Từ khoảng năm 1900, 3 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên thế giới đều thuộc về các căn bệnh viêm nhiễm.
Nhưng cho đến nay, chỉ còn cúm và viêm phổi là loại bệnh tật có liên quan đến viêm nhiễm, và chỉ xếp thứ 8 trong danh sách 10 loại bệnh nguy hiểm nhất ở người.
Trong 100 năm qua, tổng số ca thiệt mạng vì các căn bệnh viêm nhiễm đã giảm mạnh, phần lớn nhờ vào sự cải thiện trong điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm, vắc xin các loại, và nhất là sự có mặt của kháng sinh.
Thành công đáng nể này trong lĩnh vực y tế khiến nhiều người cho rằng những căn bệnh do vi khuẩn lây lan là tàn tích còn sót lại của quá khứ. Và sự xuất hiện của các chủng vi khuẩn mới chống kháng sinh, hay còn gọi là siêu vi khuẩn, dường như chẳng khiến đa số người bận tâm.
Trên thực tế, chỉ tính riêng tại Mỹ, ít nhất 2 triệu người ngã bệnh, và trong số này có đến 23.000 ca tử vong, do tình trạng viêm nhiễm các vi khuẩn kháng kháng sinh. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xác định siêu vi khuẩn là một trong những mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với sức khỏe các cộng đồng trong thế kỷ 21.
Vào tháng 3.2015, Nhà Trắng đã công bố Kế hoạch hành động quốc gia nhằm chống vi khuẩn kháng kháng sinh, theo đó cung cấp bản đồ hành động trong nỗ lực ngăn chặn tình trạng kháng kháng sinh và cứu mạng sống nhiều người.
Trong bối cảnh đầy quan ngại này, WHO tuyên bố ngày 16 - 22.11 là Tuần lễ xây dựng nhận thức của thế giới về kháng sinh. Mục đích là tăng cường sự hiểu biết của người dân toàn cầu về vấn đề kháng kháng sinh, và tầm quan trọng của việc sử dụng kháng sinh hợp lý.
Như chúng ta đã biết, kháng sinh là công cụ hiệu quả để chống các tình trạng viêm nhiễm, đặc biệt đối với những trường hợp có dính đến yếu tố phẫu thuật, điều trị ung thư và chăm sóc đặc biệt. Tuy nhiên, lạm dụng kháng sinh có thể dẫn đến tình trạng lờn thuốc, tạo ra chủng vi khuẩn mới có khả năng chống lại “thần dược”, giúp chúng sinh sôi và lan tràn khắp nơi.
Tình trạng kháng kháng sinh xảy ra khi một vi khuẩn thay đổi cách thức làm giảm hiệu quả khống chế sự tăng trưởng của vi khuẩn ở những dòng thuốc kháng sinh. Thế là những chủng siêu vi khuẩn mới xuất hiện thường xuyên hơn trong các cộng đồng, và có nhiều vi khuẩn kháng đa kháng sinh. Hậu quả là chi phí điều trị gia tăng nhưng hiệu quả chữa trị kém hơn trước, buộc ngành y phải sử dụng những dòng thuốc mạnh hơn và độc hại hơn.
Để hạn chế tình trạng kháng thuốc, sự hiểu biết của con người về vấn đề này đóng vai trò quan trọng không kém giới chuyên gia. Cần phải nhớ rằng kháng sinh chỉ có hiệu quả đối với những trường hợp nhiễm vi khuẩn, chứ không dùng được ở các trường hợp nhiễm vi rút. Chẳng hạn, kê đơn kháng sinh cho người bệnh cảm hoặc những ca nhiễm vi rút không những vô tác dụng mà còn tăng nguy cơ kháng thuốc.
Sau đây là những biện pháp phòng ngừa có thể áp dụng cho mọi người:
- Giảm nhu cầu cần phải uống thuốc kháng sinh bằng cách tránh viêm nhiễm. Rửa tay thường xuyên và đúng cách, tiêm vắc xin đủ.
- Đừng yêu cầu bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh khi không cần thiết.
- Khi được kê đơn, uống đúng liều lượng và trong thời gian quy định. Tránh bỏ cữ thuốc hoặc tự động ngưng uống thuốc sớm, trừ khi bác sĩ yêu cầu.
- Chỉ uống đúng loại kháng sinh kê đơn cho mình, không chia sẻ thuốc còn thừa. Mỗi tình trạng viêm nhiễm có thuốc điều trị cụ thể, uống không đúng có thể gây hại hơn là được lợi.
- Đừng để dành thuốc kháng sinh cho lần mắc bệnh sau. Nên dùng hay nên bỏ đều phải theo cách hợp lý.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh