✴️ Sỏi bàng quang gây ra nhiễm trùng và nhiều biến chứng nguy hiểm khác

Nội dung

Đặc điểm sỏi bàng quang

Một người có thể có một hoặc nhiều sỏi bàng quang. Đây là loại sỏi có kích thước đa dạng và hình thái khác nhau, có thể mềm hoăc cứng, mịn hoặc lởm chởm và nhọn, thậm chí sỏi rất lớn làm lấp đầy toàn bộ bàng quang.

 

Triệu chứng sỏi bàng quang

Nếu sỏi kích thích bàng quang hoặc chèn dòng chảy của nước tiểu, bạn sẽ có một số triệu chứng như sau:

– Đi tiểu đau buốt, tiểu khó và tiểu ra máu: Triệu chứng của bệnh biểu hiện rõ rệt nhất vào ban ngày, giảm nhẹ hoặc biến mất về đêm. Thỉnh thoảng sẽ xuất hiện triệu chứng đi tiểu ra máu, nếu sỏi bị tắc ở niệu quản, tiểu khó, rối loạn chức năng tiểu…

Đau bụng và đau vùng đáy chậu, nhất là khi vận động là những triệu chứng điển hình của sỏi bàng quang

Đau bụng và đau vùng đáy chậu, nhất là khi vận động là những triệu chứng điển hình của sỏi bàng quang

– Đau bụng: Sỏi bàng quang gây ra đau vùng bụng dưới và vùng đáy chậu, biểu hiện đau rõ rệt nhất khi vận động. Bạn có thể thay đổi tư thế nằm và nên nằm ngửa để bớt đau hơn.

– Tiểu nhiều, tiểu buốt: Khi sỏi kích ứng tới niêm mạc bàng quang sẽ gây ra biểu hiện tiểu nhiều, tiểu buốt về cuối bãi, có thể kèm theo tiểu ra máu.

 

Nguyên nhân gây sỏi bàng quang

– Sỏi từ thận và niệu quản rơi xuống và ở lại bàng quang, lâu ngày phát triển to dần lên do các cặn sỏi tiếp tục bám vào.

– Sỏi bàng quang hình thành do quá trình người bệnh sử dụng thuốc điều trị các bệnh khác có chứa nhiều chất làm kết tủa, lắng đọng khoáng chất trong nước tiểu gây ra sỏi.

– Sỏi hình thành do các bệnh gây chít tắc cổ bàng quang như u xơ tiền liệt tuyến, chít hẹp niệu đạo, túi thừa bàng quang hoặc do có dị vật trong bàng quang, từ các dị vật đó cặn sỏi dần dần bám vào tích tụ thành sỏi.

 

Điều trị sỏi bàng quang

Bạn nên đến bệnh viện để được thăm khám và xử lý sỏi bàng quang sớm.

Tùy thuộc vào tình trạng bệnh nhân, kích thước sỏi mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị cho phù hợp.

Điều trị bằng thuốc

Nếu sỏi bàng quang nhỏ từ đường tiết niệu trên rơi xuống có thể điều trị kháng sinh chống viêm, giảm đau, giãn cơ trơn để sỏi tự đào thải ra ngoài qua quá trình tiểu tiện.

Điều trị nội soi

Điều trị sỏi bàng quang bằng phương pháp nội soi thường dùng cho trường hợp sỏi kích thước nhỏ hơn 3cm. Mục đích điều trị của máy tán sỏi là tán sỏi thành những mảnh nhỏ để bài xuất ra ngoài. Cũng có thể dùng dụng cụ cơ học để bóp nát sỏi dưới sự giám sát của camera đặt ở đầu ống soi.

Phẫu thuật lấy sỏi

Việc điều trị phẫu thuật được chỉ định cho những trường hợp sỏi to, sỏi không thể tán được hay sỏi bàng quang có kèm theo hẹp niệu đạo, xơ cứng cổ bàng quang, u xơ tiền liệt tuyến, túi thừa bàng quang.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top