✴️ Dị ứng ngoài da do dùng thuốc

Một số biểu hiện ngoài da của dị ứng thuốc thường gặp, mà chúng ta cần có nhận biết để thông báo kịp thời cho bác sĩ để có cách xử lý thích hợp.

 

Ban đỏ – Dị ứng ngoài da

Là dạng ban sẩn hoặc ban dạng sởi, nhỏ như đầu đinh ghim ở thân mình và có thể liên kết lại với nhau tạo thành mảng, người bệnh thường ngứa, thời gian xuất hiện sau dùng thuốc thường khoảng 1 tuần và tồn tại đến một vài tuần. Những thuốc hay gây dị ứng dạng này như: ampicillin, amoxycillin, cotrimoxazole, cefaclor…

dị ứng ngoài da

Ban đỏ

 

Mề đay

Là các sẩn đỏ phù nề, ngứa nhiều. Có thể kết hợp với phù mạch, phù nề mi mắt, môi. Thường biểu hiện sớm sau dùng thuốc và tồn tại trong khoảng 24 giờ hoặc kéo dài hơn tuỳ theo từng loại thuốc gây dị ứng.

Những thuốc hay gây dị ứng dạng này như: kháng sinh, đặc biệt là  penicillin, thuốc chống viêm giảm đau không – steroid (NSAIDs) bao gồm cả aspirin…                    

 

Da nhạy cảm ánh sáng

Bình thường da không nhạy cảm với ánh sáng. Khi dùng một số loại thuốc thường là các loại như thuốc chống viêm không steroid, thuốc kháng sinh ciprofloxacin, tetracycline, thuốc chống nấm griseofulvin… thì da trở nên tăng nhạy cảm với ánh sáng và bị tổn thương như: đỏ da giống bỏng, sạm da, đen da hoặc mất sắc tố da…

Vị trí ở các vùng da hở như: mặt, cổ, mu bàn tay, mu bàn chân. Mức độ tổn thương phụ thuộc vào liều thuốc sử dụng và thời gian tiếp xúc với ánh nắng.

 

Viêm da bong vảy

Là dạng ít gặp với biểu hiện đỏ da bong vảy và ngứa toàn thân. Bệnh có thể tiến triển nặng nề và có thể đe doạ đến tính mạng người bệnh. Dạng này thường xuất hiện sau dùng thuốc khoảng một tuần và tồn tại trong 3 – 4 tuần.

Các thuốc hay gây dị ứng dạng này là: allopurinol, thuốc chống sốt rét, carbamazepine, penicillin và sulfonamide.

dị ứng ngoài da

Viêm da bong vẩy

 

Viêm mao mạch (Cutaneous vasculitis)

Là tình trạng viêm các mao mạch ngoài da do các thuốc như: Ức chế men chuyển, NSAIDs, sulfonamide và thiazide lợi tiểu.

Biểu hiện ngoài da là các ban xuất huyết sờ thấy được trên mặt da. Ngoài ra thuốc còn có thể gây viêm mạch nội tạng và gây nguy hiểm hơn cho người bệnh.

Không chỉ có thuốc uống mới gây dị ứng mà trong da liễu, các loại thuốc bôi có các loại dược chất trên cũng đều có khả năng gây ra các dị ứng tại chỗ và toàn thân như dùng đường uống.

Vì vậy cần sử dụng thuốc đúng hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa và được theo dõi, chăm sóc là điều cần thiết nhằm giảm thiểu các phản ứng có hại của thuốc.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top