Thoái hóa cột sống cổ là quá trình hao mòn tự nhiên của sụn, đĩa đệm, dây chằng và xương ở cổ. Tình trạng này thường xảy ra gắn liền với quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể nên hầu hết người mắc bệnh ở độ tuổi trên 70.
Tuy nhiên, thoái hóa cột sống cổ đang có dấu hiệu trẻ hóa khi có ngày càng nhiều bệnh nhân ở độ tuổi từ 30 – 35 được chẩn đoán mắc bệnh này. Một số nguyên nhân dẫn đến thoái hóa cột sống cổ ở đối tượng người trẻ tuổi đó là:
Nghề nghiệp là một trong số những nguyên nhân chính dẫn đến bệnh thoái hóa cột sống cổ. Trong đó tỷ lệ mắc bệnh chủ yếu là người trẻ làm việc tại văn phòng. Hầu hết người trẻ tuổi làm việc văn phòng thường phải ngồi máy tính trong một thời gian dài, tư thế chủ yếu là cúi, gập cổ và rất ít có thời gian vận động. Tình trạng này kéo dài không chỉ làm gia tăng áp lực lên các nhóm cơ, đĩa đệm vùng cổ, lưng mà còn gây nên hiện tượng thoái hóa.
Ngoài ra, những người hay phải làm việc tăng ca, làm việc quá sức qua đêm cũng có nguy cơ mắc thoái hóa cột sống cổ.
Chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng cùng với thói quen sinh hoạt không điều độ tác động không nhỏ tới quá trình thoái hóa của cột sống cổ. Trong khi đó, người trẻ thường có thói quen ngồi nhiều, ăn uống thừa chất hoặc thiếu chất tốt cho sức khỏe xương khớp. Đây đều là những nguyên nhân làm gia tăng tình trạng thừa cân, béo phì, gây áp lực trực tiếp cho xương và cột sống cổ.
Người trẻ trong xã hội hiện đại thường chỉ quan tâm và tập trung tới công việc mà rất ít có các hoạt động thể chất. Bên cạnh đó, những áp lực, stress hay mệt mỏi trong công việc và cuộc sống càng khiến người trẻ lười vận động hơn. Thói quen xấu này kéo dài lâu ngày có thể khiến các khớp xương khô cứng, kém linh hoạt và lâu ngày bị thoái hóa dần.
Ngoài các nguyên nhân về tư thế, vận động và chế độ ăn uống, bệnh thoái hóa cột sống cổ xuất hiện ở người trẻ còn có thể do tâm lý chủ quan. Do đang ở lứa tuổi có sức khỏe dồi dào nên người trẻ thường không biết cách chăm sóc và ít quan tâm tới những phương pháp bảo vệ sức khỏe.
Các dấu hiệu thoái hóa cột sống cổ ở đối tượng người trẻ tuổi có thể bao gồm:
– Xuất hiện đau ở đầu và cổ
– Yếu cơ, căng cứng và co cơ ở vùng cổ, vai gáy
– Hạn chế khả năng vận động ở cổ
– Đau lan dần sang đầu, vai và lưng
– Khi người bệnh di chuyển có thể tạo ra âm thanh lách cách hoặc nghiến
– Chóng mặt, đau đầu
Ngoài ra, tình trạng thoái hóa cột sống cổ còn có thể gây chèn ép lên tủy sống và các dây thần kinh, dẫn đến một số dấu hiệu như:
– Ngứa râm ran hoặc tê tại cánh tay, bàn tay, chân và bàn chân
– Thiếu sự phối hợp giữa các chi
– Cơ bắp bị co thắt
– Có các phản xạ bất thường
– Mất kiểm soát ở tứ chi
Đặc trưng nổi bật của bệnh thoái hóa cột sống cổ là gây đau đớn, yếu cơ bắp hoặc tê bì tay. Đôi khi tình trạng viêm có thể chèn ép vào dây thần kinh gây viêm dây thần kinh cột sống và nhiều rủi ro khác.
Nếu không được can thiệp điều trị kịp thời, các triệu chứng của bệnh thoái hóa cột sống cổ có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như:
– Đau cổ và vai gáy mãn tính
– Hạn chế hoặc mất khả năng phản xạ ở tay và tứ chi
– Căng cứng cơ bắp, dây chằng và gân ở cổ, làm mất sự linh hoạt trong các chuyển động bình thường.
– Rối loạn chức năng cột sống cổ dẫn đến đau xương bả vai, vùng vai gáy, đầu và thành ngực.
Bệnh thoái hóa cột sống cổ nếu xuất hiện ở người trẻ cần có quy trình chăm sóc và điều trị phù hợp để tránh gây tổn thương cột sống và những biến chứng nguy hiểm khác. Chính vì vậy, khi thấy các dấu hiệu thoái hóa, người bệnh nên thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn kịp thời.
Ở đối tượng người trẻ tuổi, thoái hóa cột sống cổ thường xảy ra do sai tư thế và không có kế hoạch vận động phù hợp. Một số biện pháp cải thiện và phòng ngừa thoái hóa cột sống cổ đó là:
– Duy trì đúng tư thế
Người bệnh nên chú ý duy trì vai, lưng đúng tư thế, đặc biệt là khi đứng và ngồi. Hạn chế khom lưng hoặc cúi đầu vì có thể khiến cơn đau nhức cổ trở nên nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, các tư thế ngủ đúng cũng giúp ngăn ngừa tình trạng thoái hóa mà người bệnh nên tham khảo.
– Nghỉ ngơi thường xuyên
Người trẻ tuổi nên dành thời gian nghỉ ngơi thường xuyên, hạn chế các hoạt động như cúi đầu khi xem tivi, máy tính hay điện thoại di động.
– Sử dụng tai nghe khi gọi và nghe điện thoại
Quá trình nói chuyện điện thoại trong thời gian dài nên sử dụng tai nghe hoặc dùng tay đỡ điện thoại. Tránh động tác giữ điện thoại bằng cổ và vai vì điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến vùng cột sống cổ, khiến các cơn đau trầm trọng hơn.
Bệnh thoái hóa cột sống cổ ở người trẻ trở nên phổ biến. Vì vậy, việc tìm hiểu rõ các nguyên nhân, dấu hiệu cũng như các biện pháp cải thiện thoái hóa cột sống là rất cần thiết với người trẻ. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc phát hiện sớm các triệu chứng để có những phương pháp can thiệp điều trị kịp thời.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh