✴️ Sỏi thận xuống niệu quản – những nguy hiểm khó lường

Nội dung

1. Sỏi thận xuống niệu quản là gì?

Niệu quản là một ống dài có nhiệm vụ dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang, có chiều dài khoảng 25cm và đường kính trung bình khoảng 5 mm. Càng xuống thấp thì đường kính của niệu quản càng nhỏ.

Sỏi thận xuống niệu quản là hiện tượng một hoặc nhiều viên sỏi có kích thước nhỏ từ thận di chuyển theo dòng chảy của nước tiểu xuống bàng quang nhưng bị mắc kẹt ở niệu quản,  hình thành sỏi niệu quản. Sỏi nằm ở niệu quản là vị trí nguy hiểm nhất và dễ gây biến chứng nhất trong các loại sỏi tiết niệu.

Sỏi có thể gặp ở bất kỳ vị trí nào của niệu quản nhưng hay gặp nhất là tại 3 vị trí hẹp sinh lý của niệu quản:

  • Đoạn nối thận vào niệu quản: sỏi niệu quản 1/3 trên.

  • Đoạn nối niệu quản vào bàng quang: sỏi niệu quản 1/3 giữa

  • Đoạn niệu quản nằm phía trước động mạch chậu: sỏi niệu quản 1/3 dưới.

Sỏi thận xuống niệu quản có thể bị mắc kẹt ở bất kì vị trí nào tại niệu quản

Sỏi thận xuống niệu quản có thể bị mắc kẹt ở bất kì vị trí nào tại niệu quản

 

2. Những triệu chứng lâm sàng của sỏi niệu quản

Các triệu chứng điển hình của sỏi niệu quản là:

  • Cơn đau quặn thận: những cơn đau này thường đến một cách đột ngột theo từng cơn. Đau từ thắt lưng lan xuống vùng đùi và bộ phận sinh dục. Cơn đau có thể kéo vài phút hoặc thậm chí đến cả tiếng đồng hồ không dứt.

  • Đau âm ỉ ở vùng hông, vùng thắt lưng: Người bệnh sẽ cảm nhận được những cơn đau âm ỉ từ vùng lưng dần theo đường di chuyển của sỏi niệu quản.

  • Tiểu buốt và tiểu ra máu: Sỏi niệu quản có thể gây nên triệu chứng đau buốt khi đi tiểu. Nước tiểu có màu hồng hoặc đỏ có lẫn máu. Nguyên nhân do những viên sỏi có kích thước lớn, gồ ghề góc cạnh nằm kẹt ở niệu quản và cọ xát vào niêm mạc gây tổn thương, chảy máu.

  • Đi tiểu khó khăn: Do sỏi bị mắc kẹt tại niệu quản khiến người bệnh khó đi tiểu. Lượng nước tiểu mỗi lần đi là rất ít nên phải đi tiểu nhiều lần trong ngày.

  • Nước tiểu có màu đục và mùi hôi khó chịu: Sỏi niệu quản có thể làm nhiễm trùng đường tiết niệu khiến nước tiểu có màu vàng, đục đi kèm với vùi hôi rõ rệt.

 

3. Biến chứng nguy hiểm của sỏi niệu quản

Sỏi niệu quản nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ra những biến chứng vô cùng nguy hiểm:

Suy thận mãn tính là biến chứng nặng nề nhất do sỏi thận xuống niệu quản gây ra

Suy thận mãn tính là biến chứng nặng nề nhất do sỏi thận xuống niệu quản gây ra

  • Thận ứ nước và gây giãn đài bể thận: Do sỏi niệu quản chặn đường đi của nước tiểu. Nước tiểu không thể từ thận xuống bàng quang để đào thải ra ngoài gây ra ứ nước tại thận. Lâu này sẽ làm giãn đài bể thận và làm suy giảm chức năng của thận.

  • Viêm đường tiết niệu: Khi sỏi di chuyển có thể làm tổn thương niêm mạc niệu quản tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn sinh sôi và phát triển gây viêm nhiễm đường tiết niệu.

  • Suy thận cấp tính: Trong trường hợp niệu quản bị tắc nghẽn hoàn toàn trong thời gian dài gây giãn đài bể thận và khiến các nhu mô thận bị tổn thương nặng không thể phục hồi. Mức lọc cầu thận bị suy giảm hoặc ngừng khiến các chức năng của thận bị mất tạm thời gây suy thận cấp tính.

  • Suy thận mãn tính: Đây có thể được xem là biến chứng nặng nề nhất do sỏi niệu quản gây ra. Viêm thận cấp tình hay viêm bể thận do sỏi kéo dài khiến chức năng của thận bị suy giảm dần. Lượng Nephron (đơn vị cấu tạo và chức năng) của thận bị tổn thương nghiêm trọng dẫn đến xơ hóa không thể phục hồi. Đây là yếu tố khiến bệnh suy thận cấp nhanh chóng chuyển sang giai đoạn mãn tính.

 

4. Các phương pháp điều trị sỏi niệu quản

Đặc điểm của niệu quản là khá hẹp và nhỏ. Nếu sỏi bị mắc kẹt tại đây sẽ vô cùng nguy hiểm. Do đó nếu thấy mình đang có nguy cơ bị sỏi niệu quản, người bệnh cần đi khám để kiểm tra chính xác. Khi xác định được có sỏi trong niệu quản, tùy vào vị trí và kích thước của sỏi mà bác sĩ sẽ chỉ định phương án điều trị phù hợp.

4.1. Sỏi thận xuống niệu quản nhỏ, ít gây triệu chứng:

Với những viên sỏi nhỏ có kích thước dưới 5mm có thể thông qua đường tiểu ra ngoài. Bác sĩ chỉ định người bệnh uống nhiều nước (ít nhất là 2 lít nước/ngày) kết hợp với chế độ ăn uống khoa học và hợp lý. Đồng thời, một số loại thuốc cũng được chỉ định để giúp làm giãn các cơ trong niệu quản, giúp người bệnh có thể đẩy sỏi ra ngoài theo đường tự nhiên dễ dàng hơn.

4.2. Sỏi thận xuống niệu quản có kích thước lớn, bị mắc kẹt tại niệu quản:

Những viên sỏi lớn bị nằm kẹt tại niệu quản gây những triệu chứng đau đớn, khó chịu, can thiệp ngoại khoa là phương pháp điều trị bắt buộc để chữa dứt điểm sỏi. Một số phương pháp có thể được áp dụng để điều trị sỏi niệu quản là:

Tán sỏi ngoài cơ thể:

Phương pháp chỉ định trong các trường hợp sỏi niệu quản 1/3 trên và có kích thước dưới 10mm. Bản chất của phương pháp này là dùng sóng xung kích hội tụ ở viên sỏi và làm tan sỏi thành những mảnh nhỏ. Sau đỏ những mảnh sỏi này sẽ được thải dần ra ngoài theo đường tiểu một cách nhẹ nhàng. Phương pháp này giúp người bệnh tránh được một cuộc phẫu thuật. Người bệnh không thấy đau đớn hay những biến chứng có thể xảy ra sau phẫu thuật. Thời gian thực hiện nhanh khoảng 30-45 phút và người bệnh có thể ra viện ngay sau đó.

Tán sỏi nội soi qua da:

Tán sỏi qua da chỉ định trong các trường hợp sỏi niệu quản 1/3 trên và có kích thước trên 15mm. Phương pháp được thực hiện bằng cách các bác sĩ sẽ tạo một đường hầm nhỏ với vết rạch khoảng 5mm từ da vào vị trí có sỏi. Sau đó dùng năng lượng laser phá vỡ sỏi và hút sỏi nhỏ cùng vụn sỏi ra ngoài. Đây là phương pháp xâm lấn tối thiểu nhất, giúp xử lý sạch sỏi hoàn toàn và ít gây ảnh hưởng đến chức năng của thận.

Tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser:

Tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser chỉ định trong các trường hợp sỏi niệu quản 1/3 giữa và 1/3 dưới; có kích thước từ 6mm. Phương pháp thực hiện theo đường dẫn nước tiểu. Sỏi được tán thành những mảnh nhỏ rồi di chuyển theo đường tiểu ra ngoài. Đây là phương pháp hạn chế xâm lấn, rất an toàn và không làm ảnh hưởng đến các cơ quan lân cận. Phương pháp làm sạch 100% sỏi, người bệnh hồi phục nhanh chóng và có thể ra viện sau 24 giờ.

 

5. Những biện pháp giúp chủ động phòng ngừa sỏi niệu quản

Sỏi niệu quản, sỏi tiết niệu có thể được kiểm soát nếu áp dụng các biện pháp sau:

  • Uống nhiều nước: Uống khoảng 2-2,5 lít nước mỗi ngày . Ngoài việc bổ sung bằng nước sạch, bạn có thể uống các loại nước giúp lợi tiểu như nước ngô, nước chanh…để hòa tan các chất cặn bã, giảm tình trạng lắng đọng và hình thành sỏi

  • Ăn nhiều rau xanh và các loại hoa quả tươi; bổ sung vitamin và các khoáng chất hợp lý.

  • Hạn chế các thực phẩm chứa nhiều oxalat để ngăn ngừa nguy cơ tạo sỏi. Không ăn quá mặn để hạn chế sự hình thành và kết tinh của sỏi.

  • Xây dựng thời gian làm việc, nghỉ ngơi và vận động một cách khoa học và hợp lý .

Hi vọng những thông tin trên đã cung cấp cho các bạn cái nhìn toàn diện về sỏi thận xuống niệu quản. Từ đó bạn có thể chủ động hơn trong việc phòng ngừa và kiểm soát sỏi niệu quản, sỏi tiết niệu. Sỏi tiết niệu nói chung hoàn toàn có thể điều trị hiệu quản nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Hiện tại đã có các phương pháp làm sạch sỏi công nghệ cao rất ít xâm lấn, phục hồi nhanh, tiết kiệm thời gian và tiền bạc cho người bệnh.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

 

return to top