✴️ Omega-3 chưa bão hòa đa và lợi ích

Mở đầu

Acid béo omega – 3 chưa bão hòa đa (chủ yếu là acid docosahexaenoic – DHA và acid eicosapentaenoic – EPA) có thể có một số lợi ích đối với sức khỏe tim mạch. Chẳng hạn tiêu thụ EPA có liên quan đến việc làm giảm nguy cơ mắc các biến cố tim mạch chính trong một nghiên cứu ở Nhật Bản1 và nghiên cứu REDUCE-IT2. Tuy nhiên, các nghiên cứu lâm sàng và các phân tích gộp gần đây cho thấy bổ sung acid béo omega-3 chưa bão hòa đa không có nhiều ảnh hưởng có ý nghĩa đối với biến cố tim mạch, chẳng hạn như nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ. Một phân tích gộp đã nghiên cứu về mối liên hệ giữa acid béo omega – 3 chưa bão hòa 3 và huyết áp, tuy nhiên vẫn chưa có kết luận nào cụ thể về mối quan hệ đáp ứng – liều nào được đưa ra. Các thử nghiệm gần đây về lợi ích của acid béo omega – 3 chưa bão hòa đa cũng cho ra nhiều kết quả trái ngược3. Vì vậy,nghiên cứu mới này được thực hiện để làm rõ mối liên hệ giữa liều của acid béo omega – 3 chưa bão hòa đa và huyết áp.

Tóm tắt nghiên cứu

Phân tích gộp được tiến hành với 71 thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng, bao gồm tổng cộng 4973 người tham gia nghiên cứu (≥ 18 tuổi). Tất cả những thử nghiệm này đều nhằm mục đích phân tích mối liên kết giữa huyết áp và các acid béo omega – 3 chẳng hạn như DHA, EPA hoặc cả 2.

Liều acid béo omega – 3 chưa bão hòa đa được tiến hành để phân tích mối liên hệ giữa liều dùng và ảnh hưởng trên huyết áp bao gồm liều 1 g/ngày, 2 g/ngày, 3 g/ngày, 4 g/ngày và 5 g/ngày. Phân tích nhóm phụ cũng được tiến hành sau khi phân tầng bệnh nhân, bao gồm các nhóm tăng huyết áp (huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg; ≥ 130 mmHg hay < 130 mmHg), huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg,hoặc rối loạn lipid máu (cholesterol tổng cộng ≥ 200 mg/dL hoặc triglycerides ≥ 150 mg/dL), nhóm bệnh nhân có tiêu thụ dầu cá tinh chế, thời gian điều trị ≥ 12 tuần, giới tính và độ tuổi trung bình (≥ 45 tuổi hoặc < 45 tuổi).

Kết quả cho thấy:

  • Có mối liên hệ liều lượng – đáp ứng không tuyến tính giữa liều hỗn hợp DHA + EPA 1 g /ngày, 2 g/ngày, 3 g/ngày, 4 g/ngày và 5 g/ngày và thay đổi huyết áp trung bình khi so sánh với nhóm giả dược.
  • Trong đó liều 2 g/ngày và 3 g/ngày là 2 liều có ảnh hưởng mạnh nhất đối với huyết áp. Cụ thể liều 2 g/ngày làm giảm huyết áp tâm thu trung bình 2.61 mmHg, giảm huyết áp tâm trương trung bình 1.64 mmHg. Liều 3 g/ngày làm giảm huyết áp tâm thu trung bình 2.61 mmHg và giảm huyết áp tâm trương trung bình 1.80 mmHg. Với liều > 3 g/ngày, acid béo omega – 3 chưa bão hòa đa không có nhiều ảnh hưởng trên huyết áp4.

Phân tích nhóm phụ thấy:

  • Đối với nhóm bệnh nhân có huyết áp tâm thu ≥ 139 mmHg, sự giảm huyết áp tuyến tính với liều lượng của DHA + EPA, cụ thể tăng liều hỗn hợp DHA + EPA dẫn đến huyết áp giảm nhiều hơn. Xu hướng này không xuất hiện ở nhóm bệnh nhân có huyết áp < 130 mmHg.
  • Đối với 2 nhóm bệnh nhân có huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và < 140 mmHg, bệnh nhân bị tăng huyết áp có huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương giảm nhiều hơn so với nhóm bệnh nhân không bị tăng huyết áp.
  • Đối với nhóm bệnh nhân rối loạn lipid máu, có mối liên hệ tuyến tính giữa rối loạn lipid máu và huyết áp tâm thu, điều này gợi ý rằng tăng liều hỗn hợp DHA + EPA sẽ làm giảm nhiều huyết áp hơn. Tương tự tăng huyết áp, nhóm bệnh nhân không bị rối loạn lipid máu không có xu hướng này, nhưng có thể quan sát thấy liều hỗn hợp DHA + EPA 2 – 3 g/ngày là tối ưu.

 

Bàn luận

Như vậy, kết quả nghiên cứu cho thấy mối liên hệ liều lượng – đáp ứng giữa acid béo omega – 3 chưa bão hòa đa và huyết áp có hình chữ J. Có nghĩa là huyết áp (cả tâm trương và tâm thu) giảm nhiều nhất khi liều hỗn hợp DHA + EPA ở mức trung bình (2 – 3 g/ngày). Kết quả này có xu hướng mạnh mẽ hơn ở các nghiên cứu với tuổi trung bình của người tham gia nghiên cứu ≥ 45 tuổi.

Ngoài ra cũng có mối liên hệ tuyến tính ở nhóm bệnh nhân bị rôi sloanj lipid máu và tăng huyết áp. Điều này cho thấy bệnh nhân tăng huyết áp và rối loạn lipid máu có thể đáp ứng tốt hơn đối với lợi ích của acid béo omega – 3 chưa bão hòa đa trên huyết áp.


 

Tài liệu tham khảo

  1. Yokoyama M, Origasa H, Matsuzaki M, Matsuzawa Y, Saito Y, Ishikawa Y, Oikawa S, Sasaki J, Hishida H, Itakura H, et al. Effects of eicosapentaenoic acid on major coronary events in hypercholesterolaemic patients (JELIS): a randomised open‐label, blinded endpoint analysis. Lancet. 2007; 369:1090–1098. DOI: 10.1016/S0140‐6736(07)60527‐3
  2. Bhatt DL, Steg PG, Miller M, Brinton EA, Jacobson TA, Ketchum SB, Doyle RT, Juliano RA, Jiao L, Granowitz C, et al. Cardiovascular risk reduction with icosapent ethyl for hypertriglyceridemia. N Engl J Med. 2019; 380:11–22. doi: 10.1056/NEJMoa1812792
  3. Ashley Lyles. Omega-3 Fatty Acids May Reduce Blood Pressure. Medscape. Update 08 June 2022. Accessed date 09 June 2022. URL: https://www.medscape.com/viewarticle/975249?src=
  4. Xin Zhang, Jennifer A. Ritonja; Na Zhou et al. Omega‐3 Polyunsaturated Fatty Acids Intake and Blood Pressure: A Dose‐Response Meta‐Analysis of Randomized Controlled Trials. Journal of the American Heart Association. 2022;11(11). DOI: 10.1161/JAHA.121.025071

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top