bổ sung lượng lớn lợi khuẩn có tác dụng làm dịu dạ dày, giảm tình trạng trào ngược axit dạ dày lên thực quản (GERD), tăng nhanh thời gian thức ăn di chuyển vào ruột giúp ích cho quá trình tiêu hóa.

Như vậy, có thể thấy rằng, sữa chua an toàn với người bệnh viêm loét dạ dày và cần được thêm vào khẩu phần ăn. Điều người bệnh cần lưu ý là lựa chọn loại sữa chua phù hợp và sử dụng sữa chua hợp lý để mang lại lợi ích tốt nhất.

Sữa chua an toàn và tốt với người bệnh viêm loét dạ dày nên không cần kiêng loại thực phẩm này

 

2. Hướng dẫn lựa chọn và sử dụng sữa chua với người bệnh viêm loét dạ dày

2.1. Bị viêm loét dạ dày nên chọn loại sữa chua nào?

Sữa chua là một loại thức ăn thơm ngon, bổ dưỡng nhưng không phải loại sữa chua nào cũng sẽ phù hợp với người bị loét dạ dày. Người bệnh có thể chọn loại sữa chua theo những nguyên tắc sau:

– Lựa chọn sữa chua có thành phần ít đường, ít hương liệu, không chất tạo màu và chất bảo quản.

– Nhóm sữa chua giàu canxi và các loại vitamin sẽ rất tốt với người bệnh.

– Ưu tiên sữa chua trắng để đảm bảo không có các loại phụ gia hoặc có rất ít. Vì các chất này không tốt cho tiêu hóa và có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh về tim mạch, béo phì, tiểu đường,…

– Lựa chọn sữa chua lên men tự nhiên sẽ rất tốt cho hoạt động của dạ dày cũng như hệ tiêu hóa.

2.2. Sử dụng sữa chua hợp lý ở người bị viêm loét dạ dày

Giống như các loại thực phẩm khác, sữa chua cũng nên được tiêu thụ ở một mức độ vừa phải nhất là với người bệnh viêm loét dạ dày. Người bệnh không thể lạm dụng ăn quá nhiều mà cần cân đối vừa phải và lựa chọn thời điểm ăn hợp lý. Cụ thể, những lưu ý trong việc sử dụng sữa chua như sau:

– Nên ăn sữa chua vào bữa sáng hoặc sau các bữa chính từ 1-2 tiếng. Ăn ở những thời điểm này giúp cung cấp đủ hàm lượng dinh dưỡng cần thiết, kích thích ăn ngon, giảm cholesterol trong máu,…

– Với người bình thường chỉ nên ăn 1 – 2 cốc sữa chua mỗi ngày, còn người bệnh đau dạ dày nên giảm bớt ít hơn ăn là 3 – 4 cốc/tuần để đảm bảo hệ tiêu hóa luôn hoạt động tốt và không bị ảnh hưởng.

– Không ăn sữa chua khi đói, không làm nóng sữa chua trước khi ăn.

– Nên kết hợp sữa chua cùng các loại hoa quả (chuối, táo, bơ,…) hoặc các loại hạt (hạt điều, hạt mắc ca, óc chó,..). Tránh ăn các món mặn cùng lúc với sữa chua vì có thể dễ dẫn tới rối loạn tiêu hóa.

– Đặc biệt lưu ý với người bệnh đang dùng kháng sinh nhóm sulfonamides, chloramphenicol thì cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước, để tránh trường hợp tương tác với các thành phần trong sữa chua khiến cho thuốc bị mất tác dụng.

 

3. Những thực phẩm khác tốt với người bệnh viêm loét dạ dày

Bên cạnh sữa chua, gợi ý cho bạn nhóm những thực phẩm có lợi với người bệnh viêm loét dạ dày dưới đây.

– Thực phẩm giàu chất xơ từ hoa quả tươi, yến mạch, các loại hạt,…: Chất xơ có lợi cho tiêu hóa nói chung và với người bệnh bị loét dạ dày nói riêng. Cụ thể, chất xơ có thể giúp làm giảm nồng độ acid trong dạ dày, các triệu chứng đau và chướng bụng cũng sẽ nhẹ đi và hạn chế hình thành vết loét mới.

– Thực phẩm hỗ trợ điều trị bệnh như gừng, nghệ, mật ong: Hỗn hợp này có tác dụng làm giảm các triệu chứng, chống viêm tốt, điều hòa nồng độ acid ở dạ dày, cải thiện tốt tình trạng bệnh.

– Thực phẩm giàu vitamin A, B, D, K, canxi, kẽm, magie, sắt, acid folic,…: Vitamin và khoáng chất giúp tăng sức đề kháng, đảm bảo đủ dưỡng chất và hỗ trợ quá trình làm lành các vết loét ở dạ dày.

– Thực phẩm chống oxy hóa như đu đủ, nghệ, bông cải xanh,..: Nhóm thực phẩm có tác dụng chống oxy hóa có tác dụng giúp ích trong quá trình làm lành các ổ viêm loét và tái cấu trúc lớp niêm mạc ở dạ dày.

Giải đáp cho băn khoăn liệu người bị viêm loét dạ dày ăn được sữa chua hay không thì câu trả lời đưa ra là có. Lựa chọn những thực phẩm có lợi, cân bằng dưỡng chất và thực hiện lối sống khoa học là cách hữu ích giúp người bệnh loét dạ dày cải thiện tình trạng hiệu quả.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top