Phụ nữ có thai có được tiêm vaccine cúm H1N1 không?

Nội dung

Sự hợp tác giữa các nhà khoa học tại đại học California-San Diego (UCSD), đại học Boston và Viện hàn lâm về dị ứng miễn dịch Hoa Kỳ (AAAAI) đã cho ra đời một nghiên cứu lớn trên phạm vi quốc gia và hai bài báo khoa học trên tạp chí Vaccine.

Mặc dù đã có những khuyến nghị về việc phụ nữ mang thai có thể tiêm vaccine phòng cúm, song ít hơn 50% phụ nữ thực hiện theo những khuyến cáo này do họ vẫn lo lắng về việc liệu vaccine cúm có ảnh hưởng đến những đứa con tương lai của họ hay không.

Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng những em bé được sinh ra bởi các bà mẹ bị cúm trong thai kỳ có thể phải đối mặt với những hậu quả không mong muốn. Trong đó, một nghiên cứu đã chứng minh rằng mắc cúm khi mang thai sẽ làm tăng nguy cơ đứa trẻ mắc một căn bệnh tâm thần là “rối loạn lưỡng cực” (bipolar disorder).

Dịch cúm H1N1 năm 2009

Việc bị nhiễm cúm trong thai kỳ có thể gây ra những hậu quả nguy hiểm cho đứa trẻ, tuy nhiên các nhà khoa học đã xác nhận rằng phụ nữ có thai có thể yên tâm tiêm vaccine phòng cúm mà không có ảnh hưởng đến thai nhi.

Dịch cúm H1N1 năm 2009 đã diễn biến khá phức tạp, do vậy Hệ thống giám sát việc sử dụng vaccine và thuốc trong quá trình mang thai (VAMPSS) đã tiến hành một nghiên cứu tầm cỡ quốc gia để thu thập số liệu về tính an toàn của vaccine H1N1 trong thai kỳ.

Các nhà khoa học thuộc UCSD, dẫn đầu bởi bác sỹ Christina Chambers đã theo dõi 1.032 phụ nữ có thai ở Mỹ và Canada những người được tiêm hay chưa được tiêm vaccine từ năm 2009 đến 2012.

Họ nhận thấy rằng những phụ nữ có thai đã được tiêm vaccine ít có nguy cơ bị sẩy thai, sinh con mang dị tật hay nhẹ cân hơn bình thường so với những phụ nữ không được tiêm vaccine.

Mặc dù những phụ nữ được tiêm vaccine đều có xu hướng sinh con sớm hơn, nhưng tính trung bình chỉ sớm hơn khoảng 3 ngày so với những phụ nữ chưa tiêm.

Trong một nghiên cứu khác được tiến hành bởi nhóm VAMPSS tại đại học Boston, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu trên 4.191 phụ nữ có thai tại Mỹ những người đã sinh ra những đứa trẻ bình thường hay những đứa trẻ bị mắc 1 trong số 41 dị tật bẩm sinh.

Sau khi so sánh việc sử dụng vaccine giữa hai nhóm từ 2009 – 2011, nghiên cứu nhận thấy rằng không có bằng chứng rõ ràng về một sự gia tăng nguy cơ mắc phải bất kỳ dị tật bẩm sinh nào.

Những phụ nữ có thai được tiêm vaccine H1N1 trong nghiên cứu này từ 2009 -2010 đã sinh con sớm hơn trung bình khoảng 2 ngày so với phụ nữ trong nhóm chưa tiêm, nhưng từ 2010 – 2011 số phụ nữ chưa được tiêm vaccine lại có xu hướng sinh non nhiều hơn.

 

Tầm quan trọng của việc tiêm vaccine trong thai kỳ

Bác sỹ Christina Chambers nói rằng kết quả của nghiên cứu là một đảm bảo cho việc sử dụng vaccine an toàn. Bà nói thêm: “Chúng tôi tin rằng kết quả nghiên cứu của chúng tôi có thể giúp phụ nữ và các bác sỹ hiểu biết nhiều hơn về những tác dụng và nguy cơ của việc tiêm vaccine phòng cúm trong thời gian mang thai."

Carol Louik, trưởng nhóm nghiên cứu tại đại học Boston nói rằng mối lo ngại về nguy cơ dị tật bẩm sinh là một câu hỏi đã từng bị coi nhẹ cho tới thời gian gần đây, và kết quả của chúng tôi là một đảm bảo cho điều đó.”

Trung tâm phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo rằng phụ nữ có thai nên tiêm một liều vaccine phòng cúm và đưa ra 6 bước để giúp phòng lây nhiễm:

  1. Tránh tiếp xúc gần với đối tượng nhiễm cúm
  2. Nghỉ ngơi tại nhà nếu bạn bị nhiễm cúm
  3. Che phủ kín mũi và miệng
  4. Rửa tay thường xuyên
  5. Tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng
  6. Thực hành cái thói quen tốt cho sức khỏe như ngủ nhiều, uống nhiều nước

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top