✴️ Vaccin dại (bất hoạt)

Nội dung

Tên chung quốc tế: Vaccin dại (bất hoạt)

Rabies vaccine (inactivated) (prepared in cell culture)

 

Dạng thuốc và hàm lượng Vaccin dại (bất hoạt)

Dạng đông khô: Là một liều tạo miễn dịch có hoạt tính bảo vệ tương đương hoặc lớn hơn 2,5 đơn vị quốc tế, trước và sau khi ủ ở 37oC trong vòng 1 tháng. Virus dại (chủng dại Wistar PM/WI 38 - 1503) thu được do nuôi cấy dòng tế bào thường trực Vero, dùng beta propiolacton để bất hoạt. Thêm maltose và albumin người vừa đủ cho 1 liều tạo miễn dịch. Dung môi pha loãng natri clorid 0,4%, 0,5 ml.

Dạng hỗn dịch: Vaccin được điều chế từ chủng CVS kissling/MDPH virus dại phát triển trong dòng tế bào lưỡng bội bắt nguồn từ tế bào phổi bào thai khỉ rhesus. Vaccin virus được bất hoạt bằng beta propiolacton và cô đặc bằng hấp phụ với nhôm phosphat.

Các thành phần khác: Neomycin; gentamicin, amphotericin B.

Thời gian xuất hiện tác dụng bảo vệ: 7 – 10 ngày.

Thời gian duy trì hiệu lực bảo vệ: 2 năm hoặc lâu hơn.

Chỉ định Vaccin dại (bất hoạt)

Miễn dịch chủ động phòng bệnh dại; dự phòng trước khi tiếp xúc; điều trị sau khi bị cắn.

 

Thận trọng

Các phản ứng dị ứng toàn thân từ phát ban cho đến sốc phản vệ hiếm gặp sau khi tiêm HDCV hay RVA. Nên dùng vaccin thận trọng cho những người có tiền sử dị ứng hoặc những người đã biểu hiện phản ứng dị ứng toàn thân với HDCV, RVA hay bất kỳ một thành phần nào có trong vaccin (ví dụ neomycin). Các phản ứng quá mẫn nếu nặng, có thể điều trị bằng kháng histamin hay epinephrin.

Các biến chứng thần kinh sau khi tiêm vaccin dại thế hệ 3, nuôi cấy trong các mô không phải là thần kinh, được xem là rất hiếm. Các trường hợp viêm tủy và các biến chứng thần kinh khác đã được công bố là do tiêm vaccin dại điều chế từ mô não.

 

Thời kỳ mang thai

Chưa có nghiên cứu nào được tiến hành trên người. Nhưng vì hậu quả nặng khi nhiễm virus dại và vì không có biểu hiện bất thường nào đối với bào thai liên quan đến việc dùng vaccin dại ở người mang thai, nên việc tiêm phòng dại sau khi nhiễm không được coi là chống chỉ định đối với người mang thai. Hơn nữa, nếu có nguy cơ thực sự tiếp xúc dại thì việc tiêm phòng bệnh trước khi nhiễm cũng có thể được chỉ định trong khi mang thai.

 

Liều lượng và cách dùng Vaccin dại (bất hoạt)

Với mỗi chế phẩm vaccin dại, liều lượng và cách dùng phải theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất. Một số chế phẩm được hướng dẫn sử dụng như sau:

Tiêm phòng bệnh dại trước khi tiếp xúc: Tiêm dưới da sâu hoặc tiêm bắp, người lớn và trẻ em, 1 ml vào ngày 0, 7 và 28, với liều tăng cường cứ 2 – 3 năm 1 lần cho người tiếp tục có nguy cơ.

Tiêm phòng bệnh dại sau khi bị cắn: Tiêm dưới da sâu hoặc tiêm bắp, người lớn và trẻ em, 2 – 5 liều, mỗi liều 1 ml (xem ghi chú ở trên):

Đối với người đã được miễn dịch đầy đủ, 2 liều tiêm bắp, cách nhau từ 3 – 7 ngày. Không cần tiêm immunoglobulin kháng dại.

Đối với người chưa được miễn dịch, hoặc tiêm phòng không đầy đủ, 5 liều tiêm bắp cho trong 1 tháng (vào ngày 0, 3, 7, 14 và 28); tùy theo mức độ nguy cơ, có thể cho immunoglobulin kháng dại vào ngày 0. Liệu trình có thể ngừng nếu có chứng cứ là người bệnh không còn nguy cơ.

Đối với vaccin Fuenzalida sản xuất tại Việt Nam.

Vaccin đông khô: Tiêm trong da. Hoà với 0,7 ml dung môi pha loãng kèm theo. Vaccin sau khi pha là một dung dịch đồng nhất không có bất cứ 1 tiểu phân nào không tan. Vaccin sau khi pha xong phải dùng ngay. Bơm tiêm vaccin phải hủy ngay sau khi dùng.

Người trên 15 tuổi: 0,2 ml tiêm trong da, cứ 2 ngày 1 lần; tất cả 6 mũi tiêm.

Trẻ em dưới 15 tuổi: 0,1 ml tiêm trong da, cứ 2 ngày 1 lần; tổng số 6 mũi tiêm.

 

Độ ổn định và bảo quản Vaccin dại (bất hoạt)

Bảo quản ở nhiệt độ 2 – 8 C. Không để đông lạnh.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top