✴️ Đau thần kinh tọa (Yêu cước thống)

Nội dung

ĐẠI CƯƠNG

Theo Y học hiện đại, đau thần kinh tọa có biểu hiện đau dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa. Vị trí đau tùy theo rễ thần kinh bị tổn thương. Khi tổn thương rễ L5, thường đau từ thắt lưng lan xuống mặt bên đùi, mặt trước ngoài cẳng chân, qua trước mắt cá ngoài đến mu chân và lan tới ngón chân cái. Trường hợp tổn thương rễ S1, đau từ thắt lưng lan xuống mặt sau đùi, mặt sau cẳng chân, xuống gót chân, qua mắt cá ngoài tới gan chân và tận cùng ở ngón út.

Nguyên nhân hay gặp nhất gây đau thần kinh tọa là thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng (thường gặp thoát vị đĩa đệm L4-L5 hoặc L5- S1 gây chèn ép rễ L5 hoặc S1 tương ứng). Ngoài ra các nguyên nhân khác gây đau thần kinh tọa như: thoái hóa cột sống thắt lưng, trượt thân đốt sống, chấn thương, tổn thương thân đốt sống (do lao, vi khuẩn, u, ung thư), viêm đĩa đệm đốt sống, tình trạng mang thai...

Tiêu chuẩn chẩn đoán: Lâm sàng người bệnh có 2 hội chứng:

Hội chứng cột sống thắt lưng: 

Điểm đau cột sống (Cảm giác đau chói khi ấn vào mỏm gai sau của cột sống bị tổn thương).

Biến dạng cột sống: Mất đường cong sinh lý, gù, vẹo cột sống thắt lưng.

Co cứng cơ cạnh cột sống thắt lưng một bên hoặc hai bên.

Khoảng cách tay đất hạn chế.

Nghiệm pháp Schober (+).

Hội chứng chèn ép rễ thần kinh thắt lưng:

Đau theo rễ thần kinh tổn thương, có thể có cảm giác tê bì, kiến bò, nóng rát.

Dấu hiệu bấm chuông (+).

Dấu hiệu Lasègue (+).

Hệ thống điểm đau Valleix (+).

Rối loạn phản xạ gân xương: Trường hợp tổn thương rễ L5: phản xạ gân gót bình thường, giảm hoặc mất cảm giác ngón chân cái, teo nhóm cơ cẳng chân trước ngoài, các cơ mu chân, không đi được bằng gót chân; Trường hợp tổn thương S1: phản xạ gân gót giảm hoặc mất, giảm hoặc mất cảm giác phía ngón chân út, teo cơ bắp cẳng chân, cơ gan bàn chân, không đi được bằng mũi chân.

Cận lâm sàng trong đau thần kinh tọa: bilan viêm âm tính; Xquang thường quy cột sống thắt lưng bình thường hoặc có dấu hiệu thoái hóa, trượt thân đốt sống và ít có giá trị chẩn đoán nguyên nhân; Chụp cộng hưởng từ cột sống thắt lưng nhằm xác định chính xác vị trí, mức độ tổn thương; Điện cơ đồ giúp phát hiện và đánh giá rễ thần kinh tổn thương.

Theo Y học cổ truyền, đau thần kinh tọa được miêu tả trong các y văn với các bệnh danh như “Yêu cước thống”, “Tọa cốt phong”, “Tọa điến phong”, “Yêu cước đông thống” và thuộc phạm vi chứng Tý. 

 

NGUYÊN NHÂN VÀ CƠ CHẾ BỆNH SINH THEO Y HỌC CỔ TRUYỀN

Do phong hàn thấp xâm phạm vào bì phu kinh lạc gây khí huyết vận hành trong kinh lạc bị ứ trệ. Phong có tính di chuyển nên người bệnh có triệu chứng đau lan theo đường đi của dây thần kinh tọa. Hàn có tính chất ngưng trệ, làm cho khí huyết kinh lạc bị tắc nghẽn gây ra co rút gân cơ. Thấp có tính nê trệ làm tắc trở kinh lạc gây nên cảm giác tê bì, nặng nề, vận động khó khăn.

Do can thận hư, phong hàn thấp thừa cơ xâm phạm vào bì phu, kinh lạc làm kinh lạc bế tắc, kinh khí không lưu thông gây đau, hạn chế vận động. Phong hàn thấp tà uất lâu hóa nhiệt làm người bệnh có triệu chứng nóng rát nơi đau. 

Do chấn thương làm huyết ứ gây bế tắc kinh lạc, kinh khí không lưu thông gây đau và hạn chế vận động.

 

CÁC THỂ LÂM SÀNG VÀ ĐIỀU TRỊ

 Với mỗi thể lâm sàng, tùy từng tình trạng bệnh lý của người bệnh, thầy thuốc kê đơn bài thuốc cổ phương, bài thuốc đối pháp lập phương, bài thuốc nghiệm phương để gia giảm thành phần, khối lượng các vị thuốc cổ truyền hoặc kê đơn các thành phẩm thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu cho phù hợp với chẩn đoán.

