Sốt là hiện tượng cơ thể thân nhiệt sẽ tăng cao hơn so với bình thường. Việc trẻ sốt không rõ nguyên nhân sẽ khiến bố mẹ ít nhiều lo lắng vì chưa xác định được nguyên nhân rõ ràng. Khi xác định rõ nguyên nhân và có hướng xử lý kịp thời sẽ giúp phụ huynh chăm sóc con yêu đúng cách và nhanh khỏi bệnh hơn.
Cha mẹ chỉ nên cho con uống thuốc hạ sốt khi nhiệt độ cơ thể con lên đến 38.5 – 39 độ C. Lúc này, bé thường mệt mỏi, biếng ăn, hay cáu gắt và quấy khóc.
Sốt là cách cơ thể bé chống lại sự nhiễm trùng (vi trùng, kí sinh trùng,…). Cũng có những trường hợp con sốt không do nhiễm trùng như sau tiêm phòng, mọc răng hoặc không rõ nguyên nhân.
Nhiệt độ khi sốt cao hay thấp không phản ánh đến mức độ bệnh nặng hay nhẹ. Đôi khi sốt cao không hẳn đã là bệnh bé nặng.
Tuy nhiên, khi con sốt ≥ 39 độ C, bé thường mệt mỏi, quấy khóc. Khi sốt > 41 độ C, cơ thể của con sẽ có dấu hiệu co giật, tổn thương não cực kì nguy hiểm.
Dưới đây là một vài nguyên nhân chính khiến bé bị sốt cha mẹ cần nắm rõ để có phương pháp điều trị hiệu quả nhất:
– Sốt do mặc quá ấm: Phụ huynh thường mặc cho con nhiều lớp quần áo vì nghĩ con rét, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Thói quen này dễ khiến bé bị sốt do cơ thể trẻ sơ sinh chưa có khả năng điều nhiệt hoàn thiện.
– Sốt do tiêm chủng: Sau khi trẻ tiêm phòng các bệnh như uốn ván, sởi, ho gà,… thường có dấu hiệu bị sốt.
– Sốt do mọc răng: Khi sắp mọc răng, con sẽ khóc nhiều, biếng ăn kèm theo sốt nhẹ trong khoảng thời gian ngắn. Sau khi mọc răng mới trẻ cũng thường bị sốt.
– Sốt do cảm nắng: Thời tiết nóng nực là một trong những nguyên nhân phổ biến gây sốt ở trẻ nhỏ và người lớn.
– Sốt do cảm cúm: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất. Bé sẽ đi kèm các biểu hiện như ho, sổ mũi, nghẹt mũi, đau họng kèm với sốt trong 2-3 ngày.
– Sốt do viêm tai: Bé sốt cao kèm theo dấu hiện như biếng ăn, đau tai, chảy mủ, nghe không rõ. Những bé chưa nói được sẽ có các biểu hiện rõ rệt: kéo tai, ngoáy tay vào tai.
– Sốt xuất huyết: Trẻ có các dấu hiệu sốt xuất huyết như: các chấm xuất huyết ở da, chảy máu mũi, máu chân. Trẻ bị sốt cao trong 3 ngày; nặng hơn bé sẽ đi ngoài ra phân đen, đau bụng, chân tay lạnh, cơ thể mệt mỏi.
– Sốt do sởi: Hiện tượng sốt cao đi kèm các dấu hiệu khác như sổ mũi, ho nhiều, mắt đỏ. Từ ngày thứ tư, da bé xuất hiện vết ban sởi, đặc biệt ở mặt.
– Sốt do viêm phổi: Con thường sốt cao, thở khò khè, ho, nôn, bỏ ăn bỏ bú. Nếu nặng hơn, môi và chân bé sẽ tím tái lại
– Sốt phát ban: Sốt đi kèm với phát ban khắp cơ thể, bé sẽ khỏi sau 3-7 ngày.
– Sốt do viêm màng não: Dấu hiệu sốt viêm màng não mủ thường đi kèm cổ cứng, thóp phồng, nôn mửa, mệt mỏi, con ngủ li bì và nhạy cảm với ánh nắng.
– Sốt do nhiễm trùng máu: Con sốt cao liên tục, nhiễm trùng, nôn mửa, thở nhanh, bỏ ăn, có thể phát ban…
Theo các bác sĩ chuyên khoa nhi, khi trẻ sốt, bố mẹ có thể hạ sốt cho bé tại nhà bằng một số biện pháp dưới đây. Tuy nhiên khi bé sốt quá cao và cơ thể có dấu hiệu bất thường thì cần đưa đi khám bác sĩ gấp.
– Uống nhiều nước: giúp con bổ sung lượng nước bị mất đi do sốt. Nếu bé đang bú mẹ thì mẹ nên tăng cữ bú để tăng sức đề kháng.
– Mặc quần áo thoáng mát: Mẹ nên cởi bớt quần áo, chăn ấm để cơ thể con hạ bớt nhiệt, giúp hạ sốt hiệu quả.
– Uống thuốc hạ sốt: Nếu con sốt trên 39 độ, cho con uống thuốc có paracetamol liều 10 – 15mg/kg cân nặng/lần, cứ cách 4 – 6 giờ uống lại nếu còn sốt. Nếu bé không uống được do nôn mửa hay đang ngủ, bố mẹ có thể dùng viên hạ sốt đưa vào hậu môn.
– Chườm mát cơ thể trẻ bằng nước ấm: Pha nước ấm như nước tắm cho bé, sau đó nhúng khăn rồi đặt vào 2 hõm nách và 2 bẹn, 1 khăn lau toàn thân trong vòng 30 – 45 phút. Cha mẹ cần thay khăn nhúng nước ấm liên tục đến khi thân nhiệt bé giảm. Nước ấm bốc hơi làm giãn mạch máu, giúp con hạ sốt một cách nhanh chóng.
– Tắm nước ấm: Đặt bé vào chậu nước ấm, sau đó tắm gội khắp cơ thể trong 5-7 phút rồi lau khô và mặc quần áo thoáng mát.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh