1. Tìm hiểu chung
1.1. Viêm xoang hàm là gì? Có nguy hiểm không?
Trong hệ thống các xoang, xoang hàm là vùng dễ bị nhiễm trùng nhất. Xoang hàm bao gồm các hốc xoang nằm trải quanh hai bên má và vùng mắt. Các hốc xoang đều được bao phủ bởi một lớp niêm mạc. Khi lớp niêm mạc này bị viêm nhiễm bởi vi sinh vật tấn công sẽ gây viêm xoang, trong đó có viêm hốc xoang hàm.
Đối với những người bị viêm khu xoang hàm cấp tính hoặc viêm mủ khu xoang hàm do các bệnh răng miệng gây ra… nếu không được can thiệp kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như:
– Viêm đa xoang: Sự viêm nhiễm từ xoang hàm có thể sẽ lây lan ra các hốc xoang khác như xoang trán, xoang sàng sau… do các hốc xoang này có vị trí gần nhau.
– Viêm mũi, viêm họng và viêm thanh quản: Dịch mủ viêm từ xoang hàm khi bị tích tụ quá nhiều có thể sẽ chảy vào đường mũi, xuống họng…
– Viêm tắc các tĩnh mạch trong hốc xoang, viêm dây thần kinh thị giác,… đều là hậu quả nếu viêm nhiễm khu xoang hàm kéo dài mà không được kiểm soát và điều trị.
1.2. Tổng hợp những nguyên nhân gây viêm hốc xoang hàm?
Các nguyên nhân khiến cho hốc xoang hàm bị viêm bao gồm:
– Bệnh viêm mũi dị ứng kéo dài dai dẳng không được kiểm soát;
– Bất thường về cấu trúc vách ngăn mũi như: Lệch, vẹo, có gờ…
– Các bệnh lý về răng miệng như: Sâu răng, viêm răng, áp xe răng, viêm lợi, viêm amidan…
– Các chấn thương do phẫu thuật hoặc tai nạn giao thông, tai nạn lao động…
– Virus, v khuẩn từ bên ngoài xâm nhập và tấn công qua đường hô hấp;
2. Những dấu hiệu nhận biết bệnh viêm xoang hàm là gì?
Cũng giống như các loại viêm xoang mũi khác, bệnh viêm hốc xoang hàm cũng có các dấu hiệu nhận biết quen thuộc như:
– Ngạt mũi kéo dài;
– Đau mặt, đau tai và đau đầu âm ỉ;
– Sốt;
– Bên mũi bị viêm xuất hiện dịch mủ;
Bên cạnh đó, tùy vào mức độ bệnh và nguyên nhân gây bệnh mà các triệu chứng cũng khác nhau:
– Viêm xoang hàm cấp tính: Đau buốt đầu xuất hiện liên tục kèm sốt cao. Các cơn đau chủ yếu là ở hốc mắt, lan ra thái dương và vùng mắt. Ngoài ra, tùy vào vị trí hốc xoang hàm bị viêm mà sẽ kéo theo vị trí má bị đau. Nếu viêm xoang bên hàm phải thì cơn đau sẽ xuất hiện ở bên mặt phải và ngược lại. Các cơn đau sẽ trở nên dữ dội hơn khi người bệnh đột ngột thay đổi tư thế như: cúi gập người, ngồi bật dây… Đây cũng là lí do vì sao buổi sáng khi mới ngủ dậy người bệnh sẽ thấy đau buốt dữ dội do lượng dịch mủ trong hốc xoang tích tụ sau một đêm.
– Viêm xoang hàm mạn tính: Thường viêm hốc xoang hàm cấp tính sẽ kéo dài khoảng 6 tuần. Nếu không được điều trị, các triệu chứng sẽ chuyển thành mạn tính. Đến giai đoạn này, người bệnh sẽ không còn thấy đau nhức mặt, nhưng sẽ bị tắc ngạt mũi liên tục.
3. Chẩn đoán và điều trị
3.1. Làm thế nào để chẩn đoán bệnh chính xác?
Đầu tiên, các bác sĩ sẽ đưa ra những câu hỏi nhằm khai thác tối đa thông tin bệnh sử của người bệnh. Để bác sĩ có thể hiểu rõ và đưa ra những chẩn đoán chính xác, người bệnh nên chia sẻ chi tiết, đầy đủ tất cả những triệu chứng đang gặp phải.
Sau đó, bác sĩ sẽ thực hiện một vài kỹ thuật khám và chỉ định người bệnh làm một số xét nghiệm để có thể đưa ra kết luận cuối cùng, bao gồm:
– Nội soi mũi;
– Xét nghiệm qua hình ảnh chụp CT;
– Lấy mẫu bệnh phẩm;
– Xét nghiệm dị ứng;
3.2. Những phương pháp giúp điều trị viêm xoang hàm
Hiện nay, viêm xoang nói chung và viêm hốc xoang hàm nói riêng đều có cách kiểm soát và điều trị. Một trong những phương pháp phổ biến nhất chính là dùng thuốc.
– Nếu nguyên nhân gây bệnh là vi sinh vật: Bác sĩ sẽ kê đơn các loại thuốc kháng sinh.
– Nếu nguyên nhân gây bệnh là do dị ứng: Bác sĩ sẽ kê đơn các loại thuốc kháng histamin.
Tùy vào triệu chứng đi kèm, bác sĩ có thể kê thêm thuốc giảm đau, chống phù nề… để tăng hiệu quả điều trị. Tuy nhiên, dùng thuốc chỉ áp dụng cho những bệnh nhân đang ở giai đoạn bệnh còn nhẹ.
Khi bệnh trở nên trầm trọng, không đáp ứng điều trị bằng thuốc, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các thủ thuật y tế chuyên sâu khác như:
– Thủ thuật súc rửa xoang (Proetz) để bơm dung dịch thuốc vào làm sạch các hốc xoang;
– Chọc xoang hàm nhằm hút sạch mủ;
– Phẫu thuật để cắt bỏ polyp mũi hoặc chỉnh hình vách ngăn mũi;
Còn trường hợp người bệnh bị viêm hốc xoang hàm do các bệnh lý răng miệng gây ra thì phương pháp điều trị chính là điều trị từ chính các bệnh răng miệng. Một số trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh cần phải nhổ răng.
4. Làm thế nào để phòng ngừa viêm hốc xoang hàm?
Vì bệnh có thể dẫn đến những biến chứng không mong muốn nên làm thế nào để phòng ngừa bệnh là rất cần thiết. Hãy xây dựng và duy trì một lối sống khoa học để phòng ngừa bệnh ngay hôm nay:
– Dành thời gian tập luyện thể dục, thể thao giúp cải thiện sức khỏe;
– Luôn đeo khẩu trang khi ra ngoài, hạn chế đến những nơi ô nhiễm, nhiều khói bụi và các tác nhân gây dị ứng (nếu có);
– Ăn nhiều rau củ quả để bổ sung vitamin, tăng cường miễn dịch;
– Hạn chế tiếp xúc, ăn chung và dùng chung đồ đạc với những người có bệnh hô hấp;
– Không ăn các món có tính cay, nóng vì sẽ gây trào ngược dạ dày – nguồn cơn dẫn đến các bệnh tai, mũi, họng;
– Không nên sử dụng tất cả chất kích thích như cà phê, rượu, bia, thuốc lá…
– Hạn chế uống nước lạnh, nước đá vì nó dễ làm niêm mạc miệng bị kích thích, dẫn đến viêm họng;
– Vệ sinh răng miệng đúng cách để hạn chế các bệnh viêm nhiễm;
Có thể nói, đối với bệnh viêm xoang hàm, việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời đóng vai trò rất quan trọng trong hiệu quả điều trị. Do đó, người bệnh nên gặp bác sĩ sớm, ngay khi phát hiện có bất kỳ triệu chứng nào trên đây. Khi được điều trị sớm, hiệu quả đạt được càng cao. Vì thế, chúng ta không nên chủ quan mà hãy nhanh chóng đi gặp bác sĩ để được tư vấn phác đồ điều trị hiệu quả.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh