Tán sỏi niệu quản 1/3 trên là phương pháp điều trị sỏi ở vị trí này giúp làm sạch sỏi nhanh chóng, ít xâm lấn, ít đau, nhanh phục hồi và đặc biệt là ít gây tổn thương đến niệu quản. Mời các bạn đọc các thông tin trong bài viết sau để hiểu phương pháp này thường được chỉ định trong những trường hợp nào, được thực hiện ra sao và cần lưu ý gì sau khi hoàn tất điều trị để tốt cho sức khỏe, ngăn chặn tái phát.
Niệu quản là một ống dài khoảng 25-30cm với đường kính trung bình khoảng 5mm, đảm nhận vai trò quan trọng trong việc dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang. Sỏi niệu quản chiếm tỷ lệ khoảng gần 30% trong số các loại sỏi tiết niệu. Từ trên xuống dưới, niệu quản có 3 vị trí hẹp sinh lý khiến sỏi bị kẹt lại và khó di chuyển. Đó là:
– Điểm nối bể thận – niệu quản: Sỏi niệu quản 1/3 trên.
– Đoạn niệu quản bắt chéo qua bó mạch chậu: sỏi niệu quản 1/3 giữa.
– Điểm nối niệu quản – bàng quang: sỏi niệu quản 1/3 dưới.
Sỏi niệu quản chủ yếu là do sỏi được hình thành trước ở thận “rơi xuống”, trong đó sỏi niệu quản vị trí 1/3 trên là phổ biến nhất. Chỉ khi qua được vị trí này, sỏi mới có khả năng di chuyển dần xuống dưới để đào thải ra ngoài
Sỏi niệu quản vị trí 1/3 trên là phổ biến nhất
Kích thước và số lượng sỏi niệu quản quyết định mức độ nguy hại của bệnh. Thông thường nếu được phát hiện và điều trị sớm, bệnh sẽ không nguy hiểm. Tuy nhiên sỏi quá lớn hoặc nhiều viên xếp thành một chuỗi bị kẹt lại ngay tại điểm nối thận – niệu quản sẽ tiềm ẩn một số biến chứng bao gồm:
– Tắc nghẽn đường niệu, giãn niệu quản, thận ứ nước: sỏi gây giãn niệu quản và cản trở dòng chảy của nước tiểu khiến nước tiểu bị ứ đọng tại nhiều vị trí phía trên sỏi gây tình trạng thận ứ nước.
– Viêm đường tiết niệu: sỏi niệu quản khi di chuyển cọ xát vào niêm mạc sẽ gây trầy xước, chảy máu, nhiễm trùng. Nguy hiểm hơn là biến chứng viêm ngược dòng lên thận, viêm cầu thận, bể thận.
– Suy thận: khi sỏi kẹt lại quá lâu ở niệu quản sẽ ảnh hưởng đến hoạt động ở các cơ quan lân cận. Tình trạng thận ứ nước và viêm thận kéo dài gây tổn thương, xơ hóa tế bào thận, suy giảm chức năng thận.
Bác sĩ sẽ căn cứ vào kích thước và tình trạng sỏi để chỉ định phương pháp điều trị phù hợp nhất. Theo đánh giá của chuyên gia tiết niệu, sỏi niệu quản vị trí 1/3 trên chỉ cân nhắc phẫu thuật khi:
– Sỏi kích thước lớn >15mm kèm theo một số biến chứng như thận ứ nước độ 3 hoặc 4, giãn niệu quản, giãn đài bể thận không hồi phục,…
– Sỏi niệu quản gây đau quặn thận dữ dội kèm hiện tượng tiểu đau buốt, tiểu ra máu nghiêm trọng
– Sỏi niệu quản sau khi đã điều trị tích cực bằng phương pháp nội khoa nhưng không hiệu quả.
Sỏi niệu quản có kích thước lớn và gây biến chứng cần phải được phẫu thuật
Trước đây, việc mổ lấy sỏi khiến người bệnh phải chịu nhiều đau đớn và mất rất nhiều thời gian để phục hồi sức khỏe. Tuy nhiên hiện nay với sự phát triển vượt bậc của y học, các phương pháp tán sỏi niệu quản vị trí 1/3 trên đã và đang được áp dụng trong điều trị – an toàn, xâm lấn tối thiểu và làm sạch sỏi nhanh chóng. Các phương này bao gồm: tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng điện từ và tán sỏi qua da đường hầm nhỏ bằng laser. Mỗi phương pháp được áp dụng cho sỏi niệu quản 1/3 trên ở kích thước nhất định.
Tán sỏi ngoài cơ thể chỉ định trong trường hợp người bệnh có sỏi niệu quản 1/3 trên dưới 15mm. Số lượng sỏi tốt nhất là từ 1-2 viên.
Đây được xem là phương pháp hiệu và an toàn bậc nhất cho người bệnh: không xâm lấn, không đau, ra viện ngay. Người bệnh hoàn toàn tỉnh táo trong suốt quá trình tán sỏi, ra viện ngay sau 10-15 phút và có thể quay trở lại làm việc bình thường.
Tuy nhiên phương pháp này không thực hiện được cho người bệnh bị hẹp niệu quản ở đoạn dài phía dưới sỏi, người bệnh bị nhiễm trùng đường tiết niệu nặng, phụ nữ có thai, trẻ em dưới 10 tuổi hoặc người bệnh bị rối loạn đông máu.
Với phương pháp này, bác sĩ sẽ tạo một đường hầm nhỏ từ 5 – 10mm chạy từ bên ngoài (da) vào niệu quản vị trí 1/3 trên. Một máy nội soi chuyên biệt sẽ được đưa qua đường hầm vừa tạo để vào tìm sỏi. Sau khi xác định chính xác vị trí sỏi, bác sĩ sử dụng nguồn năng lượng laser để tán vỡ sỏi thành những mảnh nhỏ rồi hút ra ngoài qua đường hầm.
Phương pháp thực hiện khi sỏi niệu quản vị trí 1/3 trên có kích thước trên 15mm.
Nội soi tán sỏi qua da là phương pháp xâm lấn tối thiểu nhất. Người bệnh ít đau, ít chảy máu và hầu như không để lại sẹo. Thời gian lưu viện ngắn. Sau 3 ngày người bệnh có thể trở về nhà và sớm quay trở lại làm việc bình thường.
Phương pháp này không chỉ định cho người bệnh bị nhiễm trùng đường tiết niệu; người bệnh rối loạn đông máu; người bệnh suy giảm chức năng thận hoặc phụ nữ trong giai đoạn thai kỳ…
Kết quả điều trị tán sỏi niệu quản phụ thuộc rất lớn vào quá trình hậu phẫu. Người bệnh sau khi thực hiện tán sỏi cần lưu ý:
– Uống nhiều nước mỗi ngày từ 2-2,5 lít để các vụn sỏi nhanh di chuyển ra ngoài cơ thể theo đường tiểu.
– Ăn các loại thức ăn mềm tốt cho tiêu hóa . Ăn nhiều rau xanh, trái cây, củ quả tươi để bổ sung vitamin và các khoáng chất cho cơ thể.
– Không ăn nội tạng động vật; hạn chế lượng muối ăn hàng ngày và các loại thực phẩm giàu chất béo, dầu mỡ.
– Không ăn các loại thực phẩm có chứa oxalate để ngăn ngừa quá trình hình thành và kết tinh sỏi.
– Không hút thuốc lá. Hạn chế sử dụng đồ uống có cồn, gas và các đồ uống có chứa chất kích thích khác.
– Thông báo ngay cho bác sĩ nếu xuất hiệu các triệu chứng bất thường như đau, sốt, tiểu ra máu… để có hướng can thiệp kịp thời.
– Tái khám đúng hẹn để đảm bảo toàn bộ sỏi đã được loại bỏ ra khỏi cơ thể.
Tán sỏi niệu quản 1/3 trên là một phương pháp điều trị hiện đại, xâm lấn tối thiểu với nhiều ưu điểm vượt trội. Tuy nhiên, các phương pháp này cũng tồn tại một số rủi ro không thể kiểm soát. Do đó, người bệnh cần lựa chọn cơ sở y tế uy tín có đội bác sĩ chuyên môn cao cùng hệ thống máy tán sỏi hiện đại để tránh những biến chứng xảy ra.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh