Thoát vị đĩa đệm là một bệnh rất nguy hiểm không thể xem nhẹ, đây là nguyên nhân gây đau cột sống cổ, cột sống thắt lưng, đau chân tay… Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng, rối loạn khác nhau, vì vậy khi phát hiện bệnh phải xử lý kịp thời tránh nguy hiểm cho người bệnh.
Hậu quả do thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng có thể gây ra những hậu quả như:
– Đau rễ thần kinh: Đau ở rễ thần kinh phản ánh một quá trình tổn thương kích thích rễ thần kinh. Đau rễ thần kinh thường đau theo dải, lan từ thắt lưng xuống chân, tương ứng với vùng phân bố của rễ thần kinh.
Đau rễ thần kinh xuất hiện sau giai đoạn đau thắt lưng cục bộ, đau tăng lên khi đi lại, đứng lâu, ngồi lâu. Đau dội mạnh lên khi ho, hắt hơi, rặn đại tiện.
Đau rễ thần kinh có thể xuất hiện khi đi được một đoạn làm bệnh nhân phải dừng lại để nghỉ. Khi đi tiếp một đoạn nữa, đau lại xuất hiện, buộc bệnh nhân phải nằm nghỉ.
– Rối loạn cảm giác: Thường gặp là giảm cảm giác nông (nóng, lạnh, xúc giác) ở những khu vực khoang da tương ứng với rễ thần kinh bị tổn thương. Đây là biểu hiện mức độ tổn thương sâu sắc của rễ thần kinh.
– Rối loạn vận động: Biểu hiện là bệnh nhân bị bại và liệt cơ ở hai chân do rễ thần kinh chi phối.
– Rối loạn cơ thắt: Trong tổn thương các rễ vùng xương cùng (rễ S3, S4, S5) có biểu hiện lúc đầu bí tiểu sau đái dầm dề, luôn luôn có nước tiểu chảy rỉ ra một cách thụ động do liệt cơ thắt kiểu ngoại vi không giữ được nước tiểu.
Để chẩn đoán xác định thoát vị đĩa đệm cột sống lưng, ngoài việc dựa trên các triệu chứng lâm sàng, người bệnh có thể được chỉ định làm các xét nghiệm cận lâm sàng như chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ…
Tùy từng trường hợp mà xác định phương pháp chữa thoát vị đĩa đệm phù hợp. Thông thường thì nếu bệnh ở giai đoạn đầu, các triệu chứng ít xuất hiện hoặc cơn đau không dai dẳng, không phải cơn đau cấp thì có thể điều trị bằng phương pháp bảo tồn.
– Dùng thuốc có tác dụng giảm đau và giảm co thắt cơ bắp
– Nghỉ ngơi tại giường trong một tư thế thoải mái khiến cho bạn cảm thấy bớt đau hơn nhưng cũng cần chú ý không nên nằm quá lâu.
– Vật lý trị liệu có thể bao gồm liệu pháp dùng nhiệt, siêu âm và kéo giãn
Trong trường hợp điều trị bảo tồn không mang lại kết quả, bệnh nặng hơn thì cần được chỉ định điều trị ngoại khoa. Phẫu thuật giúp loại bỏ một đĩa đệm bị thoát vị khi:
– Người bệnh cảm thấy tê, yếu không vận động được
– Cơn đau tăng lên cùng cực
– Các xét nghiệm nhận thấy đĩa đệm bị vỡ và không cải thiện về thuốc và vật lý trị liệu sau khi điều trị bằng bảo tồn.
Dù điều trị bằng phương pháp nào cũng cần có sự chỉ định cụ thể của bác sĩ. Do đó người bệnh khi được chẩn đoán mắc thoát vị đĩa đệm cột sống lưng nên tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ để đạt hiệu quả cao nhất.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh