✴️ Trẻ bị tiêu chảy ăn uống chú ý gì

1. Nguyên tắc chung trong chế độ dinh dưỡng cho bé bị tiêu chảy

– Trẻ bú mẹ vẫn cho bú bình thường và tăng thêm số lần bú.

– Trẻ không bú mẹ cho ăn sữa công thức cần tăng số lần ăn trong ngày dựa theo nhu cầu của trẻ.

– Đối với trẻ đã ăn bổ sung: Không kiêng khem quá mức. Cung cấp đầy đủ các thành phần dinh dưỡng trong khẩu phần ăn của trẻ. Bao gồm tinh bột, protein, chất béo, vitamin và khoáng chất. Cho trẻ ăn nhiều bữa trong ngày (6-8 bữa/ngày). Các món nên chế biến mềm, lỏng, dễ tiêu.

– Khi trẻ đỡ tiêu chảy thì chuyển dần sang chế độ ăn bình thường.

– Bù nước cho trẻ để phòng tránh mất nước.

2. Bé bị tiêu chảy nên ăn gì?

Bé bị tiêu chảy nên ăn các loại thực phẩm sau: Gạo, bột gạo, khoai tây, cà rốt, thịt gà, thịt lợn nạc, dầu thực vật, sữa chua, chuối, hồng xiêm, ổi chín, táo tây… là các loại thực phẩm tốt cho bé bị tiêu chảy.

– Gạo

Vì gạo chứa nhiều tinh bột nên dễ tiêu hóa và được áp dụng rất phổ biến. Không những thế, gạo còn thúc đẩy tiêu hóa những thực phẩm khác tốt hơn trong bữa ăn của trẻ. Các mẹ có thể dùng gạo để nấu bột, nấu cháo, nấu cơm hoặc rang lên đun lấy nước uống bù dịch cho trẻ.

– Bánh mì nướng bơ

Mẹ có thể sử dụng bơ ít béo để nướng bánh mì. Bơ sẽ tạo ra hương vị cực thơm ngon kích thích sự thèm ăn. Đặc biệt, món ăn này cũng tốt cho sức khỏe và hỗ trợ tiêu hóa của bé. Trong bánh mì có lượng chất xơ không quá nhiều, cần thiết với những bé bị tiêu chảy.

– Khoai tây

Khoai tây vừa bổ sung nguồn tinh bột, vừa bổ sung một lượng lớn chất xơ hòa tan cho bé bị tiêu chảy. Hơn nữa, chúng giàu kali và an toàn với hệ đường ruột non nớt của bé. Các món ăn từ khoai tây rất dễ chế biến. Có thể kể tới như khoai tây luộc, khoai tây nướng, súp khoai tây, canh khoai tây… đều rất tốt cho bé.

– Các loại thịt

Trẻ bị tiêu chảy cần cung cấp lượng protein cần thiết để phục hồi cơ thể. Do vậy cha mẹ nên bổ sung đầy đủ protein trong khẩu phần ăn của trẻ từ các thực phẩm từ thịt như thịt gà, thịt lợn nạc, thịt bò. Các món thịt nên được ninh nhừ hoặc luộc hấp thay vì chiên rán. Bởi vì dầu mỡ khi chiên lên lại gây khó khăn cho hệ tiêu hóa của bé.

– Sữa chua

Sữa chua là nguồn bổ sung men vi sinh tự nhiên tốt nhất cho bé trong thời gian bé bị tiêu chảy. Những vi khuẩn có lợi từ sữa chua sẽ giúp cải thiện đáng kể chứng rối loạn đường ruột cũng như thúc đẩy cân bằng hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Nếu bé không bị dị ứng với sữa, bổ sung sữa chua cho bữa ăn hàng ngày của trẻ sẽ hỗ trợ đường ruột của con nhanh phục hồi.

– Chuối

Chuối có chứa một lượng lớn kali nên sẽ giúp cung cấp điện giải cho trẻ bị thiếu hụt do mất đi qua phân tiêu chảy. Trong chuối còn có chất xơ pectin là loại chất xơ hòa tan, có thể hấp thu các chất lỏng đang dư thừa trong ruột trẻ. Một loại chất xơ khác là inulin cũng có trong chuối với số lượng lớn chính là một loại probiotic. Nó giúp khôi phục lại những vi khuẩn có ích đường tiêu hóa. Chính vì vậy, chuối được xem là đáp án cho câu hỏi “bé bị tiêu chảy nên ăn gì?” của cha mẹ.

– Hồng xiêm

Ăn hồng xiêm được xem là một trong những cách trị tiêu chảy hiệu quả. Quả hồng xiêm giàu canxi, photpho, các vitamin và khoáng chất. Cho trẻ ăn hồng xiêm chín vừa bổ sung lượng vitamin khoáng chất cần thiết, vừa kích thích tiêu hóa cho trẻ. Hồng xiêm còn chứa tannin và polyphenolic – các chất có lợi cho đường tiêu hóa. Ăn hồng xiêm sẽ giúp loại bỏ các chất thải từ dạ dày, làm sạch dạ dày, giảm tiêu chảy.

– Quả ổi

Tương tự như hồng xiêm, quả ổi có chứa một lượng tanin nhất định giúp hạn chế tình trạng đi ngoài của trẻ. Ngoài ra, trái ổi còn bổ sung lượng vitamin C dồi dào và chất chống oxy hóa giúp tăng cường miễn dịch. Còn chần chừ gì nữa mà không đưa ngay loại quả này vào thực đơn của con em mình.

– Táo

Hàm lượng chất xơ hòa tan pectin trong táo giúp ích rất nhiều cho người bị tiêu chảy. Tuy nhiên, táo khi ăn sống còn cung cấp nhiều loại chất xơ khác nên sẽ khiến hệ tiêu hóa còn yếu phải hoạt động nhiều hơn để tiêu hóa hết lượng chất xơ dồi dào trong loại trái cây này.

Vì vậy, táo đã nấu chín không chỉ dễ tiêu hơn mà còn cung cấp rất nhiều lợi ích từ pectin, các dưỡng chất và lượng đường tự nhiên có trong táo. Dùng từ 2 đến 3 quả táo đã được nấu chín thành các món ăn ngon miệng mỗi ngày sẽ làm giảm đáng kể những triệu chứng của bệnh này.

 

3. Bé bị tiêu chảy không nên ăn gì?

Vừa rồi chúng ta đã cùng đi tìm đáp án cho câu hỏi bé bị tiêu chảy nên ăn gì, vậy trẻ bị tiêu chảy KHÔNG nên ăn gì? Điều này còn tùy thuộc vào nguyên nhân tiêu chảy. Nói chung, cha mẹ nên tránh các loại thực phẩm làm cho các triệu chứng của trẻ tồi tệ hơn. Các thực phẩm nên tránh bao gồm:

– Thực phẩm chiên xào rán

Do dầu chất béo khi chiên rán khó tiêu hơn và có thể làm nặng thêm tình trạng tiêu chảy.

– Thực phẩm có đường và chất ngọt nhân tạo

Các loại đường đi vào đại tràng có thể làm gián đoạn các vi khuẩn đã nhạy cảm ở đó, làm tăng thẩm thấu nước gây tiêu chảy thêm.

Trẻ bị tiêu chảy cũng nên tránh chất làm ngọt nhân tạo. Vì một số có thể có tác dụng nhuận tràng. Bánh kẹo, mứt, siro, nước ngọt… không nên dùng trong thời gian trẻ bị tiêu chảy.

– Tránh quá nhiều chất xơ

Thông thường, chất xơ giúp giữ cho hệ tiêu hóa hoạt động, tránh táo bón. Nhưng khi cơ thể đang cố gắng để phục hồi từ tiêu chảy, nên hạn chế chất xơ trong khẩu phần của bé.

– Không uống đồ uống có ga

Không cho trẻ uống đồ uống có ga hay nước giải khát công nghiệp. Vì chúng sẽ khiến trẻ bị đầy hơi khó chịu, dễ bị no bụng nên ăn uống kém hơn.

– Thực phẩm tái sống

Tuyệt đối không cho bé bị tiêu chảy ăn rau sống, tiết canh, gỏi cá, nem chạo, nem chua, mắm tôm, mắm tép… Không cho trẻ uống nước lã vì chúng có thể mang mầm bệnh gây tiêu chảy kéo dài thêm.

– Một số thực phẩm khác mà các bé bị tiêu chảy cần tránh

Tránh ăn các loại thực phẩm khác có thể gây kích ứng ruột trong khi bé  bị tiêu chảy bao gồm:

  • Hành tây, tỏi, thức ăn cay
  • Thực phẩm được chế biến đóng gói sẵn
  • Thực phẩm sản sinh ra khí trong ruột, gây đầy hơi như cải bắp, bông cải xanh và súp lơ…
  • Trái cây họ cam quýt
  • Sản phẩm chế biến từ sữa nếu dị ứng

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top