Tiêu chảy có thể gây suy dinh dưỡng nặng
Khi trẻ bị tiêu chảy, các tác nhân gây bệnh hoặc độc tố của chúng gây nên sự tổn thương niêm mạc thành ruột, khiến men tiêu hoá đường lactose bị mất đi, và hậu quả là đường lactose không tiêu hoá được tích luỹ trong lòng ruột, tiếp tục gây tiêu chảy, làm tình hình càng tồi tệ hơn.
Thống kê cho thấy 50% -70% trẻ tiêu chảy nặng nhập viện có biểu hiện không dung nạp lactose.
Lactose là đường chủ yếu có trong sữa mẹ và các sữa công thức. Lactose là nguồn cung cấp đường glucose cho sự hoạt động của não và cơ thể, làm phân mềm, tạo sự vượt trội của các Bifidus và Lactobacillus là những vi khuẩn có lợi, giúp phát triển hệ miễn dịch và tiêu hoá trong cơ thể trẻ. Men lactase ở màng ruột là men tiêu hoá biến đường lactose trở thành đường glucose.
Khi trẻ bị tiêu chảy cấp, màng ruột bị tổn thương bởi vi khuẩn, virút hoặc độc tố của chúng làm thiếu men lactase. Do thiếu men lactase làm đường lactose không tiêu hoá được trong ruột gây bất dung nạp lactose. Đường lactose không được tiêu hoá sẽ ứ đọng lại trong ruột, hút nước làm tiêu chảy tăng thêm và kéo dài. Trường hợp này gọi là thiếu lactase thứ phát, khác với thiếu men lactase tiên phát thường xuất hiện ngay sau khi trẻ sinh và rất hiếm gặp (chỉ 1 trong số 1.000 trẻ).
Không dung nạp lactose thứ phát thường kéo dài trong 1-2 tuần, nhất là ở trẻ bị tiêu chảy kéo dài. Hậu quả là trẻ bị suy dinh dưỡng nặng, kém ăn cộng thêm tập quán kiêng ăn làm chậm hồi phục niêm mạc ruột.
Không dung nạp lactose có thể gặp trong những trường hợp tiêu chảy nhiễm vi khuẩn, virút, đặc biệt tiêu chảy do Rota-virút, dị ứng sữa bò… là những bệnh lý rất thường xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi.
Có thể bạn quan tâm:
Chế độ ăn cho bé bị tiêu chảy
Tiêu chảy cấp: Hiểm họa cho trẻ nhỏ
Phòng tránh các tác nhân gây tiêu chảy trong mùa hè
Làm gì khi trẻ không dung nạp lactose?
Vì những hậu quả của tiêu chảy do không dung nạp đường lactose, các bà mẹ cần phải biết cách nuôi trẻ.
Đối với trẻ bú mẹ, dù trẻ bị tiêu chảy, các bà mẹ vẫn phải tiếp tục cho trẻ bú, không được kiêng ăn cho trẻ. Tập quán kiêng ăn, giảm ăn là nguy cơ gây tiêu chảy kéo dài và suy dinh dưỡng cho trẻ. Sữa mẹ là thức ăn thích hợp sau khi điều trị bằng dung dịch oresol cho trẻ không dung nạp lactose, vì lactose trong sữa mẹ vẫn được hệ tiêu hoá hấp thu khi thiếu men lactasa ruột.
Sữa mẹ có đầy đủ các dưỡng chất giúp trẻ nhanh phục hồi khi bị tiêu chảy. Các yếu tố miễn dịch phong phú trong sữa mẹ giúp tăng cường bảo vệ miễn dịch, bao gồm cả miễn dịch niêm mạc ruột. Các nucleotides có trong sữa mẹ cũng có tác dụng giúp tái tạo niêm mạc ruột tổn thương trong nhiễm trùng. Theo các chuyên gia, trẻ bú mẹ khi bị tiêu chảy có số lần đi ngoài giảm hơn so với các trẻ tiếp tục bú sữa bò thông thường.
Khi trẻ đang ăn dặm bị tiêu chảy, cần phải tiếp tục chế độ thức ăn bổ sung bình thường với các thành phần dễ tiêu hoá như cháo gạo, bột gạo, thịt nạc, sữa chua.
Nếu trẻ đang bú sữa công thức thông thường, hoặc trong trường hợp trẻ nhỏ dưới 3 tháng, bị tiêu chảy kéo dài, hoặc trẻ có biểu hiện suy dinh dưỡng, có thể dùng các loại sữa không có đường lactose. Thành phần đường có thể là maltodextrin hoặc hỗn hợp đường có áp lực thẩm thấu thấp. Các thành phần đường này đã được chứng minh trên lâm sàng, giúp trẻ tăng cân tốt hơn và phục hồi đường ruột nhanh hơn.
Khi nào nên đi khám bác sĩ?
Cuối cùng, điều đầu tiên các bà mẹ cần nhớ khi trẻ bị tiêu chảy là cần phải đưa trẻ tới cơ sở khám bệnh để trẻ được điều trị và được bác sĩ tư vấn kịp thời.
Nhập viện muộn là một lý do khiến trẻ mắc chứng không dung nạp lactose thứ phát. Do vậy, phòng ngừa là rất quan trọng. Tuy nhiên, khi trẻ đã bị hiện tượng không dung nạp đường lactose, giải pháp dinh dưỡng tối ưu với lựa chọn sữa hợp lý sẽ giúp trẻ nhanh chóng hồi phục.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh