✴️ Tư thế nằm và ngồi “đúng” khi bị thoát vị đĩa đệm

Nội dung

Ngoài việc tuân thủ theo phương pháp điều trị của bác sĩ, người bệnh còn cần chú ý tới tư thế nằm và ngồi phù hợp để giảm đau khi mắc bệnh, đồng thời hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả.

 

Tư thế nằm khi bị thoát vị đĩa đệm

Thực tế cho thấy, tư thế nằm tác động rất lớn tới cột sống lưng và cổ. Đặc biệt khi bị thoát vị đĩa đệm, tư thế nằm rất quan trọng. Nếu nằm ngủ sai tư thế có thể khiến triệu chứng bệnh nghiêm trọng hơn. Ngược lại, nếu nằm ngủ đúng tư thế có thể giúp hỗ trợ điều trị, giảm triệu chứng, cải thiện sớm bệnh.

Vì thế, người bệnh thoát vị đĩa đệm có thể tham khảo các tư thế nằm sau:

Nằm nghiêng và kê gối giữa hai chân.

Nằm nghiêng và kê gối giữa 2 chân là tư thế nằm nghiêng người và có sử dụng gối nhỏ kẹp giữa 2 đầu gối. Hai chân cũng chỉ co nhẹ chứ không gập hẳn lại.

Ngoài ra, người bệnh có thể kê thêm một chiếc gối nhỏ ở vùng thắt lưng nhằm giữ đường cong sinh lý của cột sống. Lúc này, chiếc gối giúp nâng vùng xương hông và xương chậu, từ đó giảm bớt áp lực lên cột sống.

Nằm sấp và kê gối (hoặc chăn) dưới bụng

 

Tư thế này chủ yếu dành cho người bị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ. Việc nằm sấp có thể xoa dịu vùng cổ và lưng trên, giúp hai khu vực này thư giãn. Dùng chiếc gối (hoặc chăn) còn giúp ngăn thắt lưng không bị uốn cong quá mức.

Nằm ngửa và kê gối dưới chân

Theo đánh giá từ nhiều nghiên cứu, đây là tư thế nằm cho người thoát vị đĩa đệm tốt nhất. Tư thế này không chỉ giúp giảm đau mà còn hỗ trợ cải thiện chất lượng giấc ngủ.

Chiếc gối kê sẽ được đặt bên dưới đầu gối. Việc nằm ngủ với tư thế này có tác dụng cân bằng lực tác động lên cột sống, đồng thời điều chỉnh lại đường cong sinh lý vốn có của cột sống.

Ngoài việc áp dụng luân phiên các tư thế nằm phù hợp nêu trên, người bệnh nên chú ý:

Tuyệt đối không thực hiện tư thế nằm ngửa mà không có gối đỡ phía sau.

Không nên nằm ngủ trong tư thế nghiêng người chân duỗi chân co trong một thời gian dài.

Hạn chế nằm ngủ ở các tư thế khiến cột sống bị cong vẹo, nghiêng ngả.

Không nên nằm ngủ trên đệm quá cứng hoặc quá mềm.

Không đặt gối quá cao so với đầu sẽ dễ dẫn tới các cơn đau nhức cổ và vai gáy nghiêm trọng.

Tư thế ngồi khi bị thoát vị đĩa đệm

Ngồi lâu có nguy cơ khiến cột sống lưng và cổ bị tổn thương, làm tình trạng thoát vị đĩa đệm nghiêm trọng hơn. Vì thế, trong thời gian điều trị, người bệnh cũng cần có tư thế ngồi phù hợp để giảm các cơn đau do bệnh gây ra.

Các tư thế ngồi đúng

– Đặt khuỷu tay vuông góc với cánh tay khi ngồi làm việc. Ngồi trong tư thế thẳng lưng hoặc chọn ghế có phần tựa lưng thẳng.

– Chú ý đặt màn hình máy tính vừa tầm mắt, hạn chế cúi đầu hoặc ngước nhìn để tránh tạo thêm sức ép lên đốt sống cổ

– Không cố gắng rướn chân chạm mặt đất, tốt nhất nên tìm một vật để kê chân.

– Nên đứng lên và vận động nhẹ sau mỗi 45 – 60 phút, giúp làm giảm bớt áp lực mà cột sống phải chịu đựng.

Các tư thế ngồi nên tránh

 

Trong thời gian bị bệnh, một vài tư thế ngồi cần tránh để không làm bệnh nghiêm trọng hơn như:

– Ngồi xổm hoặc ngồi khoanh chân, bắt chéo chân. Điều này gây tăng thêm sức ép lên phần cột sống thắt lưng.

– Bỏ thói quen vặn mình khi đang ngồi. Động tác vặn mình dễ gia tăng áp lực lên sụn cùng đĩa đệm. Hành động đột ngột vặn mình còn có nhiều nguy cơ làm giãn dây chằng lưng, gây đau đớn.

– Tránh ngồi xuống, đứng lên đột ngột vì sẽ gây đau cột sống thắt lưng…

Bài viết trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Tùy vào mức độ nặng – nhẹ của mỗi người mà bác sĩ sẽ tư vấn tư thế nằm và ngồi phù hợp. Tốt nhất, người bệnh nên lựa chọn các địa chỉ y tế tin cậy để được chữa trị hiệu quả thoát vị đĩa đệm, có biện pháp dự phòng hợp lý để ngăn chặn bệnh tái phát.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top