✴️ Nguyên nhân và tác động của chấn thương sọ não (CTSN)

Nội dung

Khi não va chạm với bên trong hộp sọ, não có thể bị bầm dập, rách các sợi thần kinh và chảy máu. Nếu hộp sọ bị vỡ, một mảnh hộp sọ bị vỡ có thể đâm vào trong mô não. Các nguyên nhân có thể bao gồm té ngã, chấn thương do các hoạt động thể thao, vết thương do súng bắn và tai nạn giao thông.

Các triệu chứng

Các dấu hiệu và triệu chứng có thể xuất hiện ngay lập tức, trong vòng 24 giờ, vài ngày hoặc vài tuần sau bị chấn thương. Đôi khi các triệu chứng rất nhỏ, dễ bỏ sót. Một số người có thể thấy các bất thường nhưng không liên quan đến chấn thương. Một số người dường như lại không có triệu chứng sau khi bị CTSN, nhưng tình trạng của họ diễn tiến nặng hơn sau đó. 

Các ảnh hưởng của CTSN có thể lên cả thể chất lẫn tinh thần. Các tác động ban đầu bao gồm các vết sưng nề, bầm tím. Tăng áp lực nội sọ có thể gây ra:

  • Tổn thương mô não, do đè lên hộp sọ hoặc khi một phần của não bị đẩy lệch
  • Áp lực trên các mạch máu, làm giảm khả năng cung cấp oxy và các chất dinh dưỡng thiết yếu cho tế bào não

Dấu hiệu chảy máu nội sọ

Bao gồm vết bầm tím sau tai hoặc xung quanh mắt (dấu hiệu mắt gấu trúc). Đây có thể là dấu hiệu của một chấn thương đầu nghiêm trọng, đe dọa tính mạng và cần được cấp cứu ngay. Các dấu hiệu khác cho thấy chấn thương đầu nặng bao gồm:

  • Mất ý thức
  • Co giật
  • Nôn mửa liên tục
  • Nói đớ
  • Tê hoặc yếu ở cánh tay, cẳng chân, bàn tay hoặc bàn chân
  • Kích động
  • Mất phối hợp động tác
  • Đồng tử giãn
  • Hôn mê sau khi đi ngủ
  • Đau đầu nặng
  • Tê và yếu ở bàn tay, bàn chân, cánh tay hoặc cẳng chân

Các dấu hiệu và triệu chứng sau đây bạn cần chú ý để được chăm sóc ngay lập tức

  • Lú lẫn
  • Thay đổi tâm trạng, cảm xúc 
  • Suy giảm trí nhớ
  • Không thể nhớ những chuyện xảy ra trước và sau khi tai nạn
  • Mệt mỏi
  • Dễ dàng tụt cảm xúc
  • Đau đầu kéo dài
  • Đau ở cổ kéo dài
  • Chậm suy nghĩ, nói, đọc hoặc hành động thì chậm chạp
  • Ủ rũ, ví dụ như đột nhiên cảm thấy buồn hoặc tức giận mà không rõ lý do
  • Thay đổi giấc ngủ, chẳng hạn như ngủ nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường, hoặc khó ngủ
  • Đầu óc quay cuồng, chóng mặt
  • Dễ bị phân tâm
  • Tăng nhạy cảm với ánh sáng hoặc âm thanh
  • Mất khứu giác hoặc vị giác
  • Buồn nôn
  • Ù tai

Chúng có thể xuất hiện ngay lập tức, trong vòng vài giờ hoặc muộn hơn. Một người bị CTSN nhưng không có triệu chứng cần được theo dõi chặt chẽ trong 24 giờ, vì các dấu hiệu về CTSN có thể không xuất hiện ngay lập tức. Bất kỳ ai gặp các triệu chứng trên, thậm chí vài ngày hoặc vài tuần sau khi bị CTSN thì nên gặp bác sĩ để được thăm khám và chẩn đoán.

Trẻ em cũng sẽ có các dấu hiệu và triệu chứng tương tự, nhưng trẻ thường không biết cách để báo cho người lớn biết những triệu chứng của chúng. Nếu trẻ sơ sinh bị một cú đánh, hoặc đập mạnh vào đầu mà có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào sau đây, hãy gọi cho bác sĩ:

  • Thay đổi về giấc ngủ
  • Kích thích và khóc nhiều
  • Mất thăng bằng
  • Mất các kỹ năng mới có được,chẳng hạn như thay đổi cách tập đi vệ sinh
  • Thay đổi hành vi khi chơi
  • Bỏ ăn
  • Mất hứng thú với các hoạt động yêu thích hoặc đồ chơi
  • Mệt mỏi
  • Đi đứng không vững
  • Nôn ói

Đối với người lớn bị chấn thương đầu khi tham gia các hoạt động thể thao, cần dừng lại các hoạt động này cho đến khi bác sĩ cho phép, cho dù bạn có bất tỉnh hay không. Không phải mọi CTSN hoặc chấn động đầu đều dẫn đến mất ý thức. 

Các chấn thương đầu lặp đi lặp lại nhiều lần có thể gây tổn thương cho não về lâu dài.

Điều quan trọng là phải theo dõi một người bị CTSN vì tình trạng của họ có thể xấu đi nhanh chóng, các triệu chứng nhẹ có thể trở nên nghiêm trọng.

Ảnh hưởng về lâu dài

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy CTSN hoặc CTSN lặp đi lặp lại có thể ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe, bao gồm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ và các rối loạn tâm thần kinh.

Trong trường hợp CTSN nhẹ, các triệu chứng thường biến mất mà không cần điều trị. Tuy nhiên, CTSN nhẹ, lặp đi lặp lại nhiều lần có thể nguy hiểm và gây tử vong. Đây là lý do tại sao điều cần phải nghỉ ngơi và tránh chấn thương thêm cho đến khi bác sĩ cho phép tiếp tục. 

Những trường hợp nặng hơn sẽ phải nhập viện, có thể cần phải chăm sóc đặc biệt.

Điều trị cấp cứu nhằm mục đích ổn định tình trạng của bệnh nhân và ngăn chặn tổn thương não nào trở nên tồi tệ hơn.  Điều này sẽ liên quan đến việc đảm bảo đường thở được thông thoáng,cung cấp thông khí và oxy, cũng như duy trì huyết áp.  Thuốc có thể được sử dụng để giúp kiểm soát các triệu chứng.

  • An thần: Giúp ngăn ngừa kích động và hoạt động quá mức của cơ và góp phần giảm đau.
  • Giảm đau: Có thể dùng opioid.  
  • Thuốc lợi tiểu: làm tăng lượng nước tiểu và giảm lượng dịch trong mô.
  • Thuốc chống co giật: Người bị CTSN từ trung bình đến nặng có thể bị co giật đến một tuần sau khi bị tai nạn. Thuốc có thể giúp ngăn ngừa tổn thương não nặng thêm do co giật.
  • Thuốc gây mê: Trong thời gian bị mê, một người sẽ cần ít oxy hơn. Đôi khi, mê có thể được gây ra chủ động nếu các mạch máu không thể cung cấp đủ lượng dinh dưỡng và oxy cho não. 

Phân loại

Có hai loại CTSN chính: mở và kín. Trong CTSN mở, hộp sọ thì bị vỡ, còn trong CTSN kín, hộp sọ không bị vỡ. 

Các phân loại khác bao gồm:

  • Chấn động: Một chấn thương tác động trực tiếp có thể dẫn đến mất ý thức hoặc không. Đây là loại phổ biến nhất. Nó thường nhẹ, nhưng nó có thể gây tử vong.
  • Chảy máu: Khi một cú đánh trực tiếp gây chảy máu khu trú trong não, có thể hình thành cục máu đông.
  • Tổn thương theo trục lan tỏa: Khi vết rách xảy ra trong cấu trúc não do hộp sọ bị vỡ.
  • Tổn thương xuyên thấu: Khi bị vật sắc nhọn xuyên vào não. 

Nguyên nhân

CTSN gây ra bởi một cú đánh, va đập mạnh vào đầu, hoặc một chấn thương đầu xuyên thấu và phá vỡ chức năng bình thường của não bộ. 

Bộ não con người được bảo vệ khỏi những va đập bởi dịch não tủy bao bọc xung quanh. Não nằm trong chất lỏng này và bên trong hộp sọ. Một cú đánh mạnh hoặc va đập mạnh vào đầu có thể đẩy não vào thành trong của hộp sọ, dẫn đến rách các mạch máu gây chảy máu trong và quanh nhu mô não.

Theo thống kế các nguyên nhân hàng đầu thường do:

  • Té ngã: Chiếm 47% các trường hợp được báo cáo, đặc biệt trẻ em từ 14 tuổi trở xuống và người lớn trên 65 tuổi
  • Tai nạn xe cộ: Chiếm 14% các trường hợp, đặc biệt là ở nhóm tuổi từ 15 đến 19. 
  • Bị va chạm hoặc va đập với một vật thể: 15% CTSN là do va chạm với vật thể chuyển động hoặc vật thể cố định.
  • Các nguyên nhân khác bao gồm bạo lực gia đình và tai nạn lao động và tai nạn công nghiệp

Các biến chứng

Ngoài những nguy hiểm trước mắt, CTSN có thể để lại những hậu quả và biến chứng lâu dài. 

  • Động kinh: Có thể xảy ra trong tuần đầu tiên sau chấn thương. CTSN dường như không làm tăng nguy cơ mắc bệnh động kinh, trừ khi đã có những tổn thương cấu trúc não diện lớn. 
  • Nhiễm trùng: Viêm màng não có thể xảy ra nếu có rách màng não.Vết rách tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập. Nếu nhiễm trùng lan đến hệ thần kinh, có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. 
  • Tổn thương dây thần kinh: Nếu phần đáy của hộp sọ bị ảnh hưởng, có thể tác động đến các dây thần kinh của mặt, gây tê liệt cơ mặt, các vấn đề về cử động mắt, nhìn đôi và mất khứu giác. 
  • Rối loạn nhận thức: Người bị CTSN mức độ trung bình đến nặng có thể gặp một số vấn đề về nhận thức, bao gồm khả năng:
  • Tập trung, lập luận và xử lý thông tin
  • Giao tiếp bằng lời nói
  • Phán đoán tình huống
  • Ghi nhớ những điều trong thời gian ngắn
  • Giải quyết vấn đề
  • Tổ chức những suy nghĩ và ý tưởng
  • Thay đổi tính cách: Những điều này có thể xảy ra trong quá trình hồi phục. Khả năng kiểm soát cảm xúc của bệnh nhân có thể bị thay đổi, dẫn đến hành vi không phù hợp. Những thay đổi về tính cách có thể gây căng thẳng và lo lắng cho các thành viên trong gia đình, bạn bè và người chăm sóc. 
  • Các vấn đề về giác quan: Có thể dẫn đến:
    • Ù tai
    • Khó nhận biết đồ vật
    • Vụng về, do phối hợp giữa tay và mắt kém
    • Nhìn đôi và có điểm mù
    • Cảm nhận được mùi hôi hoặc vị đắng
  • Hôn mê: Bệnh nhân có thể vào hôn mê và dù ở trạng thái hôn mê trong một thời gian dài vẫn có thể tỉnh dậy và tiếp tục cuộc sống bình thường, nhưng một số người sẽ tỉnh dậy nhưng có các vấn đề về khiếm khuyết lâu dài.  Một số thì không không tỉnh lại được. 
  • Các vấn đề thần kinh lâu dài: Ngày càng có nhiều bằng chứng đã cho thấy mối liên hệ giữa CTSN với bệnh trầm cảm, bệnh Alzheimer,Parkinson và các rối loạn nhận thức khác. 

Xem thêm: Đánh giá chấn thương sọ não và điều trị, phòng ngừa

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top