✴️ Thoát vị đĩa đệm có những cách điều trị nào

Nội dung

1. Thoát vị đĩa đệm có chữa được không?

Đĩa đệm nằm giữa các đốt sống, cấu tạo bởi 3 phần gồm nhân nhầy, vòng sợi và mâm sụn. Trong cơ thể, đĩa đệm giữ nhiệm vụ giúp giảm áp lực hoạt động lên cột sống khi chúng ta hoạt động.

Thoát vị đĩa đệm là tình trạng nhân nhầy bị dịch chuyển khỏi không gian đĩa đệm do đĩa đệm bị mòn hoặc rách. Không giống như đau lưng cơ học, cơn đau do thoát vị đĩa đệm thường nóng rát hoặc đau nhói và lan xuống chi dưới. Trong một sống trường hợp, khối nhân nhầy do thoát vị đĩa đệm có thể chèn ép dây thần kinh hoặc tủy sống, gây ra cơn đau dây thần kinh hoặc rối loạn chức năng tủy sống.

Thoát vị đĩa đệm trải qua 4 giai đoạn. Ở mỗi giai đoạn biểu hiện của bệnh sẽ khác nhau:

  •  Giai đoạn 1: Bao xơ bên ngoài không bị vỡ, nhân nhầy vẫn được bảo vệ. Thông thường, người bệnh ở giai đoạn này vẫn thực hiện mọi sinh hoạt hàng ngày mà không có đau đớn. Nhưng các hoạt động như đi bộ, chạy sẽ tạo ra cảm giác đau và co kéo ở mặt sau của đùi và chân.
  •  Giai đoạn 2: Ở giai đoạn này, bệnh có tỷ lệ chữa khỏi tương đối cao. Bao xơ đĩa đệm bắt đầu xuất hiện tình trạng suy yếu nhưng nhân nhầy vẫn được bảo vệ bên trong. Tuy nhiên lại xuất hiện tình trạng chèn ép dây thần kinh khiến người bệnh gặp các cơn đau lưng dữ dội.
  •  Giai đoạn 3: Bao xơ đĩa đệm bị rách hoặc mòn, nhân nhầy thoát ra ngoài nhưng vẫn liền 1 khối. Người bệnh sẽ có các triệu chứng mệt mỏi, vận động khó khăn hơn với những cơn đau xuất hiện.
  •  Giai đoạn 4: Khối thoát vị lớn hơn, lúc này nhân nhầy tách ra khỏi khối. Những biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra với người bệnh, đặc biệt là liệt nửa người vĩnh viễn.

Nhận biết 4 giai đoạn của bệnh thoát vị đĩa đệm là rất quan trọng vì phương pháp điều trị phụ thuộc vào điều này. Nó giúp trả lời liệu nên điều trị bằng thuốc hay trị liệu vật lí hoặc phẫu thuật là lựa chọn duy nhất. 

Tuy nhiên theo chuyên gia, thoát vị đĩa đệm là một bệnh xương khớp mạn tính, dù điều trị sớm hay muộn cũng không thể chữa khỏi hoàn toàn. Do đó, các thông tin về việc chữa khỏi hoàn toàn thoát vị đĩa đệm là không chính xác, dẫn đến việc người bệnh có cái nhìn sai về bệnh.

Việc điều trị càng diễn ra sớm thì ảnh hưởng xấu của bệnh đến sức khỏe càng ít và khả năng người bệnh phục hồi càng cao.

Ở giai đoạn 1 và 2 khi bao xơ chưa bị rách, việc điều trị cho hiệu quả tốt nhất với tỷ lệ khỏi cao. Trong trường hợp này, nếu người bệnh phát hiện và điều trị bằng y khoa tân tiến có thể khỏi đến 95%.

Và ngược lại, nếu phát hiện và điều trị khi bệnh đã nặng sẽ vô cùng khó khăn. Bởi lẽ bệnh càng nặng, biến cứng càng nhiều. Thậm chí, người bệnh có thể phải thực hiện phẫu thuật để ngăn chặn những tác động xấu. Tuy nhiên, sau phẫu thuật, bệnh có thể vẫn tái phát và người mắc đứng trước nguy cơ bị di chứng hậu phẫu.

2. Điều trị thoát vị đĩa đệm

Đối với đa số bệnh nhân, thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng sẽ từ từ cải thiện trong khoảng thời gian vài ngày đến vài tuần. Thông thường, hầu hết bệnh nhân hết triệu chứng sau 3 đến 4 tháng. Tuy nhiên, một số bệnh nhân bị đau từng đợt trong quá trình hồi phục.

