Sonde JJ là một loại vật tư y tế thường được sử dụng trong y khoa bởi các bác sĩ khoa tiết niệu dùng trong một số bệnh lý. Việc đặt sonde niệu quản có nhiều tác dụng trong việc hỗ trợ quá trình điều trị, cải thiện sức khỏe cho người bệnh. Tuy nhiên có những sự quan tâm đặc biệt đến việc lưu sonde JJ trong cơ thể một thời gian có gây khó chịu hay triệu chứng gì không. Sau đây hãy cùng chúng tôi tìm hiểu những triệu chứng thường gặp khi đặt ống JJ và các biện pháp để cải thiện triệu chứng cho người bệnh.
Sonde JJ là ống rỗng bằng nhựa dẻo hoặc silicon được thiết kế với kích thước khác nhau, và gồm 2 đầu cong, dùng để đặt vào niệu quản của người bệnh.
Đặt sonde JJ niệu quản nhằm mục đích đảm bảo lưu thông thuận lợi dòng nước tiểu từ thận xuống bàng quang, tránh gây nghẽn dòng chảy khiến thận ứ đọng nước
Đặt sonde JJ niệu quản còn giúp bảo vệ niệu quản, giúp niệu quản nhanh chóng lành vết thương khi có tổn thương. Ngoài ra còn giúp dự phòng hẹp niệu quản sau điều trị ngoại khoa ở niệu quản. Sonde JJ còn có tác dụng làm rộng niệu quản trước khi tiến hành tán sỏi để các dụng cụ nội soi có thể đưa được vào niệu quản dễ dàng hơn.
Sonde JJ được chỉ định đặt vào niệu quản trong các trường hợp sau đây:
– Sau điều trị ngoại khoa các bệnh sỏi thận, sỏi niệu quản giúp các mảnh sỏi vụn được trôi ra ngoài dễ dàng hơn. Sau phẫu thuật đường niệu trên để giảm thiểu viêm nhiễm, nhiễm trùng…
– Đặt sonde JJ khi có tắc nghẽn lưu thông nước tiểu từ thận xuống bàng quang như sỏi, chít hẹp tại niệu quản…
– Chỉ định sử dụng sonde JJ niệu quản khi niệu quản có vết thương
– Đặt sonde JJ trong trường hợp người bệnh có u bướu trong ổ bụng hoặc đường tiết niệu, giúp lưu thông nước tiểu trong lúc điều trị nội khoa
Sau khi đặt sonde JJ vào niệu quản người bệnh có thể gặp các triệu chứng gây khó chịu, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Ở một số người dung nạp dễ dàng, sẽ không có triệu chứng hoặc triệu chứng sẽ hết trong vài ngày. Tuy nhiên ở một số bệnh nhân có thể gặp tác dụng phụ kéo dài.
Cơn đau thường hay xuất hiện ở vùng hông lưng của bên đặt sonde niệu quản. Người bệnh có thể đau âm ỉ hoặc đau quặn, cơn đau có thể lan xuống các khu vực bàng quang, âm đạo, tinh hoàn, bẹn ở bệnh nhân…
Lý giải cho việc xuất hiện cơn đau là lượng nước tiểu trong bàng quang lớn mà không được đưa ra ngoài, dẫn đến dòng nước tiểu theo sonde trào ngược lên thân gây ra căng tức, và đau
Chính vì vậy khi buồn tiểu bạn cần đi tiểu luôn, tránh nhịn tiểu để giảm thiểu tình trạng tăng áp lực trong bàng quang. Khi đi tiểu không nên cố rặn mạnh và cũng nên cố gắng để cơ thể không mắc táo bón tránh việc rặn mạnh gây co bóp làm tăng triệu chứng đau.
Triệu chứng thứ hai người bệnh có thể gặp là đi tiểu máu, nghĩa là nước tiểu có lẫn máu dẫn đến màu nước tiểu có màu hồng, màu đỏ tươi hoặc có vẩn máu đen hoặc cục máu.
Nguyên nhân khiến nước tiểu có máu là do trong quá trình sinh hoạt sonde JJ cọ xát vào thành niệu quản liên tục và mạnh. Hoặc có thể do những biến chứng chảy máu của các bệnh lý đường tiết niệu như sỏi cọ xát, bệnh nhân thực hiện các phương pháp điều trị ngoại khoa tán sỏi có biến chứng…
Khi nước tiểu bệnh nhân có màu hồng nhạt như nước rửa thịt bạn nên nghỉ ngơi, hạn chế đi lại vận động, uống thêm nước và tiếp tục theo dõi. Nếu trong lần tiểu tiếp theo nước tiểu trong hơn thì bạn không cần đến viện mà tiếp tục nghỉ ngơi. Nếu hiện tượng trên vẫn còn, thậm chí là còn nhiều máu hơn, đậm màu hơn thì bạn nên liên hệ với bác sĩ để được thăm khám và xử lý nếu cần.
Trong trường hợp nước tiểu đỏ đậm, có máu cục bạn nên nhanh chóng đến viện kiểm tra ngay.
Người bệnh sẽ có khả năng phải đi tiểu nhiều lần và thường xuyên hơn bình thường.
Nếu đi tiểu nhiều lần gây ảnh hưởng đến giấc ngủ, sức khỏe bạn nên thông báo cho bác sĩ để có thể được thay đổi hoặc dùng thuốc thích hợp
Trường hợp người bệnh tiểu nhiều lần kèm tiểu buốt, tiểu rắt, bạn cũng nên đến gặp bác sĩ để được kiểm tra lại tình trạng sức khỏe.
Các triệu chứng kể trên có thể tồn tại trong vài ngày hay vài tuần. Tuy nhiên nếu các triệu chứng này tăng, bệnh nhân đi tiểu ra nhiều máu, sốt cao, tiểu buốt, rắt thì bạn cần nên khám lại để tư vấn điều trị ngay.
Ngoài ra bạn cũng cần tuân thủ những chỉ định dùng thuốc, và yêu cầu tái khám rút sonde JJ đúng thời hạn để tránh biến chứng như kết tinh sỏi quanh sonde JJ
Cuối cùng bạn nên lắng nghe lời khuyên của bác sĩ, những hướng dẫn chăm sóc, nghỉ ngơi sau khi thực hiện kỹ thuật này.
– Nên uống nhiều hơn 2 lít nước mỗi ngày, bổ sung thêm các loại rau củ quả tươi chứa nhiều chất dinh dưỡng và chất kháng viêm, tránh táo bón, giảm viêm nhiễm.
– Không nên làm việc nặng, vận động hoạt động thể chất mạnh trong thời gian lưu ống sonde trong cơ thể…
– Bệnh nhân vẫn sinh hoạt tình dục bình thường, vẫn có thể chơi thể thao tuy nhiên cần tham vấn bác sĩ để lựa chọn môn thể thao phù hợp.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh