✴️ Phẫu thuật vá màng nhĩ và những thông tin cần biết

1. Phương pháp vá nhĩ và những đặc điểm riêng biệt

Màng nhĩ thực chất là một tấm màng mỏng ngăn cách tai giữa và tai ngoài. Khi có sóng âm thanh tác động, màng nhĩ sẽ rung lên. Nếu tổn thương có thể khiến giảm thính lực hoặc tăng nguy cơ viêm nhiễm tai.

1.1. Vá màng nhĩ là như thế nào?

Màng nhĩ mỏng manh rất dễ bị rách, thủng. Một số tác nhân gây tổn thương thường là:

– Vật sắc nhọn chọc vào

– Tác động từ cường độ âm thanh quá lớn

– Bệnh lý viêm tai giữa

– Chấn thương vật lý vùng đầu

Phương pháp vá nhĩ và những đặc điểm riêng biệt

Hình ảnh vết thủng màng nhĩ

Nếu lỗ thủng hay vết rách nhỏ, nó có thể tự lành lại sau một thời gian. Nặng hơn một chút, bác sĩ có thể dùng gel hoặc mô đặc hiệu dán lại. Tuy nhiên nếu vết rách lớn, không có khả năng tự khỏi, bệnh nhân sẽ cần được vá, tạo hình lại màng nhĩ càng sớm càng tốt. Mục đích của phương pháp này nhằm kiểm tra, hỗ trợ điều trị bệnh lý của tai, ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập. Đồng thời khả năng nghe được phục hồi và thay thế các xương con của tai đã bị phá hủy (nếu có).

1.2. Phẫu thuật vá nhĩ có thực sự hiệu quả?

Khi màng nhĩ tổn thương, nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời, sẽ tác động xấu tới sức khỏe. Điển hình là thính lực mất tạm thời cho tới khi vết rách lành lại. Đây cũng là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn xâm nhập vào tai. Bệnh viêm tai giữa có khả năng chuyển sang mạn tính. U nang hình thành có thể gây hỏng xương tai giữa.

Do đó, bệnh nhân thủng màng nhĩ cần nhanh chóng kiểm tra và phẫu thuật vá nhĩ. Đây cũng là phương pháp có tỷ lệ thành công cao. Theo nghiên cứu, tới 90% các ca tái tạo thành công không để lại biến chứng. Trong 1000 ca, chỉ có 2-3 ca bị giảm thính lực kéo dài hậu phẫu thuật. Trường hợp cả màng nhĩ và xương nhỏ tai giữa đều cần sửa chữa thì tỷ lệ thành công sẽ giảm đi.

Vá màng nhĩ là như thế nào?

Vá nhĩ là phương pháp có tỷ lệ thành công cao

 

2. Tìm hiểu chi tiết quy trình vá nhĩ

Để khắc phục màng nhĩ bị thủng, bệnh nhân sẽ cần trải qua một quy trình đầy đủ các bước sau.

2.1. Phương pháp vá màng nhĩ nào đang phổ biến hiện nay?

Lựa chọn phương pháp phẫu thuật luôn là đắn đo đầu tiên khi bệnh nhân quyết định phẫu thuật. Hiện nay phẫu thuật vá nhĩ nội soi đang là kỹ thuật hiện đại và được ứng dụng rộng rãi.

Phương pháp này sử dụng thiết bị chiếu sáng để tìm kiếm vết rách nhĩ. Sau khi quan sát cẩn thận, bác sĩ sẽ chẩn đoán mức độ và đưa ra phác đồ điều trị thích hợp. Phẫu thuật nội soi vá nhĩ mang lại hiệu quả cao cũng như nhiều ưu điểm như:

– Làm lành nhanh chóng màng nhĩ, ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập

– Thời gian thực hiện ngắn

– Hiệu quả nhanh chóng

– Hình ảnh nội soi sắc nét hỗ trợ tối đa trong việc quan sát và thực hiện của các bác sĩ

– Ít đau đớn hơn so với phương pháp cũ

– Tính thẩm mỹ cao

– Bệnh nhân mau chóng cảm nhận được hiệu quả

Tìm hiểu chi tiết quy trình vá nhĩ

Phẫu thuật vá nhĩ nội soi đang là kỹ thuật hiện đại và được ứng dụng rộng rãi

Tuy nhiên, phương pháp này áp dụng cho vết rách nhĩ vừa phải, không quá lớn, ống tai rộng. Đối với người bệnh bị thủng nhĩ lấn tới xương búa hay rãnh nhỏ, tổn thương chuỗi xương con thì không nên thực hiện.

2.2. Khám phá quy trình phẫu thuật vá nhĩ

Trước khi tiến hành vá nhĩ, bệnh nhân cần có sự chuẩn bị kỹ càng cả về tinh thần và sức khỏe. Phía bác sĩ sẽ giúp họ nắm rõ thông tin về phương pháp cũng như biến chứng có thể xảy ra. Người bệnh được thăm khám, xét nghiệm, lấy thông tin tiền sử bệnh lý, đảm bảo đủ điều kiện phẫu thuật. Nếu có dấu hiệu bệnh lý, hay đang dùng thuốc, hoặc họ trót ăn trước phẫu thuật, thì sẽ được dời lại tới khi họ hoàn toàn đáp ứng yêu cầu của chuyên gia.

Trong quá trình phẫu thuật nội soi, các bước chính bao gồm:

– Vệ sinh, sát khuẩn tai và vùng quanh vết mổ

– Gây mê tại chỗ cho bệnh nhân

– Bác sĩ dùng que nhọn lấy viền lỗ thủng làm tươi rìa, nhằm loại bỏ vùng biểu bì của rìa lỗ với niêm mạc

– Bóc tách, nâng vạt da ống tai cùng màng nhĩ

– Nâng vòng xơ, rạch niêm mạc ở tai giữa và nâng vạt da khỏi khung nhĩ

– Bóc tách nhọn, bỏ vạt da ống tai màng nhĩ khỏi cán búa

– Đặt mảnh vá vào trong lớp xơ

 

3. Chăm sóc bệnh nhân sau khi vá màng nhĩ ra sao?

Sau phẫu thuật, người bệnh có thể cảm thấy đau tai. Với cơn đau vừa, bác sĩ sẽ kê thuốc giảm đau trong 2 – 3 ngày. Với cơn đau lớn, bệnh nhân cần dùng thuốc và đề phòng tụ máu, nhiễm trùng. Trong đơn thuốc cũng có kháng sinh dạng tiêm hoặc uống trong 5 ngày. Sau khoảng 7 ngày, bệnh nhân được rút bấc, cắt chỉ.

Để bảo vệ tai, bác sĩ sẽ sử dụng bông tai nhét trong và băng gạc phủ ngoài từ 5 – 7 ngày. Khi cần dùng thuốc nhỏ thì sẽ tạm thời bỏ băng và bông.

Thêm một lưu ý trong thời gian hồi phục, bệnh nhân cần tránh nước vào tai, không ngoáy tai, xì mũi. Áp lực trong tai cũng cần tránh tăng bằng cách hắt xì mở miệng, không tới nơi đông người, nơi nhiều người ốm.

Sau khi xuất viện, người bệnh vẫn cần làm theo hướng dẫn bác sĩ và tái khám định kỳ để ngừa biến chứng xảy ra.

Kết lại, vá màng nhĩ là phương pháp can thiệp hiệu quả hiện nay. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả như tốt, người bệnh hãy tìm hiểu kỹ, phải tuân thủ những chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top