Điều trị không phẫu thuật

Điều trị ban đầu cho thoát vị đĩa đệm thường là điều trị triệu chứng và không phẫu thuật. Bác sĩ có thể khuyên người bệnh duy trì mức độ hoạt động thấp và họ có thể không đau trong vài ngày đến vài tuần. Điều này giúp tình trạng viêm dây thần kinh cột sống giảm đi. Không nên dùng gối khi nằm.

Thoát vị đĩa đệm thường được điều trị bằng thuốc chống viêm không steroid, nếu cơn đau chỉ ở mức độ nhẹ đến trung bình. Tiêm steroid ngoài màng cứng có thể được thực hiện bằng cách sử dụng kim cột sống dưới hướng dẫn của tia X để đưa thuốc đến vị trí thoát vị đĩa đệm.

Bác sĩ có thể chỉ định vật lý trị liệu. Bác sĩ chuyên khoa sẽ thực hiện đánh giá chuyên sâu, kết hợp với chẩn đoán để đưa ra phương pháp điều trị dành riêng cho bệnh nhân thoát vị đĩa đệm. Liệu pháp có thể bao gồm: Kéo vùng chậu, xoa bóp nhẹ nhàng, liệu pháp nhiệt nóng và lạnh, siêu âm, kích thích cơ điện và các bài tập kéo căng. Thuốc giảm đau và thuốc giãn cơ cũng có thể có lợi khi kết hợp với vật lý trị liệu.

Điều trị phẫu thuật

Bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật nếu các lựa chọn điều trị trước đó không đạt được hiệu quả, chẳng hạn như vật lý trị liệu và thuốc không làm giảm hoặc chấm dứt hoàn toàn cơn đau. Nhưng với bất kỳ cuộc phẫu thuật nào, tuổi tác, sức khỏe tổng thể và các vấn đề khác đều cần được xem xét.

Lợi ích của phẫu thuật nên được cân nhắc cẩn thận với rủi ro của nó. Mặc dù một tỷ lệ lớn bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cho biết giảm đau đáng kể sau khi phẫu thuật, nhưng không có gì đảm bảo rằng, phẫu thuật sẽ không bị tái phát.

Một bệnh nhân có thể tiến hành phẫu thuật cột sống nếu:

  • Đau làm hạn chế hoạt động bình thường hoặc làm giảm chất lượng cuộc sống.
  • Thâm hụt thần kinh tiến triển phát triển, chẳng hạn như chân bị yếu và tê.
  • Mất chức năng bình thường của ruột và bàng quang.
  • Khó khăn khi đứng hoặc đi bộ.
  • Thuốc và vật lý trị liệu không hiệu quả.
  • Bệnh nhân có sức khỏe khá tốt.

Cắt bỏ vi mô: Thủ thuật phổ biến nhất được sử dụng để điều trị một đĩa đệm thoát vị là phẫu thuật cắt bỏ khối nhân nhầy thoát ra ngoài. Thủ thuật được thực hiện thông qua một vết rạch nhỏ ở vị trí thoát vị đĩa đệm và thường sử dụng kính hiển vi. Phần đĩa đệm bị thoát vị sẽ được loại bỏ cùng với bất kỳ mảnh vỡ nào khác đang gây áp lực lên dây thần kinh cột sống.

Có thể phải thực hiện một vết rạch lớn hơn nếu thoát vị đĩa đệm ở nhiều cấp độ.

Phục hồi chức năng: Bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn người bệnh thực hiện đi bộ đơn giản 30 phút mỗi ngày cùng với các bài tập cụ thể để giúp phục hồi sức khỏe và sự linh hoạt cho lưng cũng như chân của bạn.

Điều trị phẫu thuật và không phẫu thuật, có 5% đến 10% khả năng đĩa đệm sẽ thoát vị trở lại.

Tóm lại, thoát vị đĩa đệm không thể chữa khỏi hoàn toàn. Nhưng người bệnh nên đi khám sớm khi phát hiện các dấu hiệu bất thường để điều trị kịp thời. Càng sớm điều trị thì khả năng phục hồi càng cao, nguy cơ tái phát sẽ giảm.

Xem thêm: Tại sao thường thoát vị đĩa đệm ở tầng L4 L5 và S1?

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top