✴️ Sinh thiết thận

Để làm sinh thiết thận trước tiên cần thực hiện việc lấy một mẫu mô nhỏ từ thận. Sau đó, các tế bào thận sẽ được quan sát chi tiết dưới kính hiển vi, phục vụ cho việc chẩn đoán và theo dõi điều trị. 

 

 

Sinh thiết thận

 

Sinh thiết thận cụ thể là xét nghiệm gì?

Sinh thiết là quy trình lấy một mẫu mô nhỏ từ một bộ phận cơ thể để quan sát dưới kính hiển vi hoặc thực hiện một số xét nghiệm trên mẫu mô. Sinh thiết thận là lấy một mẫu mô nhỏ từ thận để làm xét nghiệm.

Sinh thiết thận được thực hiện để chẩn đoán và theo dõi một số vấn đề của thận. Ví dụ, viêm thận – bệnh có thể do nhiều nguyên nhân; hoặc ung thư thận. Sinh thiết thận cũng được sử dụng để theo dõi tình trạng của người được cấy ghép thận.

Sinh thiết thận được thực hiện như thế nào?

Thận nằm ngay dưới lồng ngực, về phía bên và mặt sau của bụng trên. Vì vậy, bạn thường sẽ được yêu cầu nằm sấp trên ghế hoặc giường. Phần da tương ứng với vị trí của thận được sát trùng. Sau đó người ta sẽ gây tê cục bộ trên một khu vực nhỏ của da và mô ở xung quanh thận để làm sinh thiết. Việc này có thể gây đau một chút lúc đầu, nhưng sau đó sẽ chỉ có cảm giác tê da.

Trường hợp lấy mẫu sinh thiết ở thận được cấy ghép, bệnh nhân sẽ được yêu cầu nằm ngửa và được gây tê cục bộ vùng da tương ứng chỗ cấy ghép.

Sau đó, bác sĩ sẽ đưa một kim rỗng đặc biệt xuyên qua da và cơ vào mô thận để lấy mẫu. Do gây tê cục bộ, bệnh nhân sẽ không cảm thấy đau đớn. Tuy nhiên, có thể cảm thấy áp lực khi bác sĩ đẩy kim vào. Kim tiêm được đưa vào và rút ra rất nhanh, mang theo mẫu nhỏ mô thận.

Bệnh nhân sẽ phải nín thở trong vòng 5-10 giây khi kim được đẩy vào và rút ra (khi nào cần nín thở sẽ được bác sĩ thông báo chính xác). Có yêu cầu này là do quả thận bị di chuyển khi bạn hít thở. Bác sĩ thường sử dụng một máy quét siêu âm để hỗ trợ trong quá trình sinh thiết. Các ảnh chụp siêu âm được sử dụng nhằm xác định chính xác vị trí thận để đưa kim sinh thiết vào đúng vị trí. Siêu âm không gây đau.

Bạn cần chuẩn bị những gì trước khi làm sinh thiết thận?

Thông thường ngay trước khi sinh thiết sẽ được yêu cầu làm xét nghiệm máu để kiểm tra khả năng đông máu. Điều này là để đảm bảo khả năng không bị chảy máu sau khi sinh thiết. Bạn có thể được khuyên không nên dùng bất cứ loại thuốc nào có ảnh hưởng đến quá trình đông máu, như aspirin và warfarin, trong một tuần trước khi sinh thiết. (Có thể cần phải thảo luận với bác sĩ điều trị nếu đang dùng những loại thuốc này để điều trị các vấn đề sức khỏe khác)

Bệnh nhân sẽ cần phải ký giấy chấp thuận một số điểm trước khi làm thủ thuật để đảm bảo rằng đã hiểu những vấn đề liên quan cũng như rủi ro, và đồng ý cho phép các bác sĩ thực hiện thủ thuật.

Những rủi ro khi làm sinh thiết thận

Các biến chứng khi làm sinh thiết thận là ít gặp. Trong một số ít trường hợp ở vị trí sinh thiết có chảy máu nhưng thường máu chảy ít và sớm dừng lại. Đôi khi có trường hợp bị chảy máu nhiều hơn. Rất hiếm gặp trường hợp bệnh nhân cần truyền máu và/hoặc phẫu thuật để xử lý. Lý do chính mà bạn được theo dõi trong vài giờ sau khi sinh thiết là để kiểm tra xem vấn đề chảy máu. Có một rủi ro ít gặp khác là vết thương nhỏ sau khi sinh thiết có thể bị nhiễm trùng.

Làm gì sau khi sinh thiết thận

Bệnh nhân sẽ được yêu cầu nằm trên giường và được theo dõi trong vài giờ để kiểm tra vết thương có chảy máu hay không. Nếu làm xét nghiệm trong bệnh viện, bệnh nhân có thể được yêu cầu ở lại qua đêm. Tuy nhiên, nếu sinh thiết được thực hiện vào buổi sáng sớm, có thể về nhà ngay trong ngày. Có thể gặp phải một số cảm giác khó chịu (như cơn đau) nhưng thường sẽ giảm bớt bằng cách uống thuốc giảm đau. Có thể mất một tuần hoặc lâu hơn để có kết quả sinh thiết.

Có thể bác sĩ sẽ khuyên không nên tham gia vào các môn thể thao có va chạm trong một thời gian nhất định sau khi làm sinh thiết. Điều này là để đảm bảo khả năng thận được hồi phục đúng cách. Nên đến gặp bác sĩ trong các trường hợp sau:

  • Nước tiểu có máu.

  • Bị đau bụng.

  • Vùng sinh thiết bị đỏ.

  • Bạn bị sốt.

  • Vùng sinh thiết vẫn còn đau ba ngày sau đó và thuốc giảm đau không có tác dụng.

Có thể bạn quan tâm: Nội soi niệu đạo, bàng quang

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top