✴️ Xét nghiệm Procalcitonin là gì và khi nào cần thực hiện?

1. Xét nghiệm Procalcitonin là gì?

Procalcitonin (PCT) là tiền chất của hormone calcitonin của tuyến giáp (chuỗi dài 116 acid amin). Chất này được sản xuất bởi tế bào C của tuyến giáp, ở người bình thường nồng độ Procalcitonin trong máu duy trì ở mức thấp. Song một số loại tế bào khác trong cơ thể cũng có thể sản sinh Procalcitonin khi chúng bị tổn thương nặng, đặc biệt là do nhiễm khuẩn. Vì thế Procalcitonin được đánh giá là một loại marker đặc hiệu trong chẩn đoán nhiễm khuẩn và nhiễm khuẩn huyết. 

Thông thường khi cơ thể nhiễm khuẩn nặng, các tế bào tăng tổng hợp Procalcitonin và thường giải phóng từ gan. Thời gian đáp ứng tăng Procalcitonin là khoảng 2 giờ sau nhiễm khuẩn, trong huyết tương, thời gian bán hủy của Procalcitonin là từ 19 - 24 giờ. 

Vì thế, xét nghiệm định lượng Procalcitonin có giá trị trong chẩn đoán nhiễm khuẩn, hỗ trợ điều trị và đánh giá tiên lượng bệnh. Khi nhiễm khuẩn tiến triển thành nhiễm khuẩn huyết toàn thân, sốc nhiễm khuẩn, Procalcitonin sẽ tăng cao đột biến. Khi tình trạng nhiễm khuẩn thuyên giảm, nồng độ Procalcitonin sẽ trở lại mức bình thường sau khoảng 2 - 3 ngày. 

Ngoài ra, xét nghiệm Procalcitonin còn được còn dùng để phân biệt viêm do nhiễm khuẩn và viêm không do nhiễm khuẩn, từ đó lựa chọn phương pháp điều trị bằng kháng sinh hay không. Mục đích này rất quan trọng bởi nếu lạm dụng kháng sinh cho bệnh lý không do nhiễm khuẩn sẽ gây tình trạng kháng thuốc, nếu bỏ sót bệnh lý nhiễm khuẩn sẽ gây đến hậu quả nghiêm trọng.

2. Khi nào cần xét nghiệm Procalcitonin?

Hiện nay, xét nghiệm Procalcitonin được thực hiện trong các trường hợp sau:

  • Chẩn đoán phân biệt các bệnh viêm do nhiễm khuẩn hoặc không do nhiễm khuẩn.
  • Theo dõi tình trạng nhiễm khuẩn, phát hiện sớm và phòng ngừa biến chứng của nhiễm khuẩn nặng, đặc biệt là nhiễm trùng máu.
  • Tiên lượng cho các bệnh viêm nặng như hội chứng suy đa tạng, hội chứng đáp ứng viêm toàn thân, viêm phúc mạc,…
  • Chẩn đoán và theo dõi diễn biến nhiễm khuẩn thường gặp ở trẻ như viêm phổi, nhiễm trùng đường tiết niệu,…
  • Đánh giá hiệu quả kháng sinh và lựa chọn liệu trình điều trị bằng kháng sinh phù hợp.

Ngoài ra, các trường hợp chấn thương, tổn thương không do nhiễm khuẩn nhưng để phòng ngừa chẩn đoán nhiễm khuẩn thứ cấp, xét nghiệm định lượng Procalcitonin cũng được thực hiện. Các triệu chứng nhiễm khuẩn nghi ngờ gồm:

  • Viêm, sưng mủ tại vị trí tổn thương (với tổn thương ngoài).
  • Sốt, ớn lạnh.
  • Đổ mồ hôi.
  • Cảm giác đau nhức dữ dội tại cơ quan hoặc vùng viêm.
  • Khó thở.
  • Nhịp tim đập loạn.
  • Tinh thần lơ mơ, mất tỉnh táo.
  • Huyết áp thấp.
  • Tiểu ít.

Khi nào cần xét nghiệm Procalcitonin

3. Ý nghĩa kết quả xét nghiệm Procalcitonin và yếu tố ảnh hưởng

Kết quả xét nghiệm định lượng Procalcitonin có giá trị bổ sung, không phải là cơ sở để chẩn đoán và điều trị bệnh.

3.1. Ý nghĩa kết quả xét nghiệm Procalcitonin

Giá trị tiêu chuẩn của hàm lượng Procalcitonin:

  • Trẻ sau sinh dưới 72 giờ: < 2,0 ng/ml.
  • Trẻ từ 18 - 30 giờ sau sinh: < 20 ng/ml.
  • Trẻ sau sinh 72 giờ: 0,15 ng/ml.
  • Người lớn: 0,15 ng/ml.

Chỉ số xét nghiệm Procalcitonin càng cao phản ánh mức độ nhiễm khuẩn càng nghiêm trọng như sau:

  • Procalcitonin < 0.05 ng/ml: không có nhiễm khuẩn.
  • Procalcitonin từ 0.05 - 0.5 ng/ml: Có thể bị nhiễm trùng nhẹ, là nhiễm trùng khu trú như nhiễm trùng đường hô hấp,… Cần làm thêm xét nghiệm khác để chẩn đoán như xét nghiệm công thức máu toàn phần, xét nghiệm cấy nước tiểu, cấy máu, xét nghiệm lactate, phân tích dịch não tủy,…
  • Procalcitonin từ 0,5 - 2 ng/ml: Có thể bị nhiễm trùng toàn thân hoặc nhiễm trùng khu trú, không chắc chắn bị nhiễm trùng huyết.
  • Procalcitonin từ 2 - 10 ng/ml: Khả năng cao bị nhiễm khuẩn huyết hoặc viêm màng não nhưng chưa tiến triển đến suy đa tạng.
  • Procalcitonin > 10 ng/ml: Nhiễm khuẩn huyết kèm theo sốc nhiễm trùng nghiêm trọng, tình trạng suy đa tạng có thể khiến bệnh nhân tử vong.

Ở bệnh nhân đang điều trị nhiễm trùng, nếu kết quả xét nghiệm Procalcitonin ổn định hoặc tăng lên nghĩa là mức độ nhiễm trùng chưa được khắc phục tốt, cần tiếp tục điều trị và có thể xem xét tăng liều kháng sinh.

3.2. Yếu tố ảnh hưởng khiến Procalcitonin trong máu tăng

Ngoài nhiễm khuẩn, một số yếu tố tác động khiến nồng độ Procalcitonin tăng gây ra kết quả chẩn đoán có thể sai như:

  • Sử dụng một số loại thuốc gây sốc không do nhiễm trùng.
  • Bệnh nhân ung thư, đặc biệt là ở bệnh ung thư biểu mô tế bào C tủy ở tuyến giáp hoặc ung thư phổi tế bào nhỏ.
  • Chấn thương, người vừa trải qua phẫu thuật lớn hoặc bỏng nặng.
  • Bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối không được điều trị.
  • Cơ thể có kháng thể heterophile gây kết quả dương tính giả.
  • Một số trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có mức Procalcitonin trong máu cao không rõ nguyên nhân.

Cần xem xét và loại trừ các yếu tố ảnh hưởng này đến kết quả xét nghiệm Procalcitonin để có đánh giá tình trạng bệnh chính xác.

3.3. Yếu tố ảnh hưởng khiến nồng độ Procalcitonin trong máu giảm

Kết quả xét nghiệm Procalcitonin có thể không đánh giá chính xác tình trạng bệnh nếu:

  • Xét nghiệm được thực hiện quá sớm trong quá trình tiến triển bệnh do sau nhiễm khuẩn, kể cả nhiễm khuẩn huyết thì Procalcitonin trong máu chỉ tăng lên sau vài giờ hoặc muộn hơn là sau vài ngày.
  • Bệnh nhân chưa trải qua điều trị nhưng vẫn có triệu chứng và Procalcitonin trong máu thấp thì nguyên nhân gây bệnh có thể do virus, cần chẩn đoán cẩn thận các trường hợp nghi ngờ nhiễm đồng thời virus và vi khuẩn.

Trong điều trị nhiễm trùng, nếu mức Procalcitonin giảm ổn định cho thấy bệnh nhân đang đáp ứng tốt với phương pháp điều trị, có thể xem xét giảm liều dùng kháng sinh. Thời gian giảm là thời gian bán hủy của chất này trong huyết tương, khoảng từ 24 - 35 giờ. 

Xét nghiệm Procalcitonin phân tích và định lượng hàm lượng chất này trong mẫu máu của người bệnh, không yêu cầu sự chuẩn bị đặc biệt nào. Quá trình lấy máu thông thường không gây ra đau đớn đáng kể nào, bạn chỉ thường bị hơi đau, chảy máu hoặc bầm tím tại vị trí kim. Hãy lựa chọn thực hiện xét nghiệm này tại các bệnh viện uy tín, đảm bảo kết quả chính xác và chẩn đoán điều trị bệnh hiệu quả.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top