✴️ Rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh: Khắc phục và phòng ngừa

Rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh có thể gây ra nhiều ảnh hưởng không tốt tới quá trình phát triển của trẻ trong tương lai. Tình trạng này làm thiếu hụt đáng kể lượng dinh dưỡng cung cấp cho cơ thể, khiến trẻ bị suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch, chậm phát triển thể chất và trí não. Dưới đây là những dấu hiệu rối loạn tiêu hóa thường gặp ở trẻ sơ sinh, gồm triệu chứng, nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa.

 

1. Dấu hiệu rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh thường gặp

1.1. Nôn ói

Đây là triệu chứng rối loạn tiêu hóa thường gặp nhất trong giai đoạn sơ sinh. Trẻ bình thường cũng trớ một lượng sữa nhỏ ngay hoặc sau khi bú.

Biểu hiện

– Trẻ ọc dịch xanh rêu.

– Chướng bụng.

– Không đi ngoài phân su trong vòng 48 giờ sau sinh.

Các trường hợp có nguy cơ bao gồm: Sản phụ đa ối lúc mang thai (nước ối nhiều, trên 2 lít), trẻ nhiều đàm ngay sau sinh (còn gọi là sùi bọt cua).

Dấu hiệu rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh

Trẻ sơ sinh thường bị nôn trớ sữa ngay hoặc sau khi bú

 

Nguyên nhân

1/3 số trường hợp trẻ sơ sinh bị nôn ói có nguyên nhân từ một số dị dạng đường tiêu hóa (teo thực quản, teo tắc ruột, phình đại tràng bẩm sinh). Tình trạng này có tỷ lệ tử vong rất cao nếu điều trị chậm trễ. Ngoài ra, một số nguyên nhân gây nôn ói ở trẻ sơ sinh còn bao gồm:

– Trẻ bú quá no, các cữ bú gần nhau.

– Núm vú cao su có phần lỗ to hoặc nhỏ quá so với miệng trẻ.

– Loại sữa trẻ đang bú không phù hợp.

– Tư thế bế trẻ không đúng.

Cách khắc phục

Bế trẻ đúng cách khi bú giúp khắc phục tình trạng nôn ói. Người mẹ cần bế trẻ đảm bảo đầu và thân trẻ nằm trên cùng một đường thẳng, mặt trẻ đối diện với vú. Mẹ đỡ toàn bộ thân trẻ, để thật sát thân mẹ.

Để trẻ ngậm bắt vú tốt, mẹ nên chạm vú vào môi trẻ và chờ đến khi miệng trẻ mở rộng. Mẹ nên nhanh chóng đưa miệng trẻ vào vú, hướng môi dưới của trẻ ở dưới núm vú. Đồng thời mẹ lưu ý cho trẻ bú ở tư thế đứng.

1.2. Ðau bụng

Biểu hiện

Trẻ bị đau bụng từng cơn kèm khóc ngất, mặt trẻ đỏ hoặc có thể tái. Cơn đau thường xuất hiện đột ngột và có thể kéo dài nhiều giờ. Đồng thời trẻ có biểu hiện bụng chướng, chân co lên bụng, bàn tay nắm chặt.

Nguyên nhân

Trẻ sơ sinh bị đau bụng có thể do đói, bú quá nhiều hoặc nuốt nhiều hơi khi bú. Bên cạnh đó, không loại trừ một số bệnh lý gây đau bụng như: táo bón, đầy hơi, lồng ruột, thoát vị bẹn,…

Cách khắc phục

– Massage bụng cho trẻ, xoa bụng theo vòng tròn. Ngoài ra cũng có thể đặt em bé nằm sấp trên đầu gối của người lớn một lát và xoa lưng nhẹ nhàng nhằm giảm áp lực lên bụng bé.

– Bế trẻ trên tay, bế phía trước hoặc đặt trẻ vào xe đẩy hay nôi, đẩy nhẹ nhàng giúp xoa dịu cơn đau.

– Tắm cho trẻ bằng nước ấm.

– Quấn ủ trẻ trong tấm khăn lớn, có độ dày/mỏng hợp lý, giúp trẻ cảm thấy an toàn.

– Không nên ép trẻ bú quá mức. Giữa các lần bú hoặc ăn của trẻ nên chờ ít nhất 2h đến 2h30.

– Với những trẻ bú bình, phụ huynh hãy lựa chọn các loại bình giữ cho trẻ không nuốt quá nhiều không khí. Nên cho trẻ ngồi khi bú bình.

1.3. Tiêu chảy – Dấu hiệu rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh

Biểu hiện

Trẻ sơ sinh (đặc biệt những trẻ bú mẹ) có thể đi ngoài 5 – 10 lần/ngày, thường sau mỗi cữ bú. Trẻ tăng cân tốt, đi ngoài phân sệt, màu vàng sậm. Ở trường hợp này, trẻ không bị tiêu chảy.

Tiêu chảy ở trẻ sơ sinh là tình trạng trẻ đi ngoài phân lỏng trên 3 lần/ngày, kéo dài không quá 14 ngày. Trẻ kém ăn, mệt mỏi, nôn trớ đột ngột. Một số trẻ có thể bị sốt, chướng bụng, phân có chất nhầy, có máu,…

Tình trạng tiêu chảy kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của trẻ, khiến trẻ bị sụt cân, tăng nguy cơ suy dinh dưỡng. Trẻ cần uống đủ lượng nước cần thiết để bù lại lượng nước đã thải ra. Phụ huynh nên liên hệ với bác sĩ để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời.

Biểu hiện rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh

Tiêu chảy có thể khiến trẻ bị suy dinh dưỡng, thậm chí gây tử vong do tình trạng mất nước nếu không được điều trị kịp thời

 

Nguyên nhân

– Do nhiễm virus Rotavirus; nhiễm khuẩn (Shigella,E.Coli, Campylobacter Jejuni, Salmonella, phẩy khuẩn tả…); ký sinh trùng (Amip, L.Giardia…).

– Trẻ bị dị ứng sữa hoặc bú quá nhiều.

– Hội chứng kém hấp thu cũng là nguyên nhân gây tiêu chảy ở trẻ.

– Mẹ ăn thức ăn nhuận tràng hoặc uống thuốc nhuận tràng có thể khiến trẻ bị tiêu chảy khi bú mẹ.

Cách khắc phục

Sữa mẹ vẫn được trẻ hấp thu rất tốt khi bị tiêu chảy. Do đó, cần tiếp tục cho trẻ bú bình thường và tăng số lần bú. Điều này giúp giảm triệu chứng tiêu chảy và đẩy nhanh tốc độ hồi phục của trẻ. Trường hợp trẻ dùng sữa ngoài, cha mẹ có thể cho trẻ uống loại sữa mà trước đó trẻ vẫn sử dụng nhưng cần ăn từng ít một và ăn nhiều bữa trong ngày. Nên pha sữa loãng hơn (giữ nguyên lượng nước và giảm nửa lượng sữa), cho trẻ ăn ít nhất 3 giờ 1 lần.

1.4. Táo bón

Dấu hiệu nhận biết

Trẻ bị táo bón đi ngoài không thường xuyên, thường 2 đến 3 ngày mới đi 1 lần. Bụng trẻ bị cứng, có cảm giác đau, mót đi ngoài nhưng không đi được. Trẻ đi ngoài phân khô rắn, cứng như sỏi. Tình trạng táo bón khiến trẻ biếng ăn, chậm lớn, hay nôn trớ và quấy khóc.

Cần lưu ý rằng một số trẻ sơ sinh có thể đi ngoài 1 lần/ngày hoặc mỗi 36 – 48 giờ 1 lần. Đồng thời phân không khô, trẻ đi ngoài dễ dàng. Trường hợp này không gọi là táo bón.

Nguyên nhân

– Trẻ không bú đủ lượng sữa cần thiết tương ứng với giai đoạn phát triển cụ thể của trẻ.

– Trẻ uống các loại sữa có nhiều chất béo hoặc nhiều protein.

– Sữa được pha quá đặc.

– Trẻ ăn ít chất xơ trong thực đơn ăn dặm.

Các trường hợp trẻ có nguy cơ táo bón bao gồm:

– Trẻ sinh non, sinh ngạt, bị nứt hậu môn, suy giáp.

– Mẹ có tiền sử sản giật, đồng thời hạ magie trong máu.

– Trẻ dùng thuốc và gặp phải tác dụng phụ.

– Trẻ mắc bệnh phình đại tràng bẩm sinh khiến trẻ không đi ngoài phân su trong 48 giờ đầu sau sinh. Thời gian sau đó, trẻ bị táo bón kéo dài kèm chướng bụng.

Cách khắc phục

Điều trị táo bón ở trẻ sơ sinh phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Trong đó, bước quan trọng nhất chính là điều chỉnh chế độ ăn cho trẻ:

– Cho trẻ uống đủ lượng nước cần thiết trong ngày.

– Bổ sung rau xanh và quả chín và thực đơn ăn dặm của trẻ. Cha mẹ nên chọn các loại rau quả có tính chất nhuận tràng như: khoai lang, mồng tơi, chuối tiêu, đu đủ, cam, bưởi,…

– Cho trẻ dùng các loại sữa không gây táo bón, pha sữa đúng liều lượng. Với trẻ đã bắt đầu ăn dặm, phụ huynh có thể pha sữa với nước cháo loãng hoặc nước bột khoai lang nghiền để bổ sung chất xơ.

– Với những trẻ lớn, không cho trẻ ăn các loại hoa quả có vị chát (hồng, ổi…), bánh kẹo, nước ngọt có ga, cà phê…

– Người mẹ đang nuôi con bú nếu bị táo bón cần điều chỉnh chế độ ăn kịp thời.

– Cha mẹ cần massage bụng cho trẻ nhỏ hoặc tăng cường vận động cho trẻ lớn.

– Xây dựng cho trẻ thói quen đi ngoài đúng giờ cũng là cách khắc phục tình trạng táo bón.

1.5. Bú kém

Biểu hiện

Trẻ bú ít hơn 1 nửa thế tích so với bình thường được gọi là bú kém. Nhu cầu dinh dưỡng của từng bé là khác nhau, nhưng nhìn chung bé cần bú từ 8 – 12 lần mỗi ngày, mỗi lần cách nhau 2 giờ (nếu bú mẹ) hoặc 3 giờ (nếu uống sữa công thức). Trẻ sơ sinh bú trung bình khoảng 5 – 7ml sữa/lần. Sau 2 tuần đầu, trung bình trẻ có thể bú từ 60 – 90ml sữa/lần. Khoảng 1 – 6 tháng tuổi, trẻ có thể bú khoảng 90 – 150ml sữa/lần do dạ dày mở rộng và trẻ đã quen dần với việc bú mẹ.

Cha mẹ không nên để tình trạng trẻ bú ít kéo dài. Lý do là bởi điều này có thể ảnh hưởng xấu đến vấn đề cân nặng cũng như sự phát triển của trẻ.

Nguyên nhân

– Trẻ gặp các vấn đề về sức khỏe ảnh hưởng đến việc bú sữa như: đau họng, nhiệt miệng, có đờm, ngạt mũi, viêm tai, mọc răng,…

– Sữa mẹ có mùi vị lạ hoặc ít sữa hơn bình thường.

– Mẹ ít cho trẻ bú.

– Mẹ cho trẻ bú ở tư thế không đúng.

– Do tác dụng phụ của các loại thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh.

– Một số bệnh lý thần kinh trung ương, suy giáp, nhiễm trùng.

Cách khắc phục

Cha mẹ cần theo dõi, kiểm tra và có biện pháp điều trị kịp thời ngay khi trẻ có những biển hiện khó chịu.

Trẻ bú mẹ cần được chú ý những yếu tố sau để cải thiện tình trạng bú kém:

– Cải thiện chế độ dinh dưỡng của mẹ, đảm bảo đầy đủ 4 nhóm dưỡng chất (đạm, đường, béo, vitamin và khoáng chất). Người mẹ nên tăng khẩu phần ăn và ăn đa dạng các loại thực phẩm để đủ dinh dưỡng và năng lượng cho cả mẹ và bé. Ngoài ra, mẹ cũng nên hạn chế các thực phẩm chiên rán và thức ăn có mùi nồng.

– Tập thói quen bú cho trẻ: Chia nhỏ nhiều cữ bú trong ngày, cho bé bú trực tiếp, mỗi cữ cách nhau khoảng 3 giờ. Mẹ không nên để bé quá đói rồi mới cho bú. Đồng thời không nên cố ép bé bú thêm khi đã bú đủ, tránh gây nôn trớ.

– Cho trẻ bú đúng tư thế, vừa tạo cảm giác thoải mái cho bé, vừa giúp sữa mẹ ra đều hơn.

Trong khi đó, trẻ bú sữa công thức cần được lưu ý những vấn đề sau:

– Chọn các loại sữa phù hợp với khẩu bị của trẻ, đồng thời đảm bảo chất lượng, đầy đủ thành phần dinh dưỡng cần thiết.

– Chọn bình bú có chất liệu an toàn, kích cỡ đầu vú phù hợp với trẻ.

– Luôn chú ý liều lượng bú và khoảng cách giữa các cữ bú của trẻ để điều chỉnh phù hợp.

Phòng ngừa rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh

Gia đình cần chú ý lượng sữa hợp lý và xây dựng thói quen bú khoa học cho trẻ để tránh tình trạng rối loạn tiêu hóa

 

1.6. Chậm tăng cân – Dấu hiệu rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh

Biểu hiện

Bên cạnh cân nặng tăng chậm dưới mức trung bình, trẻ còn có biểu hiện mệt mỏi, uể oải. Trường hợp nặng, trẻ còn có thể có biểu hiện mất nước, da khô, thóp lõm.

Tình trạng chậm tăng cân nếu không được kiểm soát có thể gây ra các tác động tiêu cực như: suy dinh dưỡng, vấn đề tim mạch, cấu trúc cơ yếu, suy giảm miễn dịch,…

Nguyên nhân

– Các vấn đề liên quan đến việc bú sữa của trẻ: Trẻ ngậm vú mẹ không đúng cách hoặc thời gian bú không hợp lý.

– Nguồn sữa mẹ ít, không đủ cho trẻ.

– Trẻ đang gặp các vấn đề về sức khỏe: Trường hợp này trẻ cần được thăm khám kịp thời để tìm ra nguyên nhân chính xác.

Sau đây là các trường hợp trẻ có nguy cơ chậm tăng cân:

– Trẻ sinh non trước 37 tuần có thể không đủ năng lượng để bú mẹ.

– Trẻ sơ sinh mắc bệnh vàng da, khiến trẻ buồn ngủ, lười bú.

– Trẻ bị trào ngược dạ dày, thường xuyên nôn trớ sau khi bú: Acid dạ dày có thể gây kích thích cổ họng và thực quản, khiến trẻ gặp khó khăn khi bú.

– Một số bệnh lý như: bệnh tim, thiếu máu, hội chứng Down, vấn đề thần kinh (như bệnh bại não), rối loạn chuyển hóa, rối loạn nội tiết (như thiếu hụt hormone tăng trưởng),…

Biện pháp khắc phục

Cha mẹ cần kiểm tra cân nặng định kỳ cho trẻ sơ sinh. Đồng thời cần theo dõi thói quen bú của trẻ, phân, nước tiểu và ghi chú lại. Khi trẻ gặp tình trạng chậm tăng cân, phụ huynh cần điều chỉnh tư thế bế trẻ bú đúng, cho trẻ bú đủ. Cha mẹ nên đưa trẻ gặp bác sĩ để xác định nguyên nhân cụ thể gây chậm tăng cân, từ đó có hướng xử trí hiệu quả.

1.7. Béo phì

Biểu hiện

Trẻ sơ sinh có cân nặng cao hơn 85% so với cân nặng tiêu chuẩn sẽ có nguy cơ bị béo phì. Trường hợp cân nặng của trẻ cao hơn từ 85 – 95% so với cân nặng tiêu chuẩn được xem là béo phì.

Nguyên nhân

Nguyên nhân phổ biến gây béo phì ở trẻ là do bổ sung quá mức các thực phẩm giàu chất béo. Cần lưu ý rằng chất béo đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ sơ sinh. Do đó, gia đình cần cung cấp hợp lý lượng chất béo vừa đủ để đảm bảo trẻ tăng trưởng khỏe mạnh.

Trẻ bú sữa bột thường có nguy cơ bị béo phì cao nếu bú nhiều, sữa pha đặc quá gây dư chất béo và đường. Béo phì giai đoạn sơ sinh có thể kéo dài đến giai đoạn trẻ lớn.

Triệu chứng rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh

Béo phì làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý cho trẻ sơ sinh, thường kéo dài tiếp tục đến giai đoạn trẻ lớn

 

Cách khắc phục

– Theo dõi cân nặng của trẻ trong thai kỳ và sau khi sinh để kịp thời xử trí khi trẻ tăng cân quá mức.

– Cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ là một trong những giải pháp hiệu quả giảm nguy cơ béo phì.

– Khi thấy trẻ khóc, gia đình không nên dỗ trẻ và làm dịu cơn khóc bằng cách cho trẻ bú sữa. Thay vào đó, hãy thử đổi vị trí, giảm tiếng ồn xung quanh và massage nhẹ nhàng cho trẻ.

 

2. Cần làm gì để phòng ngừa rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh

Để phòng tránh tình trạng rối loạn tiêu hóa cho trẻ, gia đình cần lưu ý một số vấn đề như sau:

– Trong quá trình mang thai, người mẹ cần ăn uống đầy đủ và đa dạng, tránh tiếp xúc với khói thuốc lá.

– Cho trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời giúp nâng cao khả năng miễn dịch cho trẻ, giảm nguy cơ rối loạn tiêu hóa.

– Trẻ uống sữa công thức cần hạn chế sữa động vật và được lactose. Cha mẹ nên chọn loại sữa có nhiều chất xơ, tránh đổi sữa liên tục.

– Người mẹ đang cho con bú cần duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và khoa học: Đa dạng, đầy đủ dưỡng chất, giàu vitamin, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

– Không để trẻ bú quá no, tập thói quen ăn uống và đi ngoài đúng giờ cho trẻ.

– Giữ vệ sinh thân thể cho trẻ cũng như vệ sinh môi trường xung quanh.

– Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho trẻ dùng thuốc, tuyệt đối không tùy tiện mua thuốc và sử dụng.

– Tiêm phòng đầy đủ cho trẻ giúp phòng tránh những vấn đề về tiêu hóa cũng như các bệnh lý khác.

 

3. Lời kết

Rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh không chỉ khiến trẻ gặp phải các triệu chứng khó chịu mà còn có thể dẫn đến suy dinh dưỡng thậm chí tử vong. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do tư thế bú không đúng hoặc trẻ gặp một số vấn đề bệnh lý như kém hấp thu, nhiễm trùng tiêu hóa, dị tật bẩm sinh,… Gia đình cần chú ý theo dõi và xử trí kịp thời, đúng cách khi trẻ có biểu hiện rối loạn tiêu hóa, từ đó ngăn chặn kịp thời các biến chứng nguy hiểm.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top