✴️ Sau cơn đau tim, người trầm cảm có tỉ lệ tử vong tăng gấp đôi

Nội dung

Các nhà khoa học đã biết sự tác động qua lại của bệnh lý tim mạch và trầm cảm. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây nghiên cứu sự tác động của trầm cảm lên bệnh lý tim mạch trong một thời gian dài và nhận ra những rối loạn tâm thần làm tăng tỉ lệ tử vong trên đối tượng này.

Bệnh lý tim mạch vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới và riêng ở Mỹ, tử vong có liên quan đến tim mạch xảy ra mỗi phút.

Trầm cảm cũng là mối quan tâm sức khỏe hàng đầu. Theo Hiệp hội Rối loạn lo âu và Trầm cảm Hoa Kỳ, trầm cảm ảnh hưởng đến rất nhiều người. Hội chứng trầm cảm là nguyên nhân hàng đầu làm tổn hại sức khỏe trong độ tuổi 15 -44. 

Một nghiên cứu mới được trình bày trong Phiên họp khoa học thường niên lần 66 của Trường môn Tim mạch Hoa Kỳ đã nêu lên mối liên kết giữa hai bệnh lý này. Nghiên cứu này tập trung đánh giá ở những bệnh nhân đã được chẩn đoán nhồi máu cơ tim, cơn đau thắt ngực không ổn định, bệnh mạch vành mạn. Những bệnh lý này thuộc bệnh lý mạch vành- bệnh lý tim mạch gây nên khoảng 365.000 trường hợp tử vong theo thống kê của CDC.

Trầm cảm làm tăng gấp đôi nguy cơ tử vong ở người đau tim

Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Dịch tễ học Tim mạch Heidi May đang làm việc tại Viện Tim mạch Trung tâm Y khoa Intermountain ở thành phố Salt Lake đã thu thập thông tin từ bệnh sử của gần 25.000 bệnh nhân của hệ thống sức khỏe Intermountain. Những bệnh nhân này được theo dõi triệu chứng trong gần 10 năm sau khi được chẩn đoán bệnh mạch vành.

Nhìn chung, có khoảng 15% những bệnh nhân này cũng được chẩn đoán trầm cảm sau khi chẩn đoán bệnh tim mạch. Tỉ lệ trong dân số này cao hơn hẳn trong dân số chung, vốn ước đoán khoảng 7,5 đến 10%.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng phân tích các yếu tố nguy cơ, tuổi tác, giới tính, thuốc điều trị, thời gian khởi phát trầm cảm cũng như nhồi máu cơ tim, đau ngực hay các biến chứng đi cùng.

Sau khi phân tích, trầm cảm được xem là yếu tố dự báo tử vong trên nhóm bệnh nhân này. Thực tế, bệnh nhân trầm cảm có tỉ lệ tử vong gấp 2 lần nhóm bệnh nhân không trầm cảm.

Trong 3.646 người được chẩn đoán trầm cảm, có khoảng 50% tử vong trong thời gian thực hiện nghiên cứu. Ngược lại, chỉ có 38% người không mắc bệnh trầm cảm tử vong thời gian nghiên cứu.

      

Các bác sĩ lâm sàng nên phát hiện trầm cảm ở bệnh nhân tim mạch

Thật ra các nghiên cứu trước đây đều ghi nhận mối quan hệ và sự tác động qua lại giữa trầm cảm và bệnh tim mạch. Trong khi các nghiên cứu trước đây chỉ đánh giá tác động của trầm cảm trong vài tháng đầu sau cơn đau tim, nghiên cứu của May và cộng sự là nghiên cứu đầu tiên đánh giá trong một thời gian dài như vậy.

Các tác giả khuyên các bác sĩ lâm sàng nên chú ý phát hiện ra trầm cảm, có thể sử dụng các công cụ hỗ trợ như bộ câu hỏi, hay đơn giản là ghi nhận các triệu chứng nghi ngờ.

Trưởng nhóm nghiên cứu cho rằng: “Cảm xúc của bệnh nhân sẽ bị tác động xấu sau khi được chẩn đoán bệnh mạch vành.” Cho nên các bác sĩ nên chú ý đến các triệu chứng thực thể lẫn cảm xúc, tâm lý của bệnh nhân.

Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sàng lọc bệnh trầm cảm ở bệnh nhân bệnh mạch vành: “Nghiên cứu này chỉ ra rằng dù trầm cảm xảy ra trong thời gian ngắn hay kéo dài vài năm thì nó vẫn là yếu tố cần được đánh giá xuyên suốt. Bệnh nhân có bệnh mạch vành nên được theo dõi các triệu chứng trầm cảm liên tục, nếu phát hiện có biểu hiện trầm cảm, bệnh nhân cần được điều trị đầy đủ và theo dõi liên tục”

 

Có thể bạn quan tâm: Vắc xin điều trị ung thư trong thử nghiệm lâm sàng

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top