Những loại thuốc trị bệnh tiết niệu thường dùng

Bệnh của hệ thống tiết niệu cũng không có quá nhiều loại nhưng điều oái ăm ở chỗ đó thường là những bệnh nan giải. Có thể tạm phân chia ở đây thành những bệnh tiết niệu ngoại khoa và bệnh tiết niệu nội khoa và người bệnh không thể tự dùng thuốc...

Những bệnh tiết niệu ngoại khoa là những bệnh cần tới các biện pháp mổ xẻ để chỉnh sửa hoặc chích rạch hoặc lấy một phần hoặc toàn bộ cơ quan hệ tiết niệu ra ngoài. Chúng bao gồm một số bệnh sau: sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang, u thận, nang nước thận, ung thư thận, thận móng ngựa, rò bàng quang - trực tràng, dị dạng niệu quản bẩm sinh, chấn thương thận, vỡ thận, vỡ bàng quang, chấn thương niệu đạo, suy thận... Những bệnh ngoại khoa là những bệnh đòi hỏi biện pháp mổ xẻ là chính. Thuốc dùng trong các trường hợp này là thuốc kháng sinh.

Những bệnh tiết niệu nội khoa là những bệnh cần tới các biện pháp dùng thuốc hoặc can thiệp tối thiểu. Những bệnh này đòi hỏi phải dùng nhiều thuốc và phối hợp các thuốc đi cùng nhau. Một số bệnh điển hình như bệnh lậu, bệnh giang mai, bệnh viêm niệu đạo cấp không do lậu, viêm bàng quang cấp, viêm thận bể thận ngược dòng, viêm cầu thận mạn, hội chứng thận hư, viêm cầu thận cấp, viêm cầu thận trong bệnh hệ thống, suy thận. Những bệnh này đòi hỏi phải dùng thuốc rất phức tạp, kéo dài và một điều không may thuốc lại đắt đỏ và lại có nhiều tác dụng phụ.

Nhóm thuốc kháng sinh

Nếu không cần tới những chỉ định đặc biệt từ kết quả kháng sinh đồ, thuốc kháng sinh dùng trong hệ thống tiết niệu thường là kháng sinh phổ rộng và thiên về vi khuẩn gram âm nhiều hơn. Một số thuốc kháng sinh điển hình như ciprofloxacin, levofloxacin (nhóm quinolon), amoxicillin, cefuroxim, cefixim, cefotaxim, ceftriaxon (nhóm beta lactam), doxycyclin (nhóm tetracyclin). Đặc điểm chung khi dùng thuốc này là phải dùng đủ liều lượng, thường phải dùng chia liều thành 2 lần/ngày, trừ một số thuốc đặc biệt trong một số trường hợp đặc biệt chỉ dùng 1 liều duy nhất trong ngày như thuốc điều trị bệnh lậu cấp tính. Thời gian dùng thuốc phải kéo dài ít nhất 7 ngày, kể cả từ ngày thứ hai của đợt điều trị bạn đã cảm thấy mọi thứ coi như ổn. Thuốc kháng sinh dùng trong đường tiết niệu ít khi phải phối hợp thuốc trong đợt điều trị đầu tiên.

 

Thuốc chống viêm steroid

Có lẽ, không có nhóm bệnh nào lại cần và buộc phải dùng nhóm thuốc chống viêm steroid như các bệnh thận tiết niệu. Các thuốc chống viêm có tác dụng làm xóa bỏ tình trạng viêm ở tiểu cầu thận một cách kỳ diệu. Nó xóa bỏ các tình trạng tiểu máu, tiểu protein. Những bệnh như viêm cầu thận mạn, viêm cầu thận cấp, hội chứng thận hư đều phải cần tới các thuốc chống viêm steroid. Muốn có tác dụng điều trị, các thuốc chống viêm steroid phải dùng liều cao và mạnh ngay từ đầu. Vì cần dùng thuốc liều cao nên hạn chế dùng liều chia nhỏ trong ngày. Một số thuốc điển hình như prednisolon, methylprednisolon, betamethasone... Đây được coi là vị cứu tinh cho những người không may mắn mắc bệnh này. Nhưng đặc biệt lưu ý là thuốc có nhiều tác dụng phụ mà khi dùng cả bác sĩ và người bệnh đều phải thận trọng.

 

Thuốc lợi tiểu

Thuốc lợi tiểu là thuốc làm tăng số lượng nước tiểu hơn so với mức bình thường, chủ yếu dùng để chữa phù và chữa tăng huyết áp. Nó không có tác dụng với hệ thận tiết niệu bởi việc dùng hay không dùng hệ thống này cũng không được lợi lộc. Nhưng một số tài liệu có liệt kê nhóm thuốc này vào thuốc tiết niệu bởi nó có cơ chế tác dụng là hoạt động trên khu vực ống thận nằm ở trong thận. Do đó, nếu cắt bỏ thận thì thuốc này vô tác dụng. Thuốc lợi tiểu thường chỉ uống 1 lần trong 1 ngày  và xác định trước là đi tiểu khá nhiều.

 

Thuốc giãn cơ trơn

Nhóm thuốc này có tác dụng làm giãn cơ trơn của thành ống niệu quản để đạt được mục tiêu điều trị giảm đau hệ tiết niệu. Thuốc này được chỉ định trong các cơn đau quặn thận và đặc biệt có tác dụng trong các trường hợp này. Một số nhóm bệnh cần phải dùng các thuốc giãn cơ trơn dù người bệnh có đau hay không đau: bệnh sỏi thận, sỏi bàng quang, sỏi niệu quản.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top