✴️ Ethomid (Ethionamid 250mg) - Thuốc điều trị Lao, ẤN ĐỘ

Nội dung

DƯỢC LỰC

Ethionamide là thuốc trị Mycobacteria.

 

DƯỢC ĐỘNG HỌC

Khoảng 80% liều uống ethionamid được hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa. Uống liều 1g ethionamid có nồng độ đỉnh trong huyết tương là 20 microgam/ml sau 3 giờ; nồng độ còn 3 microgam/ml sau 9 giờ và còn dưới 1 microgam/ml sau 24 giờ. Ethionamid được phân bố nhanh và rộng trong mô và dịch cơ thể; nồng độ trong huyết tương và các cơ quan gần bằng nhau; 10% của thuốc gắn với protein huyết tương. Nồng độ ethionamid trong dịch não tủy bằng nồng độ thuốc cùng thời điểm trong huyết tương ở người có màng não bình thường hoặc bị viêm.

Nửa đời huyết tương là khoảng 2 đến 3 giờ. Ethionamid được chuyển hóa phần lớn thành chất chuyển hóa có và không có hoạt tính tại gan. Chất chuyển hóa có hoạt tính chủ yếu là sulfoxyd, có thể chuyển trở lại thành ethionamid trong cơ thể. Trong vòng 24 giờ, 1 - 5% của liều uống được bài tiết trong nước tiểu dưới dạng thuốc và chất chuyển hóa có hoạt tính, phần còn lại được bài tiết trong nước tiểu dưới dạng chất chuyển hóa không có hoạt tính.

 

TÁC DỤNG

Ethionamid là một thuốc loại hai trong điều trị bệnh lao, bao giờ cũng phải dùng đồng thời với các thuốc trị lao khác. Chỉ dùng ethionamid khi các thuốc trị lao thiết yếu bị kháng hoặc bị chống chỉ định.

Giống như hydrazid isonicotinic (INH), ethionamid là một dẫn xuất của acid isonicotinic. Cơ chế tác dụng chính xác của nó đối với các Mycobacterium đến nay vẫn chưa được biết nhưng có vẻ giống như isoniazid (INH). Cả hai thuốc này đều có tác dụng ức chế sự tổng hợp acid mycolic ở các Mycobacterium. Các acid mycolic là những acid duy nhất của các mycobacterium và là một thành phần cấu tạo chủ yếu của vách. In vitro, INH và ethionamid đều làm cho M. tuberculosis mất đi phản ứng nhuộm kháng toan, một sư thay đổi thường liên quan tới lớp vỏ bọc của trực khuẩn. Người ta cho rằng ethionamid tác động lên lớp vỏ ngoài cùng của trực khuẩn và như vậy bao gồm cả sự mất acid mycotic; tác động này giống như tác động của INH.

In vitro, ethionamid có tác dụng diệt trực khuẩn lao. Khi chủng H37Rv của trực khuẩn lao được ủ trong môi trường polysorbat - albumin có chứa ethionamid trong 18 ngày thì không có trực khuẩn mọc từ ống chứa 25 microgam/ml khi nuôi cấy trên môi trường bột khoai tây - lòng đỏ trứng. Thử nghiệm vi sinh học ethionamid huyết thanh cho thấy chủng H37Rv của trực khuẩn lao nhạy cảm với ethionamid ở nồng độ 0,3 microgam/ml.

Mặt khác, ethionamid là thuốc kháng sinh diệt khuẩn lao thuộc nhóm thionamid. Các kháng sinh nhóm này có cấu trúc hóa học giống như thioacetazon nên có kháng thuốc chéo không đồng đều với các thuốc này, các trực khuẩn kháng với thionamid nhưng ngược lại các trực khuẩn kháng với thionamid nhưng ngược lại các trực khuẩn kháng với thionamid thường cũng kháng với thioacetazon (trên 70% các trường hợp).

 

CHỈ ĐỊNH

Điều trị bệnh lao: ethionamid được coi là thuốc lao loại hai, phối hợp với những thuốc điều trị lao loại hai khác (PAS, ciprofloxacin hoặc ofloxacin, cycloserin, capreomycin, amikacin hoặc kanamycin), trong điều trị bệnh lao, gồm cả lao màng não, sau thất bại với những thuốc thiết yếu (streptomycin, isoniazid, rifampicin, pyrazinamid và ethambutol), hoặc khi không thể dùng các thuốc này do độc hại hoặc do trực khuẩn lao kháng thuốc.

Điều trị bệnh phong: ethionamid được dùng làm thuốc thay thế clofazimin, kết hợp với những thuốc điều trị phong khác.

 

LIỀU LƯỢNG - CÁCH DÙNG

Bệnh lao

Liều cho người lớn: uống 250mg, cứ 8 đến 12 giờ một lần (tối đa 1g/ngày).

Liều cho trẻ em. Trẻ em dung nạp ethionamid tốt hơn người lớn nhiều với liều thường dùng cho trẻ em là 15 - 20mg/kg/ngày. Liều tối đa là 500mg/ngày.

Ethionamid chỉ được dùng bằng đường miệng. Tốt nhất là uống ngay sau 2 bữa ăn và chia thành những liều nhỏ để giảm thiểu sự kích thích dạ dày - ruột. Do kháng thuốc của trực khuẩn có thể phát triển nhanh nếu chỉ dùng ethionamid đơn độc để điều trị lao, nên chỉ dùng nó phối hợp ít nhất với 3 loại thuốc chống lao khác.

 

CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Suy gan nặng, quá mẫn với ethionamid.

 

TÁC DỤNG PHỤ

Rối loạn tiêu hóa là tác dụng không mong muốn thường gặp nhất của ethionamid và có vẻ có liên quan với liều dùng. Những tác dụng không mong muốn thường gặp khác là về thần kinh và gan.

Thường gặp

Tiêu hóa: chán ăn, buồn nôn, nôn, cảm thấy vị kim loại, ỉa chảy.

Tim mạch: hạ huyết áp tư thế.

Hệ thần kinh trung ương: rối loạn tâm thần, ngủ lơ mơ.

Gan: viêm gan, vàng da.

Thần kinh - cơ và xương: yếu ớt.

Ít gặp

Thần kinh trung ương: chóng mặt, nhức đầu.

Da: rụng tóc.

Nội tiết và chuyển hóa: giảm đường huyết, to vú đàn ông.

Tiêu hóa: đau bụng.

Mắt: viêm dây thần kinh thị giác, nhìn mờ.

Mũi: rối loạn khứu giác.

Hiếm gặp

Thần kinh trung ương: viêm dây thần kinh ngoại biên, dị cảm, động kinh, run.

Da: ban, nhạy cảm với ánh sáng.

Nội tiết và chuyển hóa: giảm năng tuyến giáp hoặc bướu giáp.

Tiêu hóa: viêm miệng.

Huyết học: giảm tiểu cầu, ban xuất huyết.

Lưu ý: Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top