✴️ Y học cổ truyền trị liệu chứng chuột rút

Chuột rút là những cơn co thắt khối cơ bắp chân một cách đột ngột và gây đau đớn. Chúng thường xuất hiện khi cơ thể nghỉ ngơi, thường là trong khi ngủ. Thời gian cơ co rút có thể kéo dài trong vài giây đến vài phút. Các nhóm cơ thường bị chuột rút ở chân là nhóm cơ sinh đôi (mặt sau của cẳng chân), cơ nhị đầu đùi và cơ tứ đầu đùi.

Bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, nhiều người đột nhiên xuất hiện chứng chuột rút này, đặc biệt ở nhóm người cao tuổi và phụ nữ mang thai.

Nguyên nhân của chuột rút chân vẫn chưa được hiểu rõ, nó có thể liên quan đến các yếu tố sau:

  • Tập thể thao, chấn thương và sử dụng cơ bắp quá mức;
  • Tiếp xúc với nhiệt độ lạnh, đặc biệt đối với nước lạnh;
  • Các tư thế không thích hợp như đứng hay ngồi trong thời gian dài, hoặc đặt chân sai tư thế;
  • Mất nước, ví dụ như ra lượng mồ hôi quá lớn;
  • Tuần hoàn máu kém, ví dụ như hẹp mạch máu chi dưới, xơ cứng động mạch;
  • Sự mất cân bằng điện giải hoặc thiếu hụt khoáng chất, ví dụ canxi và magiê. Ví dụ như tiêu chảy nặng, nôn mửa, mất máu;
  • Mang thai;
  • Các loại thuốc như thuốc lợi tiểu, thuốc hạ lipid máu, thuốc chống trầm cảm, thuốc kích thích tuyến thượng thận…
  • Vấn đề sức khoẻ như suy thận, xơ gan, nghiện rượu và hội chứng suy giáp…

Xử lí thế nào khi bị chuột rút?

Hầu hết các chứng chuột rút chân sẽ đáp ứng với việc xoa bóp nhẹ nhàng và kéo dài. Tuy nhiên, những đối tượng khác nhau có thể thuyên giảm theo những cách khác nhau, bạn phải thử và tìm ra cách tốt nhất cho cơ bắp bị chuột rút của bạn. Đối với chuột rút vùng bắp chân, bạn có thể thử như sau:

  • Cố gắng đứng dậy, đặt 2 tay lên tường, nghiêng người từ từ ra trước, tỳ gót chân xuống giữ cho đến khi hết chuột rút.
  • Ngồi dậy, thẳng chân và gập bàn chân. Điều này có thể được giúp đỡ bằng cách đặt một chiếc khăn cuộn dưới lòng bàn chân, giữ khăn ở cả hai đầu, và nhẹ nhàng kéo khăn hướng về đầu trong khi luôn giữ đầu gối thẳng. Giữ ở vị trí này cho đến khi chuột rút hoàn toàn.
  • Nếu bạn có thể tìm thấy ai đó để giúp đỡ, ngồi xuống và duổi thẳng chân, để người giúp đỡ nắm bàn chân của bạn, nâng chân và gập bàn chân nhẹ nhàng về phía bạn, tránh gây tổn thương cơ, hãy nhớ luôn giữ đầu gối thẳng.
  • Khi chứng chuột rút chân xảy ra dưới nước, không lên bờ kịp, cố gắng giữ bình tĩnh, đừng hoảng sợ. Trước tiên hít thở sâu, ngả đầu xuống nước, hãy làm như một con sứa, nằm sấp lên trên mặt nước, nắm lấy các ngón chân bên chuột rút, rồi từ từ kéo duỗi thẳng chân. Làm một lần chưa đủ, cần làm như vậy vài lần, các khối cơ sẽ được thả lỏng. Khi kéo các ngón chân, đùi hướng về phía trước, đồng thời gót chân hướng ra trước. Sau khi thư giãn, bơi chậm vào bờ, xoa bóp cẳng chân, ngăn ngừa chuột rút tái phát.

Các biện pháp hữu ích giúp thúc đẩy tuần hoàn, giảm đau và thư giãn cơ là:

  • Đi dạo hoặc rung chân;
  • Tắm bằng nước ấm;
  • Đắp nóng hoặc đắp lạnh;
  • Xoa bóp nhẹ dọc theo các cơ bị ảnh hưởng;
  • Thuốc giảm đau hoặc giãn cơ có thể làm giảm sự khó chịu của cơ sau khi bị co cứng;
  • Uống nước hoặc thức uống thể thao để bổ sung nước.

Điều trị chứng chuột rút theo đông y

Trong hầu hết các trường hợp, thỉnh thoảng bị chứng chuột rút thường vô hại. Tuy nhiên, khi chân bạn bị chuột rút liên tục, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày hoặc giấc ngủ, bạn nên tham khảo ý kiến ​​bác sĩ để loại trừ bất kỳ vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nào. Trường hợp cần thiết, bác sĩ cũng có thể kê đơn thuốc cải thiện triệu chứng.

Trong y học cổ truyền, chuột rút thuộc phạm trù “Tý Chứng”, còn gọi là thoái trửu cân (bắp chân co rút), cước chuyển cân… Căn cứ vào lí luận của Đông y, Tỳ chủ cơ nhục và hoạt động của tứ chi, Can chủ cân, Thận chủ cốt. Khi tạng phủ suy yếu, khí huyết bất túc, chính là lúc nảy sinh vấn đề của cơ nhục, cân cốt. Gặp lúc hàn tà thấp tà xâm nhập làm trở trệ kinh lạc, hay bị kích thích bởi các yếu tố khác, sẽ dẫn đến kinh mạch khí huyết ứ trệ, gây nên chuột rút.

Ngoài ra, Can tàng huyết, điều huyết, lúc cơ thể nghỉ ngơi hay nằm ngủ, nhu cầu về huyết giảm, đa phần huyết dịch tàng trữ tại Can; lúc vận động làm việc, nhu cầu về huyết tăng cao, tạng Can đẩy máu đi phân bố toàn thân. Vào ban đêm, khi ngủ huyết đến dinh dưỡng cho cân cơ giảm, nên thường xuất hiện chuột rút.

Đông y thông qua biện chứng để chữa chứng chuột rút này, lấy phép bổ dưỡng tạng phủ, thư cân thông mạch, ôn kinh khư hàn làm chủ. Dưới đây là các thể và phương thuốc điều trị.

Điều trị chứng chuột rút theo đông y

Hàn trệ Kinh mạch

Triệu chứng: Cẳng chân và các ngón chân bị co giật, đau đớn, cơ bắp co cứng, vùng chân phát lạnh, chườm ấm thì giảm đau. Không khát, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch huyền khẩn.

Phép điều trị: Ôn thông kinh mạch, thư cân chỉ thống.

Bài thuốc: Ô đầu thang và kê minh tán.

Hàn thấp trở lạc

Triệu chứng: Lạnh vùng chi dưới nhiều, thường xuyên xuất hiện co giật bắp chân và các ngón chân, đau, có thể phù mắt cá chân, chườm ấm đỡ đau, rêu lưỡi trắng nhờn, mạch nhu.

Phép điều trị: Tán hàn trừ thấp, ôn kinh chỉ thống.

Bài thuốc: Kê minh tán gia Ý dĩ nhân, Thương truật, Xích thược

Can uất, huyết hư

Triệu chứng: Thường xuyên với những cơn chuột rút ở chân và bàn chân đi kèm với triệu chứng cứng, đau hoặc tê vùng chi dưới. Toàn thân bệnh nhân cũng có thể xuất hiện các triệu chứng kèm theo như chóng mặt, nhức đầu, tinh thần u uất, ngực sườn trướng mãn, sắc mặt vàng tối, môi nhạt, chất lưỡi nhạt, mạch huyền tế sác.

Phép điều trị: Sơ can thông lạc, bổ huyết thư cân.

Bài thuốc: Quy thược lục quân tử thang có thể gia Sài hồ, A giao, Mộc qua.

Khí huyết lưỡng hư

Triệu chứng: Co giật bắp chân hay các ngón chân, co duỗi khó khăn, mệt mỏi, thiếu khí, lười nói, thất miên đa mộng (mất ngủ, hay mộng mị), huyễn vựng (hoa mắt chóng mặt), môi nhạt, lưỡi nhạt, mạch nhược.

Phép điều trị: Bổ ích khí huyết, thư cân hòa lạc.

Đơn thuốc: Thập toàn đại bổ hoàn có thể gia Sơn thù du, Mộc qua.

Theo kinh nghiệm lâm sàng, điều trị các bệnh gân cơ hiệu quả tương đối chậm, cần thời gian điều trị kéo dài, nên dùng thuốc sắc để điều trị.

Điều trị chứng chuột rút theo đông y

Chuột rút trong thai kỳ

Phụ nữ mang thai thường co giật chi dưới, xuất hiện chủ yếu trong giai đoạn giữa và cuối thai kì. Do sự gia tăng trọng lượng cơ thể sau khi mang thai, làm tăng gánh nặng đôi chân, áp lực chèn ép huyết quản và dây thần kinh. Ngoài ra còn có sự tăng đáng kể về nhu cầu về dinh dưỡng, chế độ dinh dưỡng bất hợp lí. Đôi chân thường bị chuột rút vào ban đêm gây đánh thức người phụ nữ mang thai khỏi giấc ngủ, có lúc tình trạng này cũng xuất hiện vào ban ngày, toàn thân đau nhức.

Từ quan điểm của Y học cổ truyền, phụ nữ mang thai lấy tinh huyết mà nuôi dưỡng thai nhi, dẫn đến Can huyết bất túc, cơ nhục dễ thất dưỡng. Nếu chi dưới thụ phải ngoại tà phong hàn thấp xâm nhập, kinh lạc khí huyết vận hành bất sướng, ắt xuất hiện co rút cân cơ.

Phép trị: bổ Can, thư cân, ôn kinh, khư hàn thấp.

Âm huyết suy tổn

Triệu chứng: Cẳng chân đau nhức, hay tái phát, tâm phiền, mất ngủ, nhức đầu, chóng mặt, khô miệng, đại tiện táo kết, lưỡi đỏ hoặc nhạt, rêu lưỡi vàng mỏng, mạch vi hoạt.

Phép điều trị: Dưỡng huyết bình can.

Bài thuốc: Tứ vật thang hợp Thạch quyết minh, Long cốt, Mẫu lệ, Kê huyết đằng

Châm cứu huyệt vị điều trị chuột rút

Châm cứu có hiệu quả trong điều tiết tính hưng phấn của cơ nhục do đó thường được sử dụng để điều trị chứng chuột rút. Châm cứu có thể đóng một vai trò thúc đẩy tuần hoàn, thư cân, giảm bớt chứng chuột rút và giảm đau.

Các huyệt được khuyến cáo sử dụng trong điều trị chứng chuột rút: Thừa sơn (BL 57), Uỷ trung (BL 40), Côn lôn (BL 60), Dương lăng tuyền (GB 34) và Hậu khê (SI 3) và Túc tam lý (ST 36).

Thao tác:

  • Lúc xảy ra chuột rút chọn huyệt hậu khê (SI 3) ở phía đối diện, sau khi châm đắc khí, dùng tả pháp, kích thích mạnh cho đến khi hết triệu chứng chuột rút.
  • Trong giai đoạn thuyên giảm, chọn châm một bên các huyệt: Thừa sơn (BL 57), Uỷ trung (BL 40), Côn lôn (BL 60), Dương lăng tuyền (GB 34) và Túc tam lý (ST 36). Châm mỗi ngày 1 lần, luân phiên châm 2 bên; lưu kim 1 giờ, kết hợp cứu hoặc điện châm. Một liệu trình 10 ngày.

Châm cứu huyệt vị điều trị chuột rút

Bầu giác cũng được sử dụng trong trường hợp này, cốc bầu được giữ trong 5 phút.

Phân tích: Kinh túc Thái dương Bàng quang chạy qua khu vực bị ảnh hưởng, châm cứu kích thích dọc theo đường kinh này, để thúc đẩy khí huyết lưu thông, ví dụ như Thừa sơn (BL 57), Uỷ trung (BL 40), và Côn lôn (BL 60) đều là huyệt vị thuộc kinh này, đồng thời cũng là nơi khởi đầu của chuột rút. Dương lăng tuyền (GB 34) là huyệt hội của Cân. Do đó có ảnh hường và chuyên giải quyết vấn đề về Cân cơ. Hậu khê (SI 3) là huyệt giao hội của 8 mạch, tương thông với dương duy mạch, có vai trò hỗ trợ điều tiết vận động chi dưới và giấc ngủ. Lựa chọn các huyệt này có tác dụng sơ cân, thông lạc, giảm co rút và giảm đau.

Xoa bóp phòng và trị chứng chuột rút

Xoa bóp bấm huyệt bao gồm áp dụng các thao tác khác nhau để kích thích tổ chức, căng cơ và hỗ trợ các khớp, thúc đẩy vận hành huyết dịch, tiêu trừ đình trệ, phục hồi mô mềm, chỉnh xương và biến dạng khớp. Xoa bóp có thể thư giãn cân cơ, giảm đau nhức, đẩy nhanh quá trình hồi phục và giúp cảm thấy dễ chịu hơn. Xoa bóp là biện pháp hiệu quả giúp giảm thiểu và ngăn ngừa chứng chuột rút.

  1. Nắm tay, xát vào giữa lòng bàn để làm ấm;
  2. Ấn các huyệt: Ủy trung (BL 40), Túc tam lý (ST 36), Thừa sơn (BL 57), Dương lăng tuyền (GB 34), Côn lôn (BL 60), và Hậu khê (SI 3 ). Dùng ngón cái ấn mạnh vào mỗi huyệt trong 30 giây;
  3. Phát cơ bắp: khép các ngón tay lại với nhau, hơi khum lòng bàn tay, sau đó vỗ vào cơ bắp nhẹ nhàng trong 1 phút;
  4. Bóp và véo cuộn cơ bắp bằng cả hai tay, bắt đầu từ mắt cá chân và di chuyển dần dần lên trên, làm như vậy trong 2 phút;
  5. Duỗi thẳng chân, giữ các ngón chân và gập chân lên đầu gối.

Lời khuyên trên đây là thói quen nên làm trước khi đi ngủ.

Liệu pháp cạo xát chân trị chuột rút

Phương pháp cạo xát giúp thúc đẩy lưu thông của khí huyết, thông kinh hoạt lạc, gây phát hãn trừ tà, mà thúc đẩy cơ thể hồi phục. Đây là cách đơn giản nhất để nâng cao thể trạng. Kỹ thuật viên sử dụng dụng cụ cạo xát với tinh dầu thực vật hay nước ấm lên bề mặt cơ thể cho đến khi vùng da chuyển sang sắc tím đỏ.

Đối với chuột rút vùng cẳng chân, các vùng được chọn nằm phía sau và dọc theo hai bên của cột sống và mặt sau đầu gối. Đầu tiên, làm sạch và lau vùng này bằng khăn ướt, sau đó cạo ở hai bên cột sống, luôn cạo theo cùng một hướng, làm liên tục và tăng lực mạnh dần. Cạo từ 10 ~ 20 lần mỗi bên, cho đến khi có vệt đỏ xuất hiện trên da. Sau đó, cạo đầu gối theo cùng cách này.

Không cạo lại ở cùng một chỗ nếu khối ban trên da không nhạt màu. Không nên dùng phương pháp này cho những người bệnh nặng, người có bệnh lí về da, xu hướng dễ chảy máu, người quá gầy, quá đói hay quá no.

Những lời khuyên ngăn ngừa chuột rút

Nếu bạn có khả năng bị chuột rút, thì việc thay đổi một số thói quen trong cuộc sống rất quan trọng để giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của chuột rút xuất hiện trong tương lai.

  • Có chế độ ăn uống cân bằng, giàu canxi và magiê;
  • Tránh ngồi ở trước máy quạt hoặc máy điều hòa không khí;
  • Giữ chân ấm đặc biệt khi thời tiết lạnh;
  • Luôn luôn khởi động trước khi tập thể dục và dãn cơ sau khi tập;
  • Chọn giày phù hợp, có tính năng hỗ trợ cho chân;
  • Bổ sung nước, duy trì thói quen uống nước đều đặn trong ngày;
  • Cắt giảm các thức uống có chứa cồn hoặc caffeine;
  • Dù bận rộn thế nào cũng nên thường xuyên tập dãn chân, nhất định phải tập trước lúc đi ngủ;
  • Tập thể dục vừa phải, chẳng hạn như đi bộ hoặc đạp xe, để tăng cường cơ bắp chân;
  • Nhiều người có tư thế ngủ không tốt, cuốn chăn quá chặt, xiết lấy cơ cẳng chân và lòng bàn chân, rất dễ phát sinh chứng chuột rút. Nên cần nới lỏng chăn, tạo không gian thoải mái cho chân;
  • Phụ nữ có thai được khuyến cáo mang vớ hỗ trợ, kê cao chân;
  • Người cao tuổi cũng được khuyên nên tắm nắng thường xuyên;
  • Trạng thái thư giãn trong khi làm việc hay vận động.

Lựa chọn thực phẩm cho người bị chuột rút

Người thường bị chuột rút cần bổ sung đủ dưỡng chất cho cơ thể, nên lựa chọn thực phẩm tươi mới. Rất nhiều bệnh nhân nữ thiếu hụt Canxi dẫn đến tình trạng loãng xương, cần dùng nhiều sữa, đậu nành, rong biển… để bổ sung Canxi.

Theo quan điểm của Y học cổ truyền, chuột rút ở chân có liên quan đến sự bất lưu thông của khí huyết và yếu tố lạnh kích thích ở vùng chân. Bệnh nhân nên ăn các thực phẩm giúp sản sinh khí huyết, bao gồm: hồng táo, mộc nhĩ, hồng đường, gan, thịt cừu, thịt ngỗng, thịt vịt, trứng, thịt thỏ, khoai lang, vừng, gạo nếp, long nhãn nhục, nấm, hạt các loại quả, tỏi tây.

Ăn các loại thức ăn thanh đạm dễ hấp thu, không nên ăn thức ăn sống lạnh gây bất lợi cho sự vận hành của khí huyết. Ngoài ra, cũng cần ăn một ít thực phẩm giúp tán hàn, trừ thấp, hoạt lạc như: thịt gà, tôm, thịt rắn, hải sâm, xương thịt, cá chép, mực, khoai sọ, cần tây, dâu tằm, quả anh đào, quả khế, vải, hạt dẻ, quả óc chó, đậu nành, bạch biển đậu (hạt đậu ván trắng), cây hoa hiên, quế hoa, quả mướp, hành củ, gừng, ích trí nhân (hạt bo bo), nhục quế, hồi hương…

Lựa chọn thực phẩm cho người bị chuột rút

Dưới đây là các phương thuốc chữa chứng chuột rút:

1. Bạch thược (7,5g), Chích thảo (7,5g). Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần, liên tục trong 7 ngày.
2. Mộc qua (7,5g), Ngô thù du (6g),muối ăn (1,5g). Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần, liên tục trong 7 ngày.
3. Mộc qua (5g), Bạch thược (7.5g), Chích thảo (7.5g), Long cốt (7.5g), Mẫu lệ (7.5g). Đem Long cốt, Mẫu lệ sắc nước trước 20 phút, sau đó cho các vị còn lại vào, sắc lửa nhỏ thêm 30 phút nữa. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần, liên tục trong 7 ngày.
4. Đương quy (4.5g), Bạch thược (7.5g), Mẫu lệ (15g), Kê huyết đằng (7.5g) Chích thảo (4.5g). Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần, liên tục trong 7 ngày.
5. Tri mẫu (6g), Mộc qua (6g), Bạch thược (6g), Chích thảo (6g). Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần, liên tục trong 7 ngày.
6. Đậu đen hoặc đậu nành rửa sạch, để khô, cho vào chiếc bình miệng rộng, đổ thêm dấm vào. Cứ mỗi kilogam đậu đen thì cần thêm nửa kilogam dấm. Đặt vào tủ lạnh 1 đến 2 tháng mới uống được. Mỗi lần uống 20-30 hạt, ngày 1-2 lần, có thể uống lâu dài.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top