✴️ Chăm sóc hệ đề kháng của chính mình

Hệ miễn dịch thực ra là gì?

Đó là một hệ thống quân đoàn bao gồm một số bộ phận, một số tế bào và một số loại protein đặc biệt cùng hỗ trợ nhau bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập của các loại vi khuẩn, virus, hay bất kỳ chất lạ nào.

Hệ thống này phân ra thành nhiều hàng rào từ ngoài da vào tận các tế bào. Do đó nó có thể chống lại bất cứ tác nhân nào, từ lớn như côn trùng, bụi,... cho đến nhỏ như vi khuẩn, virus,... Hiệu ứng được bảo vệ mà hệ miễn dịch tạo ra có thể hiểu như một vòng bảo vệ vô hình đang bao bọc xung quanh cơ thể.

Có thể thấy hệ miễn dịch không hề xa xăm hay bí ẩn gì cả, nó là da, thịt, máu của chúng ta mà thôi. Vậy làm sao để giúp hệ miễn dịch mạnh lên được? Có cần phương pháp đặc biệt nào không?

 

1. Chúng ta ăn uống cũng ảnh hưởng đến hệ miễn dịch

Nếu hỏi chúng ta ăn gì để khỏe mạnh, có lẽ câu trả lời sẽ đến dễ dàng hơn so với hỏi ăn gì để tốt cho hệ miễn dịch. Chúng ta vẫn thường nghĩ rằng cần phải có một số loại thực phẩm, chất hóa học đặc biệt nào đó để phục vụ riêng cho hệ miễn dịch. Sự thật không phức tạp đến vậy đâu.

Như chúng ta đã tìm hiểu ở trên, hệ miễn dịch cũng là những bộ phận và tế bào trong cơ thể của chúng ta, do đó cũng tuân theo một quy tắc dinh dưỡng thông thường, đó là ăn đủ.

Đầu tiên là phải đủ năng lượng. Hệ miễn dịch sẽ suy yếu nếu bạn cố ý bỏ đói cơ thể. Ngay cả những lực sĩ tham dự các giải đấu thể hình cũng công nhận rằng khi phải ăn kiêng để đạt được thể hình dự thi, hệ miễn dịch cũng bị ảnh hưởng rất nhiều, bằng chứng là họ dễ mắc cảm cúm, tiêu chảy, ngộ độc,... những tình huống mà khi ở trạng thái bình thường hệ miễn dịch có thể dễ dàng chống trả.

Tiếp theo đó là đủ chất dinh dưỡng, đây là lý do mà bữa ăn của chúng ta cần phải đa dạng và được thay đổi thường xuyên. Chất dinh dưỡng ở đây có thể phân thành nguyên tố đa lượng và vi lượng.

Đa lượng bao gồm tinh bột, đạm và chất béo. Để giúp chúng ta đảm bảo sức khỏe trong mùa dịch bệnh, bạn có thể tham khảo chế độ dinh dưỡng 4-5-1 được Bộ Y Tế khuyến nghị.

Còn nguyên tố vi lượng thì bao gồm các khoáng chất và vitamin, và cơ thể chỉ yêu cầu một lượng rất nhỏ (do vậy mà được gọi là vi lượng). Tuy cần ít, nhưng nếu thiếu thì có thể ảnh hưởng rất lớn đến cơ thể. Thường những chất vi lượng cũng được cung cấp đầy đủ khi chúng ta ăn đa dạng thực phẩm.

Nếu có lo lắng về việc không cung cấp đủ chất, bạn có thể đọc bài viết về các loại thực phẩm bổ sung để tăng cường cho hệ miễn dịch.

 

2. Chúng ta tập luyện cũng ảnh hưởng đến hệ miễn dịch

oạt động luyện tập thể dục thể thao, hay đơn giản chỉ là thói quen vận động cũng đóng góp rất nhiều cho hiệu quả của hệ miễn dịch, bất kể là tập luyện cơ bắp hay hệ tuần hoàn.

