Là vì hạnh phúc của chúng ta đang đặt lên vai người khác, nhưng người khác không phải gánh trách nhiệm làm cho bạn hạnh phúc!
Mỗi người đều còn cuộc đời của họ, họ cũng có nhiệm vụ làm cho chính họ hạnh phúc. Là vợ, các chị thường định nghĩa hạnh phúc là chồng quan tâm đến mình, yêu mình, con cái hiếu thuận với mình, chiều mình, rộng hơn nữa thì là giàu có… Thế là khi không có được đức ông chồng toàn tâm toàn ý thì đau khổ, khi con học dốt chút cũng đau khổ…
Nhiều khi các ông bà già rồi cũng không bao giờ hạnh phúc nổi là vì thấy con mình còn khó khăn, hoặc đứa nọ, đứa kia hư hỏng, cờ bạc, rượu chè, nghiện ngập. Vậy có phải là ta không hạnh phúc được là vì cứ mong muốn người khác đem đến hạnh phúc cho mình?
Lại nói về cảm giác hạnh phúc. Tôi có thể tin rằng một đứa trẻ cứ muốn gì là được đáp ứng, nó sẽ rất khó đạt được cảm giác này. Đầu tiên là nó đòi một cái xe đạp, bố mẹ cố gắng mua cho cái xe đạp rồi, thì đòi cái xe máy, có được cái xe máy cũng không hạnh phúc, cần phải có ô tô. Bố mẹ nó mong rằng nó sẽ hạnh phúc, vì hạnh phúc của con là hạnh phúc của bố mẹ.
Như bác tôi nói thì hạnh phúc phải là thứ gì đó cao cả, phải làm cho tất cả những người xung quanh mình hạnh phúc, thì mới là hạnh phúc. Tôi thừa nhận hạnh phúc là thứ cao cả, nhưng vế thứ hai thì tôi không đồng ý. Bởi một người nếu không trải qua sự nỗ lực, để thành công thì chẳng bao giờ hạnh phúc cả. Nếu một người cứ luôn đòi hỏi người khác phải đáp ứng cái mà mình muốn, mình càng đáp ứng họ càng không thoả mãn, mà đã không thoả mãn thì cũng không hạnh phúc được. Ví dụ như người vợ, cứ muốn chồng phải thơm má mỗi sáng trước khi đi làm. Chồng làm rồi nhưng một hôm quên thế là người vợ cho rằng chồng không yêu mình nữa, sinh ra đau khổ. Lý do là vì hạnh phúc của người vợ phải do người chồng mang lại, khi người chồng không mang lại thì người vợ cứ đau khổ mãi. Rồi những người quan điểm là tôi bất hạnh là vì khó khăn chẳng có ai giúp tôi cả, thì cũng không thể hạnh phúc nổi, mỗi người đều có trách nhiệm với cuộc đời của chính mình. Họ thoả mãn với cuộc đời họ, đã là tốt lắm rồi, họ giúp mình được thì mình biết ơn, nhưng không giúp mình được thì mình vẫn phải hạnh phúc với cuộc đời của mình chứ, cớ gì lại phải là người này cho mình cái này, giúp mình cái kia mới hạnh phúc được.
Bác tôi nói, ông bà tôi rất hạnh phúc, cái hạnh phúc hiển hiện lên nét mặt. Tôi không cho là như vậy, ông nội tôi thanh thản, là vì cả đời đã sống thanh liêm, còn hạnh phúc, mãn nguyện thì không hẳn, là vì đến lúc mất đi rồi, vẫn cứ phải đau đáu lo cho con cháu. Là vì con cháu không tự làm mình hạnh phúc được, nên ông bà cũng không hạnh phúc. Tôi viết bài này, dài dòng văn tự đến thế, không phải là vì cố gắng để chứng minh điều gì, càng không cầu mong thay đổi tư duy của ai. Tôi vẫn nói có hai thứ dở hơi nhất mà cả đời người ta cứ mất thời gian để làm, đó là: Cố gắng thay đổi người khác và cố gắng để người khác hiểu mình. Bao giờ cũng thế, chỉ có trải qua đau khổ, mất mát người ta mới chịu ngồi xuống và lắng nghe. Chỉ có trải qua tuyệt vọng, họ mới bắt đầu tĩnh tâm mà quan sát cuộc đời và bắt đầu nhận ra những sai lầm của chính mình. Vì sự trưởng thành, vì quá trình hoàn thiện bản thân luôn là một quá trình vĩ đại, người ta phải vật lộn với những tư tưởng trước nay người ta cho là đúng, người ta phải mở não ra để đón nhận cái mới, người ta phải dám thừa nhận mình sai để chịu thay đổi đi, đau đớn lắm, nhục nhã lắm, nhưng bước qua nó mới biết thế nào là cuộc đời đẹp như một đoá hoa. Còn không mãi mãi là sự bất mãn, mãi mãi là cảm giác “mình giỏi thế này mà vì sao may mắn cứ bỏ xa mình?”.
Chính vì thế tôi thường hay có xu hướng cảm ơn đau khổ, cảm ơn những người đã quay lưng lại với mình, cảm ơn những người đối xử tệ bạc với mình, cảm ơn những lời cay đắng đã giúp mình mạnh mẽ hơn, để đạt được thành quả của sự nỗ lực. Ngày nhỏ, tôi vẫn thường ước gì bố mẹ tôi chỉ là bố mẹ nuôi thôi, còn bố mẹ đẻ là một ông bà tỷ phú nào đó, siêu giàu, một ngày đến rước tôi đi, đặt tôi vào một căn biệt thự, cho tôi đi siêu xe và hàng hiệu. Chỉ đến khi trưởng thành, tôi mới biết cảm ơn là bố mẹ đã không bao bọc tôi, đã đưa tôi vào đời từ rất sớm, cảm ơn vì gia đình mình không giàu có, để mình không được quyền ỉ lại. Bao giờ tôi cũng phải tạo cho mình một sức ép, nếu không nỗ lực hơn, không cố gắng hơn thì người ta sẽ lại xem thường mình mất. Cứ thế, từng bước, từng bước một tôi chạm đến gần hơn những mục tiêu của chính mình. Thứ hạnh phúc được hít thở khí trời mỗi sáng, cảm ơn tạo hoá đã cho mình sự sống, thứ hạnh phúc bình dị được uống trà, được đàm đạo, tán gẫu với bạn bè, được ngủ lâu hơn nếu như mình mệt, thứ hạnh phúc biết trân trọng từng giờ một trên đời, thứ hạnh phúc mà rất nhiều người cho là tầm thường, lại là thứ hạnh phúc mà cả đời người tìm kiếm. Nó ở ngay bên cạnh, ngay bên trong, nhưng để cảm nhận được nó, phải là những người đã trải qua đủ đau đớn, đã biết rộng mở trái tim mình, đã chịu thay đổi tư duy, đã thôi đòi hỏi, thôi trách móc…
Đúng thế, phần quà ấy, chỉ dành cho người xứng đáng!
Jaya Việt Nam - Hành trình tìm kiếm vẻ đẹp của những điều không hoàn mỹ