Thể phong hàn thấp:

Thường gặp trong những trường hợp đau thần kinh tọa do lạnh.

Triệu chứng:

Sau khi bị nhiễm lạnh, đau từ thắt lưng hoặc từ mông xuống chân, đau có điểm khu trú, chưa có teo cơ, đau tăng khi trời lạnh, chườm ấm dễ chịu. Sợ gió, sợ lạnh, đại tiện có thể bình thường hoặc nát, tiểu tiện trong, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng mỏng. Mạch phù hoặc phù khẩn.

Chẩn đoán

Chẩn đoán bát cương: Biểu thực hàn.

Chẩn đoán kinh lạc: Kinh bàng quang và/hoặc Kinh đởm. - Chẩn đoán nguyên nhân: Ngoại nhân (Phong hàn thấp).

Pháp:

Khu phong, tán hàn, trừ thấp, ôn thông kinh lạc.

Phương

Điều trị bằng thuốc

Cổ phương: Can khương thương truật linh phụ thang gia giảm.

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

Nghiệm phương: 

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

Điều trị không dùng thuốc

Châm hoặc cứu: Châm tả các huyệt

Nếu đau theo kinh Bàng quang (Đau kiểu rễ S1): các huyệt 

A thị vùng cột sống thắt lưng                            Giáp tích L4- L5, L5- S1

Thận du (BL. 23)                                             Đại trường du (BL. 25)

Trật biên (BL. 54)                                            Ân môn (BL. 37)

Thừa phù (BL. 36)                                           Ủy trung (BL. 40)

Thừa sơn (BL. 57)                                           Côn lôn (BL. 60)

Nếu đau theo kinh Đởm (Đau kiểu rễ L5): các huyệt

Các kỹ thuật châm: Điện châm, điện mãng châm, ôn điện châm, ôn châm.

Lưu kim 20 - 30 phút/lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình.

Hoặc cấy chỉ vào các huyệt:

Tùy tình trạng bệnh lý của người bệnh, thầy thuốc chọn công thức huyệt cấy chỉ phù hợp. Mỗi lần cấy chỉ có tác dụng khoảng 15 ngày, sau thời gian tự tiêu của chỉ có thể thực hiện liệu trình tiếp theo. - Xoa bóp bấm huyệt: Các thủ thuật xoa, xát, miết, day, lăn vùng lưng của chân đau. Bấm các huyệt bên đau. Vận động cột sống, vận động chân. Phát từ thắt lưng xuống chân đau. Liệu trình xoa bóp 30 phút/lần/ngày, một liệu trình điều trị từ 15 đến 30 ngày, tùy theo mức độ và diễn biến của bệnh.

Thủy châm: Sử dụng các thuốc theo y lệnh có chỉ định tiêm bắp. 

Các huyệt: 

Đại trường du (BL. 25)                                     Trật biên (BL. 54)

Thừa phù (BL. 36) 

Thủy châm một lần/ngày, mỗi lần thủy châm vào 2- 3 huyệt. Một liệu trình điều trị từ 10-15 lần, có thể tiến hành 2-3 liệu trình liên tục. Tùy từng trường hợp cụ thể người thầy thuốc lựa chọn thuốc phù hợp với chẩn đoán.

Giác hơi vùng lưng, chân đau. Ngày giác một lần.

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

Thể phong hàn thấp kết hợp can thận hư:

Thường gặp trong những trường hợp đau thần kinh tọa do thoái hóa cột sống.

Triệu chứng:

Đau vùng thắt lưng lan xuống mông, chân dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa, đau có cảm giác tê bì, nặng nề, có thể teo cơ, bệnh kéo dài, dễ tái phát.

Kèm theo triệu chứng ăn kém, ngủ ít. Chất lưỡi nhợt bệu, rêu lưỡi trắng dầy và nhớt. Mạch nhu hoãn hoặc trầm nhược.

Chẩn đoán

Chẩn đoán bát cương: Biểu lý tương kiêm, hư trung hiệp thực, thiên hàn.

Chẩn đoán tạng phủ: Can thận hư (Tỳ hư nếu có teo cơ).

Chẩn đoán kinh lạc: Kinh bàng quang và/hoặc Kinh đởm.

Chẩn đoán nguyên nhân: Ngoại nhân + Bất nội ngoại nhân (nội thương).

Pháp:

Khu phong, tán hàn, trừ thấp, bổ can thận (kiện tỳ nếu có teo cơ).

Phương

Điều trị bằng thuốc

Bài cổ phương: Độc hoạt tang ký sinh thang

Ngày sắc uống 1 thang, chia 3 lần, liệu trình 10 - 15 thang.

Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

Nghiệm phương: 

Ngày sắc uống 1 thang, chia 3 lần, liệu trình 10 - 15 thang.

Điều trị không dùng thuốc

Châm: Châm tả các huyệt giống thể phong hàn và châm bổ thêm các huyệt Can du (BL.18), Thận du (BL.23). 

Thủy châm: Giống thể phong hàn thấp.