Đó là vì cơ bắp phát triển sẽ kéo theo lượng tế bào máu, mô, cơ cũng tăng theo, hiểu đơn giản là tăng quân số cho đoàn quân miễn dịch.

Còn hệ tuần hoàn hiệu quả sẽ giúp cơ thể vận chuyển máu (chính là phương tiện đi lại của các tế bào phụ trách miễn dịch) thật nhanh chóng, hiệu quả đến tất cả các cơ quan trong cơ thể, kịp thời ứng cứu khi có các nhân tố lạ xâm nhập.

Một hệ tuần hoàn khỏe còn giúp nuôi dưỡng các cơ quan tốt hơn, từ đó cũng tạo nên hệ miễn dịch khỏe mạnh hơn.

 

3. Chúng ta ngủ nghỉ có liên quan gì đến hệ miễn dịch?

Giấc ngủ là một phần cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe của chúng ta, nó gây ra ảnh hưởng ngay lập tức mỗi khi có những xáo trộn. Và tất nhiên việc nó có liên quan đến hệ miễn dịch cũng không phải là điều quá ngạc nhiên.

Cụ thể, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng có những giai đoạn hoạt động khác nhau của hệ miễn dịch. Ví dụ số lượng tế bào lympho sẽ hoạt động mạnh nhất vào thời điểm chúng ta đang ngủ. Do đó hoạt động tái tạo, hồi phục của nhiều cơ quan cũng được thúc đẩy rất mạnh mẽ trong khi cơ thể nghỉ ngơi.

Mối liên hệ này hoạt động như thế nào còn cần nhiều nghiên cứu để chứng minh. Tuy nhiên việc đảm bảo một giấc ngủ sâu, đều đặn và ổn định chắc chắn là một yếu tố không thể thiếu để giữ hệ miễn dịch khỏe mạnh.

 

4. Chúng ta vui buồn, có cảm xúc thì liên quan gì đến hệ miễn dịch?

Cảm xúc của chúng ta nhìn dưới góc độ tế bào chính là sự giải phóng các hormone, và hormone lại có ảnh hưởng đến hoạt động của toàn bộ cơ thể.

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng cảm xúc của chúng ta có ảnh hưởng đến hoạt động của hệ miễn dịch, về cả mặt tích cực và tiêu cực. Những đợt áp lực ngắn có thể kích thích hoạt động phản hồi miễn dịch mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên tình trạng căng thẳng kéo dài thì lại khiến hệ miễn dịch ngày càng suy yếu.

Điều này thể hiện rõ ở các nghiên cứu cho thấy những bệnh nhân có vấn đề tâm lý được điều trị bằng các biện pháp tâm lý không dùng thuốc. Nếu tình trạng tâm lý tốt hơn thì hoạt động của hệ miễn dịch trong cơ thể cũng cải thiện rõ rệt.

Có một điểm chúng ta cần lưu ý trong thời điểm này là cảm giác cô đơn ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của hệ miễn dịch, cũng như sức khỏe tổng thể của chúng ta. Đây cũng là lý do mà những người sống một mình có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với những người sống cùng gia đình, hay có các mối quan hệ thân mật, bạn bè hỗ trợ. Và khi chúng ta bị bắt buộc phải ngừng việc gặp gỡ, giao tiếp với người thân, chúng ta đi từ cảm giác bực bội cho đến mệt mỏi và thậm chí là sa sút về sức khỏe.

Do đó, bằng cách này hay cách khác, hãy cố gắng sử dụng công nghệ hỗ trợ để duy trì các mối quan hệ thân thiết trong đời sống. Từ đồng nghiệp, bạn bè cho đến gia đình, họ hàng. Đôi lúc những lời hỏi han, quan tâm có thể mang đến sức mạnh thể chất thật sự cho bạn và người thân đấy.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top