✴️ Những loại thuốc tiêu chảy thường dùng nhất

Nội dung

Thuốc chữa bệnh tiêu chảy Berberin

Thuốc trị tiêu chảy berberin

Berberin là loại thuốc chữa bệnh tiêu chảy nổi tiếng và được rất nhiều người sử dụng. Thuốc chứa thành phần thảo dược có khả năng kháng khuẩn, chống viêm rất tốt, giúp trị một số tổn thương do viêm nhiễm. Berberin được bán ở hầu hết các hiệu thuốc, khi sử dụng bạn cần uống đúng liều lượng theo hướng dẫn sử dụng để hạn chế các dụng phụ có thể xảy ra.

Thuốc cầm tiêu chảy Diphenoxylate

Diphenoxylate tác dụng giảm nhu động ruột và sự co bóp ruột hiệu quả nên thường được bác sĩ chỉ định trong việc điều trị chứng đau bụng, tiêu chảy nhiều lần. Mặt khác, loại thuốc này có khả năng gây ức chế khiến lượng nước và điện giải trong ruột di chuyển chậm hơn, làm gia tăng hấp thu lượng nước và chất điện giải, hạn chế tình trạng mất nước và giúp phân thành khuôn.

Loại thuốc này có thể gây nên một số tác dụng phụ như nhức đầu, khô miệng, mẩn ngứa, táo bón…

Thuốc chữa tiêu chảy Loperamid

Loperamid là loại thuốc trị ỉa chảy có tác dụng làm giảm số lần đi ngoài mà không gây ảnh hưởng tới hệ thần kinh trung ương. Thuốc được chỉ định trong các trường hợp tiêu chảy cấp không rõ nguyên nhân và một số tình trạng tiêu chảy mạn tính. Một vài tác dụng phụ có thể gặp khi sử dụng thuốc đó là dị ứng, mẩn ngứa và táo bón.

Thuốc chữa tiêu chảy Codein

Codein là loại thuốc trị bệnh tiêu chảy có thành phần là chất Codein phosphat có tác dụng giảm đau, điều hòa nhu động ruột. Thuốc thường được bác sĩ chỉ định trong các trường hợp tiêu chảy kèm theo các cơn đau co thắt ở bụng hoặc tiêu chảy do vi khuẩn gây nên.

Thuốc điều trị tiêu chảy Pepto Bismol

Pepto Bismol là sản phẩm nổi tiếng chuyên điều trị các vấn đề về tiêu hóa và dạ dày. Thuốc chứa thành phần bismuth subsalicylate, có tác làm lành vùng niêm mạc dạ dày bị tổn thương, thúc đẩy quá trình co bóp của dạ dày để tiêu hóa thức ăn. Nhờ đó, giúp giảm số lần tiêu chảy, cải thiện tình trạng đau dạ dày do ăn quá nhiều, giảm ợ nóng, khó tiêu, buồn nôn, ợ, ói mửa…

Thuốc trị tiêu chảy Racecadotril

Thuốc được bào chế ở dạng viên nén, viên nang và hỗn hợp dịch uống với công dụng chính là điều trị các triệu chứng tiêu chảy cấp.

Loại thuốc này hoạt động theo cơ chế ức chế enzym enkephalinase trong cơ quan tiêu hóa, từ đó dẫn đến giảm tiết dịch, ngăn chặn tình trạng mất chất điện giải và làm giảm số lần tiêu chảy.

Smecta

Thuốc có tác dụng bao phủ niêm mạc đại tràng, từ đó làm giảm tình trạng kích ứng, giảm số lần đi ngoài. Do đó, Smecta còn được dùng trong điều trị các bệnh lý liên quan như trào ngược dạ dày – thực quản… Smecta không phải là kháng sinh nên không có tác dụng điều trị bệnh do nhiễm khuẩn.

Kẽm

Kẽm không phải thuốc trị tiêu chảy. Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học đã chứng minh, bệnh nhân bị tiêu chảy được bổ sung kẽm sẽ giúp giảm thời gian và mức độ nặng của bệnh, đồng thời tăng cường sức đề kháng, giảm nguy cơ tái phát bệnh sau khi điều trị. Mặt khác, kẽm còn giúp cải thiện vị giác, kích thích sự thèm ăn. Người bình thường được bổ sung kẽm đầy đủ cũng hạn chế nguy cơ mắc tiêu chảy.

 

Các bài thuốc Đông y cũng mang lại hiệu quả trong trường hợp tiêu chảy cấp tính do nhiễm khuẩn với biểu hiện đau bụng, đi ngoài phân lỏng, nóng hậu môn, sốt nhẹ, mất nước, người mệt lả. Bạn có thể tham khảo bài thuốc dưới đây:

  • Bài 1: 50g Cam thảo, 50g củ Sắn dây, 20g Mã đề. Tất cả các nguyên liệu đã được phơi khô, đem sắc với 400 ml nước cho tới khi còn 200ml nước, chia uống 2 lần trong ngày. Với trẻ nhỏ thì chia thành 3-4 lần uống.
  • Bài 2: Củ Sắn dây 12g, Cam thảo 8g, Hoàng cầm, Hoàng liên, Kim ngân, Mộc thông mỗi loại 10g. Sắc uống 2 lần mỗi ngày.
  • Bài 3: Sắn dây 12g, Kim ngân hoa 12g, Cam thảo dây 10g, Hậu phác 12g, Mã đề 10g, Rau má 12g, Hoàng liên 10g. Sắc uống 2 – 3 lần trong ngày

Lưu ý cần biết khi dùng thuốc cầm tiêu chảy

Bên cạnh việc điều trị, người bệnh cần lưu ý những vấn đề sau đây để giúp quá trình điều trị được hiệu quả nhất:

  • Khi bị đau bụng đi ngoài, người bệnh không nên tự ý mua thuốc cầm tiêu chảy về uống. Bởi tùy thuộc vào nguyên nhân gây tiêu chảy mà có thể sử dụng kháng sinh, thuốc làm giảm nhu động ruột hoặc men tiêu hóa. Mặt khác, các loại thuốc này đều giới hạn đối tượng sử dụng và gây nên một số tác dụng phụ không mong muốn. Do vậy, cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ một loại thuốc nào.
  • Tùy thuộc từng loại thuốc mà bạn có thể uống trước, trong hoặc sau bữa ăn. Bạn cần uống theo đúng hướng dẫn để mang lại hiệu quả cao nhất.
  • Trong quá trình điều trị bằng kháng sinh, người bệnh nên bổ sung lợi khuẩn bằng men vi sinh để cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, hạn chế chứng rối loạn tiêu hóa do sử dụng kháng sinh, nâng cao hiệu quả của thuốc, đồng thời giúp cơ thể nhanh chóng hồi phục.
  • Thông báo cho bác sĩ/ dược sĩ biết nếu: Bạn đang mang thai hoặc cho con bú, bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào trong thuốc hay đang dùng thuốc để điều trị các bệnh lý khác.
  • Nếu uống sau 7 ngày mà triệu chứng tiêu chảy không hết thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ xem có nên tiếp tục dùng thuốc nữa không.
  • Bù nước bằng dung dịch oresol: Tiêu chảy dài ngày sẽ khiến cơ thể bị mất nước trầm trọng. Vì thế, bổ sung nước và chất điện giải là vô cùng cần thiết. Bên cạnh việc tăng uống nước lọc, bạn có thể sử dụng dung dịch oresol sau mỗi lần đi ngoài. Oresol là một dung dịch điện giải, tuy không có tác dụng cầm tiêu chảy nhưng rất hiệu quả trong việc bù lại số lượng nước và các chất điện giải bị mất qua phân. 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top