Cấy chỉ: giống thể phong hàn thấp, thêm huyệt Can du (BL.18), Thận du (BL.23). - Xoa bóp bấm huyệt: giống thể phong hàn thấp, bấm thêm huyệt Can du (BL.18), Thận du (BL.23).

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

Thể thấp nhiệt:

Thường gặp trong những trường hợp đau thần kinh tọa do viêm nhiễm.

Triệu chứng:

Đau vùng thắt lưng lan xuống mông, chân dọc theo đường đi của dây thần kinh hông to, đau có cảm nóng rát như kim châm. Chân đau nóng hơn chân bên lành, chất lưỡi hồng hoặc đỏ, rêu lưỡi vàng. Mạch hoạt sác.

Chẩn đoán

Chẩn đoán bát cương: Biểu thực nhiệt.

Chẩn đoán kinh lạc: Kinh bàng quang và/hoặc Kinh đởm.

Chẩn đoán nguyên nhân: Ngoại nhân (thấp nhiệt).

Pháp:

Thanh nhiệt trừ thấp, hành khí hoạt huyết.

Phương

Điều trị bằng thuốc

Cổ phương: Ý dĩ nhân thang hợp với Nhị diệu tán. 

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần, liệu trình 10 - 15 thang.

Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

Nghiệm phương:

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

Điều trị không dùng thuốc

Châm tả các huyệt giống thể phong hàn thấp.

Liệu trình: ngày 1 lần, 7- 14 ngày/liệu trình.

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

Thể huyết ứ:

Thường gặp trong những trường hợp đau thần kinh tọa do chấn thương hoặc do thoát vị đĩa đệm.

Triệu chứng:

Đau đột ngột, dữ dội tại một điểm, đau lan xuống chân, hạn chế vận động nhiều, chất lưỡi tím, có điểm ứ huyết. Mạch sáp.

Chẩn đoán

Chẩn đoán bát cương: Biểu thực.

Chẩn đoán kinh lạc: Kinh bàng quang và/hoặc Kinh đởm.

Chẩn đoán nguyên nhân: Bất nội ngoại nhân (huyết ứ).

Pháp:

Hoạt huyết khứ ứ, thông kinh hoạt lạc.

Phương

Điều trị bằng thuốc:

Cổ phương: Thân thống trục ứ thang

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

Nghiệm phương:

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

Điều trị không dùng thuốc

Điện châm: châm tả các huyệt như thể phong hàn thấp và thêm huyệt Huyết hải (SP.10).

Xoa bóp bấm huyệt: Giống thể phong hàn thấp và tránh động tác vận động cột sống  (gập đùi vào ngực).

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

 

KẾT HỢP ĐIỀU TRỊ Y HỌC HIỆN ĐẠI

Nguyên tắc điều trị

Điều trị theo nguyên nhân (thường gặp nhất là thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng).

Giảm đau và phục hồi vận động nhanh.

Điều trị nội khoa với những trường hợp nhẹ và vừa.

Can thiệp ngoại khoa khi có những biến chứng liên quan đến vận động, cảm giác.

Đau thần kinh tọa do nguyên nhân ác tính: điều trị giải chèn ép cột sống kết hợp điều trị chuyên khoa.

Điều trị cụ thể: 

Điều trị bằng thuốc:

Tùy từng trường hợp bệnh, có thể chọn trong các nhóm thuốc sau:

Thuốc giảm đau: chọn một trong các thuốc theo bậc thang giảm đau của Tổ chức Y tế Thế giới. Tùy theo tình trạng đau mà điều chỉnh liều thuốc cho phù hợp.

Chống viêm không steroid (NSAIDs): không được phối hợp hai loại thuốc trong nhóm, sử dụng phối hợp với thuốc bảo vệ dạ dày nhóm ức chế bơm proton.

Thuốc giãn cơ.

Trường hợp đau có nguồn gốc thần kinh có thể kết hợp với một trong các thuốc giảm đau thần kinh.

Trong trường hợp đau nhiều, các thuốc giảm đau ít tác dụng, có thể tiêm Corticosteroid ngoài màng cứng.

Thuốc chống thoái hóa khớp tác dụng chậm (Với trường hợp đau thần kinh tọa do thoái hóa cột sống thắt lưng).

Điều trị không dùng thuốc:

Chế độ nghỉ ngơi: Nằm giường cứng, tránh các động tác mạnh đột ngột, tránh mang vác nặng, đứng, ngồi quá lâu.

Vật lý trị liệu: Chiếu đèn hồng ngoại, thể dục trị liệu, kéo giãn cột sống thắt lưng, treo người bằng xà đơn, bơi, đeo đai lưng hỗ trợ nhằm tránh quá tải trên đĩa đệm cột sống.

 

PHÒNG BỆNH

Giữ tư thế cột sống thẳng đứng khi ngồi lâu, đứng lâu, có thể mang đai lưng hỗ trợ. 

Tránh bị nhiễm lạnh, ẩm thấp kéo dài.

Tránh các động tác đột ngột, sai tư thế, mang vác nặng.

Luyện tập bơi lội hoặc yoga để tăng sức bền của khối cơ lưng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top