✴️ Hội chứng cổ vai cánh tay: triệu chứng và phương pháp điều trị

Nội dung

1. Tìm hiểu các thông tin cơ bản về hội chứng cổ vai cánh tay

Hội chứng cổ vai cánh tay gồm nhóm các triệu chứng lâm sàng liên quan đến các bệnh lý cột sống cổ, rối loạn dây thần kinh cổ, tủy cổ hoặc rối loạn chức năng rễ. Tùy theo vị trí tổn thương, đặc biệt là nhóm dây thần kinh mà hội chứng gây đau nhức và triệu chứng khác nhau. Hội chứng cổ vay là một nhóm các triệu chứng lâm sàng liên quan đến bệnh lý cột sống cổ có kèm theo các rối loạn chức năng rễ, dây thần kinh cột sống cổ (hoặc tủy cổ) mà không liên quan tới các bệnh lý viêm.

Sự tổn thương thần kinh gây hội chứng này có thể do nhiều nguyên nhân, phổ biến nhất như:

Thoái hóa cột sống cổ hoặc thoái hóa các khớp liên đốt, liên mỏm bên

Nguyên nhân này chiếm khoảng 70 - 80% các trường hợp mắc hội chứng cổ vai cánh tay, khi lỗ tiếp hợp bị hẹp khiến rễ hoặc dây thần kinh cột sống cổ bị chèn ép, tổn thương. Tổn thương này sẽ ảnh hưởng, gây đau đớn tại chỗ cũng như khu vực dây thần kinh ảnh hưởng đến.

Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ

Nguyên nhân này chỉ chiếm khoảng 20 - 25% trường hợp hội chứng cổ vai cánh tay, nhiều bệnh nhân do cả hai nguyên nhân thoát vị đĩa đệm lẫn thoái hóa cột sống cổ gây ra.

Thoát vị đĩa đệm cột sống là nguyên nhân gây hội chứng cổ vai cánh tay

Nguyên nhân khác

Hội chứng cổ vai cánh tay có thể do chấn thương, nhiễm trùng, khối u, bệnh lý viêm khác,… gây tổn thương hoặc chèn ép rễ/dây thần kinh khu vực này.

Đối tượng nguy cơ cao mắc hội chứng này là những người làm công việc dễ gây tổn thương,  thoái hóa cột sống cổ như: lái xe, nhân viên văn phòng, người lao động nặng, thường xuyên bê vác nặng trên vai, cổ,…

Dù không quá nguy hiểm đến tính mạng song hội chứng này thực sự ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến khả năng vận động lẫn chất lượng cuộc sống của người bệnh. Cảm giác đau nhức, tê ngứa, giảm vận động khiến người bệnh khó có thể sinh hoạt lẫn làm việc bình thường.

Hơn nữa, nếu hội chứng cổ vai cánh tay không được điều trị, tổn thương tiếp tục xảy ra và nghiêm trọng hơn, bệnh nhân còn phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm như: liệt vĩnh viễn, hẹp ống sống cổ, chèn ép tủy, thiếu máu não, đột quỵ, tàn tật, tử vong,…

Vì thế với này, phát hiện bệnh và điều trị sớm là điều tốt nhất, giúp hạn chế biến chứng, điều trị thuận lợi và phục hồi chức năng cho thần kinh ảnh hưởng tốt hơn.

2. Triệu chứng hội chứng cổ vai cánh tay

Dấu hiệu của mỗi bệnh nhân bị hội chứng cổ vai cánh tay có thể khác nhau do vị trí rễ thần kinh bị tổn thương là khác nhau. Ngoài ra, triệu chứng cũng phụ thuộc vào nguyên nhân, mức độ tổn thương và giai đoạn bệnh.

Triệu chứng thường gặp nhất do hội chứng cổ vai cánh tay gây ra gồm:

2.1. Hội chứng cột sống cổ

Đau vùng cổ gáy, có thể khởi phát cấp tính sau chấn thương, sau khi vận động cổ quá mức, hoặc sau khi ngủ dậy. Đau cũng có thể xuất hiện từ từ, âm ỉ và mạn tính.

Đau đớn đi kèm với tổn thương rễ thần kinh khiến bệnh nhân gặp khó khăn khi vận động cột sống cổ, có thể có dấu hiệu vẹo cổ, hay gặp trong cột sống cổ cấp tính.

2.2. Hội chứng rễ thần kinh

Hội chứng cổ vai cánh tay với nhóm bệnh này thường gây đau vùng gáy, lan xuống vai, cánh tay bàn tay hoặc lan lên vùng chẩm. Cơn đau sẽ nghiêm trọng hơn nếu cố gắng gập cổ hoặc xoay đầu.

Do dây thần kinh bị chèn ép, tổn thương nên bệnh nhân thường bị rối loạn cảm giác, vận động như: yếu cơ, cảm giác tê bì, rát bỏng thường xuyên của vùng cánh tay, bàn tay, vai hoặc các ngón tay.

2.3. Hội chứng tủy cổ

Hội chứng cổ vai cánh tay nhóm này thường xuất phát từ tình trạng lồi hoặc thoát vị đĩa đệm. Triệu chứng tê bì, mất cảm giác và khả năng điều khiển vận động tay thường xuất hiện đầu tiên. Nếu tiến triển  nặng hơn, bệnh nhân có thể gặp triệu chứng liệt hai tay, liệt hai chân, liệt tứ chi, rối loạn phản xạ đại tiểu tiện,…

Hội chứng cổ vai cánh tay thường gây đau nhức, tê liệt tay

2.4. Hội chứng động mạch sống nền

Triệu chứng thường gặp nhất là cảm giác mờ mắt, ù tai, đau đầu vùng chẩm, chóng mặt, mất thăng bằng, giảm thị lực,… Triệu chứng này rất dễ gây nhầm lẫn với tổn thương thần kinh hoặc tình trạng sức khỏe khác, bệnh nhân cần lưu ý phân biệt.

2.5. Triệu chứng khác

Bệnh nhân mắc hội chứng cổ vai cánh tay có thể gặp một số triệu chứng khác tùy vào tình trạng tổn thương như:

Rối loạn thần kinh thực vật: Gây rối loạn thị lực, rối loạn vận mạch vùng tay hoặc chẩm vai, ù tai, đau,…

Triệu chứng toàn thân: Rét run, sốt, sụt cân, thường xuyên vã mồ hôi về ban đêm,… Những triệu chứng này dễ nhầm lẫn với nhiễm trùng, cần lưu ý để tránh chẩn đoán sai.

3. Điều trị hội chứng cổ vai cánh tay như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất?

Tùy vào triệu chứng và mức độ tổn thương, bệnh nhân hội chứng cổ vai cánh tay sẽ được xem xét điều trị độc lập hoặc kết hợp nhiều phương pháp như:

3.1. Điều trị bằng thay đổi lối sống

Với hội chứng cổ vai cánh tay không quá nghiêm trọng, thay đổi lối sống, sinh hoạt lành mạnh sẽ giúp cải thiện tình trạng bệnh. Bệnh nhân cần tập thói quen làm việc, vận động, đi lại đúng tư thế. Một số bài tập vận động tốt cho vùng cánh tay, cổ vai gáy cũng giúp cải thiện tình trạng bệnh. Nếu triệu chứng gây đau đớn, khó chịu, bạn có thể tìm đến phương pháp vật lý trị liệu như: kích thích điện, châm cứu, bấm huyệt, xoa bóp,…

3.2. Điều trị bằng thuốc

Nếu thay đổi lối sống không giúp bệnh nhân cải thiện triệu chứng hoặc khi đau nhức nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe, bác sĩ có thể chỉ định dùng một số loại thuốc giảm đau. Thuốc giảm đau thường dùng như: Paracetamol, thuốc kháng viêm không steroid, thuốc giãn cơ, thuốc giảm đau phối hợp, thuốc giảm đau thần kinh,…

3.3. Điều trị ngoại khoa

Khi hội chứng cổ vai cánh tay do dị dạng, hẹp cột sống thì cần can thiệp phẫu thuật để khắc phục, giải phóng dây thần kinh. Lúc này triệu chứng bệnh sẽ được cải thiện nhanh chóng.

Xem thêm về Đau cổ

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top