Người mẹ hiến tạng con, cứu 6 người

Nội dung

Tròn nửa năm kể từ ngày một phần cơ thể con tiếp tục sống cùng những người khác, bà Nhường đã biết danh tính năm trong số sáu người nhận được tạng của con mình, duy nhất chưa biết người nhận trái tim là ai. Bà đành viết lên mạng nhờ tìm thông tin: "Nếu ai biết hoặc người nào nhận trái tim vào trưa ngày 16 hoặc 17/9/2020 mong mọi người nhắn giúp tôi".

Bà Nhường và người con trai đã khuất. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Chiều 22/3, trong căn nhà hai tầng tại Phố Đông (Thanh Tùng, Thanh Miện), bà Nhường thay ga giường và phủi bụi tủ quần áo của người con trai tên Thắng đã mất. Từ ngày anh đi, chẳng có ai vào phòng nhưng cứ vài ngày bà lại dọn dẹp, vì tin con đang ở bên mình.

Thắng là tình yêu, hy vọng và cả chỗ dựa của bà Nhường, kể từ khi chồng và con gái thứ hai qua đời hai chục năm trước. "Hồi ông nhà tôi mất, thằng bé mới 11 tuổi. Có lần nó còn dặn tôi, trưa nắng mẹ đừng về cho vất vả, con tự làm cơm cúng bố được", người phụ nữ từng là hộ sinh tại Trung tâm y tế dự phòng, Bệnh viện huyện Thanh Miện, chia sẻ.

Anh tốt nghiệp Đại học Thủy lợi và công tác tại Công ty thủy lợi 1 (Bắc Ninh). Mỗi lúc mẹ giục lấy vợ, anh hứa hẹn: "Bố con mất sớm, mẹ lại vất vả với con bao năm nay. Lấy vợ rồi con sợ không chăm sóc tốt được cho mẹ nên 32 tuổi con mới lấy". Bà Nhường đinh ninh cuối năm 2020 con sẽ lấy vợ.

Sáng ngày 11/9/2020, người phụ nữ thất thập đang ngồi chơi với mấy bạn già trong xóm, lòng dự tính chiều sẽ nấu canh cua và xay nước rau má để tối con về. Bỗng nhiên, cú điện thoại từ người họ hàng khiến bà loạng choạng, vỡ vụn nỗi háo hức chờ con mỗi cuối tuần: "Đêm qua Thắng bị tai nạn, đang cấp cứu ở bệnh viện tỉnh".

Anh Thắng bị tai nạn giao thông lúc gần 11 giờ đêm hôm trước. Bốn ngày sau, chàng trai 32 tuổi không qua khỏi.

Lúc đó con gái cả của bà Nhường, chị Nguyễn Thanh Chung và họ hàng có nguyện vọng hiến tạng. Ban đầu bà không đồng ý nhưng chị cố thuyết phục: "Mẹ nghĩ lại đi vì sau này có muốn hiến tạng cũng không còn cơ hội nữa đâu. Hiến bao nhiêu tạng là 'thêm bấy nhiêu em Thắng'. Em sẽ vẫn bên mẹ".

Lý lẽ này của người con gái lớn khiến bà Nhường đồng ý vì tin con mình có thể tái sinh trong nhiều cuộc đời khác. "Trước khi ký vào hồ sơ tôi đưa ra một nguyện vọng: Những tạng nào, người nào nhận hãy cho tôi biết cụ thể về họ tên và địa chỉ", bà chia sẻ.

Sáng ngày 16/9, gia đình được gặp mặt con lần cuối. Ngay sau đó, các bác sĩ đã thực hiện ca lấy tạng từ người cho chết não để ghép cho năm bệnh nhân khác nhau tại Bệnh viện trung ương quân đội 108, bao gồm: ghép hai lá phổi cho một bệnh nhân bị xơ phổi; ghép gan cho một bệnh nhân suy gan; ghép hai quả thận cho hai bệnh nhân bị suy thận mạn tính giai đoạn cuối; ghép đồng thời hai cẳng bàn tay cho một bệnh nhân bị tai nạn chất nổ.

Riêng tim của người đã mất được ghép cho một bệnh nhân ở Bệnh viện Việt Đức. Tang lễ của anh Thắng được tổ chức trong chiều hôm đó, có đại diện Bệnh viện Phổi, Bệnh viện 108, cùng một số người của các gia đình bệnh nhân được ghép tạng tiễn đưa. Câu chuyện chàng thanh niên chết não hiến tạng cứu sáu người được đăng tải nhiều trên báo đài.

Trung tướng Mai Hồng Bàng, giám đốc bệnh viện 108 cho biết: "Tháng 11/2020, bệnh viện nhận được đề nghị cung cấp thông tin về người nhận tạng của bà Nhường nhưng theo quy định của pháp luật, thông tin về người cho, nhận trong quá trình hiến, lấy, ghép tạng phải được bảo mật. Đại diện bệnh viện đã gặp gỡ, động viên và giải thích với gia đình. Ngày 24/11/2020, gia đình đã xin rút đơn".

Đang điều trị tại Bệnh viện 108 sau khi nhận hai tay, Nam, 18 tuổi (quê Thái Nguyên), xem bà Nhường như bà nội mình. Tai nạn chất nổ ba năm trước khiến cậu thiếu niên bị mất hai cẳng bàn tay nên gia đình đăng ký chờ được hiến tạng. Gần 1.000 ngày qua, cậu thiếu niên nuôi hy vọng mong manh một ngày nào đó phép màu đến với mình.

Bà Nhường lầu đầu tiên gặp cậu bé nhận hai tay của con. Ảnh: Gia đình cung cấp.

Hai bàn tay của con bà Nhường giờ nằm trên cơ thể Nam, bước đầu cậu đã có thể cầm nắm, có cảm giác nóng lạnh. Bàn tay này cũng đã nắm đôi bàn tay nhăn nheo của bà Nhường, đã vòng sau lưng ôm bà như đứa cháu quấn quýt nội mình.

"Lần đầu bà đến thăm, mặt bà nhìn em thì vui, nhưng ánh mắt thoáng buồn. Có lẽ bà nghĩ đến anh. Những lần sau tới bà vui hơn. Bà không còn kể chuyện về anh nữa mà hỏi em đã bình phục thế nào", Nam chia sẻ. Bà Nhường từng lên bệnh viện thăm Nam nhiều lần, có lần còn ở lại chăm sóc cậu vài ngày.

Bà Nhường cảm thấy được an ủi rất nhiều khi biết đôi tay của con ngày một tương thích với cơ thể cậu bé Nam, được mang ruốc tới thăm người đang mang thận của con, thi thoảng hỏi thăm bác nhận phổi, người mẹ già cũng mong được nói cảm ơn người đang ôm ấp trái tim của con mình...

(Theo VNExpress)

return to top